Thứ Hai, 17/09/2018, 15:54 (GMT+7)
.

Liên kết để cùng phát triển

Liên kết phát triển là một trong những nội dung quan trọng được tỉnh đặt ra nhằm khai thác những ưu thế trong các tiểu vùng, nhất là thông qua thu hút đầu tư, để phát triển kinh tế - xã hội.

Điểm nhấn quan trọng là Tiền Giang đang chủ động thực hiện các nội dung liên kết trong các tiểu vùng kinh tế, bao gồm Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN), Tiểu vùng Đồng Tháp Mười và Tiểu vùng Duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như Chương trình hợp tác giữa Tiền Giang và
TP. Hồ Chí Minh.

Ký kết tiêu thụ nông sản giữa các tỉnh trong Tiểu vùng Đồng Tháp Mười.
Ký kết tiêu thụ nông sản giữa các tỉnh trong Tiểu vùng Đồng Tháp Mười.

1. Để khai thác tốt những lợi thế mang lại từ Vùng KTTĐPN, thực hiện Quyết định 941 ngày 25-6-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020, ngày 30-9-2015 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2585 về việc thành lập Tổ điều phối phát triển Vùng KTTĐPN của tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2015 - 2020.

Trên cơ sở đó, tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh (Chủ tịch Hội đồng Vùng KTTĐPN nhiệm kỳ 2015 - 2016 và tiếp tục cho giai đoạn 2017 - 2020), các tỉnh trong vùng xây dựng và triển khai nghị quyết về những nhiệm vụ trọng tâm Hội đồng vùng nhiệm kỳ 2015 - 2016 và nhiệm kỳ 2016 - 2018, xây dựng các Đề án cho Vùng KTTĐPN.

Ngoài ra, tỉnh đang nghiên cứu triển khai một số đề án của tỉnh để thực hiện liên kết với các tỉnh, thành trong Vùng KTTĐPN, Tiểu vùng Đồng Tháp Mười và Tiểu vùng Duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long.

Đối với liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười, trên cơ sở 7 lĩnh vực liên kết theo Biên bản ghi nhớ 68 ngày 27-9-2016 của Tỉnh ủy Tiền Giang, Tỉnh ủy Đồng Tháp và Tỉnh ủy Long An; tỉnh đã phối hợp với các tỉnh trong tiểu vùng xây dựng Đề án Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đề xuất 6 chương trình liên kết: Cải tiến chuỗi và phát triển thương hiệu nông sản đặc trưng; Phát triển du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười; Quản lý nước, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học; Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi và điện; Hệ thống thông tin phát triển tiểu vùng và Dự án thu hút đầu tư để phát triển bền vững tiểu vùng.

Hiện Đề án đang tiếp tục hoàn chỉnh để tổ chức Hội thảo lần cuối trước khi trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Song song đó, việc liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã được các địa phương thực hiện nhằm tận dụng, khai thác những tiềm năng, lợi thế của từng địa phương dựa trên những nội dung thỏa thuận giữa các tỉnh trong tiểu vùng.

Trên cơ sở Biên bản ghi nhớ 166 ngày 22-2-2018 của Tỉnh ủy Bến Tre, Tỉnh ủy Tiền Giang, Tỉnh ủy Vĩnh Long và Tỉnh ủy Trà Vinh, tỉnh đang phối hợp với các tỉnh trong tiểu vùng xây dựng tầm nhìn chiến lược “Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long”.

2. Nhìn từ thực tiễn cho thấy, kết quả ấn tượng của Chương trình hợp tác giữa Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh đạt được trên nhiều lĩnh vực như: Thu hút đầu tư, công nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, giao thông, thông tin và truyền thông, xây dựng, khoa học công nghệ.

Kết quả cụ thể cho thấy, trong giai đoạn 2009 - 2016, có 47 doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đăng ký và được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Tiền Giang (bao gồm 4 dự án trong khu công nghiệp, 43 dự án ngoài khu công nghiệp, với tổng vốn đầu tư đăng ký 13.379 tỷ đồng).

Nhìn chung, các dự án được nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh triển khai trong những năm gần đây đã và đang phát huy tác dụng, đóng góp nhiều vào tăng trưởng kinh tế Tiền Giang nói chung và của ngành Công nghiệp nói riêng.

Một số dự án đầu tư cụ thể trong chương trình hợp tác như: Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Thành Công, Công ty cổ phần Nông sản Việt Phú, Công ty cổ phần Hùng Vương, Công ty TNHH Hưng Phát (Khu công nghiệp Mỹ Tho); Công ty cổ phần Tex - Giang, Công ty TNHH Tôn Đông Á; Công ty cổ phần May Sông Tiền, Công ty cổ phần Nhựa Mê Kông (Cụm công nghiệp Trung An); Công ty TNHH Nhựt Thành Tân đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Tân Hương...; trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ như: Co.opmart Mỹ Tho, Co.opmart Gò Công, Co.opmart Cai Lậy, Siêu thị Điện máy Chợ Lớn - Mỹ Tho, Trung tâm Mua sắm Nguyễn Kim…

Để tiếp tục liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành nhằm tạo động lực phát triển, Chương trình hợp tác giữa Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2020 đã được 2 địa phương ký kết.

Theo nội dung chương trình đã ký kết, Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh sẽ giới thiệu các doanh nghiệp của địa phương mình đến tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của 2 địa phương để phát triển hạ tầng thương mại, cũng như kết nối giao thương hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh để tiêu thụ trong hệ thống phân phối bán lẻ của các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ, tiện lợi của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Sài Gòn Co.opmart và nhiều thương hiệu bán lẻ khác trên địa bàn thành phố; hợp tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư liên kết sản xuất - kinh doanh, phát triển hệ thống phân phối, xây dựng vùng nguyên liệu, tạo nguồn hàng bình ổn.

Bên cạnh đó là việc liên kết phối hợp mở các tour, tuyến du lịch kết nối các khu, điểm du lịch; phối hợp thực hiện tốt công tác xúc tiến du lịch…

P.A

.
.
.