.

Kỳ vọng vào khu vực phía Đông

Cập nhật: 10:43, 28/09/2018 (GMT+7)

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khu vực phía Đông được kỳ vọng sẽ có nhiều bứt phá nhờ được đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, cũng như phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển của cả nước.

Nguồn lợi thủy sản mang lại nhiều lợi thế cho khu vực phía Đông.  Ảnh: MINH THÀNH
Nguồn lợi thủy sản mang lại nhiều lợi thế cho khu vực phía Đông. Ảnh: MINH THÀNH

Khu vực phía Đông của tỉnh được kỳ vọng có nhiều chuyển biến về phát triển kinh tế - xã hội; bởi khu vực này còn gắn liền với việc khai thác, khơi dậy tiềm lực biển của Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung và phù hợp với Chiến lược biển Việt Nam.

Đề cập về định hướng phát triển trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng nhấn mạnh, tiềm năng phát triển, kỳ vọng tương lai là vùng phía Đông của tỉnh, gắn liền với kinh tế biển. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Trung ương. Trước đây, khu vực phía Đông rất khó khăn về nước ngọt, hạ tầng nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Bởi muốn phát triển công nghiệp khu vực này ít nhất phải đảm bảo đường giao thông, nước và hệ thống điện. Hiện nay, những yếu tố này đã cơ bản được khắc phục, nhất là sau khi cầu Mỹ Lợi, đường tỉnh 871B, hệ thống nước đã được đầu tư hoàn chỉnh nên điều kiện phát triển của khu vực này có nhiều thuận lợi hơn, nhất là kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển các dự án công nghiệp.

Trên thực tế, qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 09 ngày 9-2-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và Chương trình hành động 08 ngày 17-5-2007 của Tỉnh ủy, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ của chiến lược biển, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện.

Theo đó, tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng nuôi thủy sản cho vùng ven biển; hạ tầng các Khu công nghiệp Dịch vụ dầu khí Soài Rạp, Khu công nghiệp Bình Đông; các cụm công nghiệp chế biến thủy sản Vàm Láng và các dịch vụ phục vụ hậu cần, Cụm công nghiệp Tân Tây; nâng cấp Quốc lộ 50, xây dựng cầu Mỹ Lợi; đầu tư xây dựng nhà máy cung cấp nước sạch cho các huyện phía Đông... Đây được xem là những khâu đột phá mang tính bền vững, lâu dài cho vùng kinh tế biển của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh, địa phương cũng tập trung đầu tư cho sản xuất, chuyển giao công nghệ sản xuất giống thủy sản có chất lượng và giá trị cao, đặc biệt là tôm giống và nghêu giống; dịch vụ hậu cần nghề cá, dự báo môi trường và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tăng cường năng lực chế biến, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu; khuyến khích các hình thức hợp tác, đầu tư thích hợp trong ngư nghiệp nhằm nhanh chóng chuyển giao công nghệ và tiếp cận thị trường.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đầu tư nâng cấp, phát triển mở rộng TX. Gò Công hướng áp sát sông Vàm Cỏ, hình thành khu đô thị công nghiệp - thương mại - dịch vụ, tiếp cận Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đạt tiêu chuẩn đô thị loại III, là cửa ngõ thứ 2 (sau TP. Mỹ Tho) của tỉnh Tiền Giang tiếp cận Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài định hướng phát triển về công nghiệp, thương mại, khu vực phía Đông của tỉnh, nhất là sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng, ngành thủy sản ven biển cũng được tập trung khai thác và mang hiệu quả tích cực.

Theo đó, khu vực phía Đông hiện có 3.128 ha thả nuôi tôm. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú thâm canh chỉ chiếm 3,7% tổng diện tích thả nuôi, tôm thẻ vẫn là đối tượng nuôi ưu tiên vì thời gian nuôi ngắn, rút ngắn được rủi ro.

Ngoài các mô hình nuôi tôm truyền thống, từ năm 2017 các hộ nuôi tôm trong tỉnh cũng đã bắt đầu áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào trong nuôi tôm nước lợ như: Mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn với diện tích 30 ha/14 hộ, với năng suất bình quân từ 40 - 70 tấn/ha (nuôi thông thường từ 15 - 20 tấn/ha); triển khai xây dựng quy hoạch Khu nuôi thủy sản 352 ha (Cồn Cống, huyện Tân Phú Đông) để mời gọi đầu tư.

Bên cạnh con tôm, vùng nuôi nghêu khu vực phía Đông cũng phát triển nhanh. Hiện địa phương và các ngành có liên quan cũng đã hoàn thiện các thủ tục để chứng nhận đạt tiêu chuẩn MSC cho nghề nghêu huyện Gò Công Đông; đồng thời, tiếp nhận Dự án “Phát triển chuỗi giá trị Ngao - Tre toàn diện, bền vững tại Việt Nam” do Liên minh châu Âu tài trợ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; phối hợp với Viện Nuôi trồng thủy sản II thực hiện đề tài nghiên cứu mô hình nuôi nghêu tại xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông…

Trong chặng đường sắp tới, bên cạnh đầu tư hạ tầng, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển đô thị khu vực phía Đông cũng là một trong những nội dung quan trọng.

Theo đó, tỉnh, địa phương sẽ tập trung phát triển các đô thị trung tâm, đô thị ngoại vi và các điểm dân cư nông thôn nhằm tạo ra một bức tranh phân bố dân cư mới, tập trung cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng của vùng như: TX. Gò Công, các thị trấn, phát triển các khu dân cư, khu đô thị - dịch vụ gắn với phát triển các khu, cụm công nghiệp của tỉnh.

Đồng thời, tỉnh, địa phương sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị cơ bản hoàn thiện, đồng bộ tại TX. Gò Công và các đô thị như: Tân Hòa, Vàm Láng, Tân Tây, Vĩnh Bình...; trong đó, thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung TX. Gò Công đến năm 2030, tập trung phát triển đô thị TX. Gò Công với vai trò là đô thị trung tâm của vùng, thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, các khu dân cư, khu đô thị mới, thương mại - dịch vụ ở TX. Gò Công...

P.A

.
.
.