Thứ Bảy, 13/10/2018, 09:55 (GMT+7)
.

Doanh nghiệp Nhà nước: Tái định vị hay tái cơ cấu?

Trước áp lực của hội nhập và phát triển, chất lượng và hiệu quả của DNNN lại được đặt ra. Và tái cơ cấu DNNN là một vấn đề cần nhìn nhận thấu đáo.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho biết như vậy khi trao đổi với DĐDN.

a
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương.

- Vậy theo ông, DNNN sẽ được nhìn nhận như thế nào trong tổng thể nền kinh tế?

Thực tế, đang có một hệ quả rằng: DNNN cũng phải “được/bị” bình đẳng với các doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế khác. Việc tách bạch hẳn “phát triển kinh tế thị trường” và “đảm bảo an sinh xã hội” sẽ giúp thực hiện sự bình đẳng này và đồng thời tránh được những quyết định can thiệp hành chính, làm méo mó thị trường...

- Nhưng rõ ràng công tác điều hành kinh tế vẫn được tiến hành thường xuyên và DNNN cũng không “thoát khỏi” sự điều hành ấy?

Điều đáng phải lưu tâm là: trọng tâm của điều hành vẫn là tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, tăng năng suất để tăng trưởng, tăng thịnh vượng và phúc lợi xã hội. Bên cạnh việc bỏ “độc quyền” do thể chế tạo ra, thì tháo bỏ rào cản thị trường, cải cách thực chất DNNN là những công cụ cần triển khai mạnh mẽ.

- Điều ông vừa nói đã được lãnh đạo Chính phủ, các chuyên gia nói nhiều. Nhưng hướng cải cách thực chất DNNN phải thế nào, thưa ông?

Ngoài các giải pháp đã được nói tới hàng chục năm nay, tôi cho là, cải cách DNNN phải theo hướng vừa cải thiện hiệu quả, vừa thu hẹp phạm vi và quy mô của DNNN. Chúng ta còn nhớ, Thủ tướng từng khẳng định nhà nước không cần đi bán bia, bán sữa. Sabeco đã được bán đi, thu về cho nhà nước một nguồn lực lớn để phục vụ phát triển. Đó là những ví dụ tốt. Và hiện nay chúng ta có thể nói thêm: Nhà nước cũng không cần làm dệt may, bán giày dép.

- Nhiều ý kiến nói rằng: bán DNNN cũng rất khó khăn, bởi nguyên lý đảm bảo tối đa lợi ích nhà nước hình như cũng là rào cản?

Hãy nhìn trên thị trường chứng khoán, có hàng trăm DNNN đang niêm yết. Cách “bán” này rất đơn giản là bởi vì giá cổ phiếu các DNNN được niêm yết đã theo thị trường, một cách công khai minh bạch.
Nếu chưa bán được, tôi cho rằng: hàng trăm DNNN cũng nên chuyển đổi hệ thống quản lý, nhất là hệ thống kế toán theo tiêu chuẩn quốc tế để thúc đẩy minh bạch...

Quá trình cổ phần hóa, thoái vốn vì vậy cũng sẽ diễn ra nhanh, hiệu quả và thực chất hơn. Khi chúng ta tiến hành việc này một cách nghiêm túc, thì những nhà đầu tư chân chính sẽ “nhảy vào”, khối lượng hàng trăm tỷ USD của tài sản DNNN sẽ tăng hiệu quả.
Quan trọng hơn, khi đó, các nhà đầu tư cũng thấy rõ ràng rằng: cải cách đang thực sự diễn ra. Và niềm tin vào cải cách, vào môi trường đầu tư, nền tảng thị trường lập tức tăng lên.

- Tức là theo ông Nhà nước không cần nắm giữ những ngành, lĩnh vực mà tư nhân có thể làm tốt?

Nguyên lý này là phổ quát. Và từ những thống kê cụ thể, chúng ta thấy thực tế ủng hộ nguyên lý này. Chẳng hạn, với 1000 doanh nghiệp nộp thuế cao nhất vừa được Tổng cục Thuế vinh danh tháng trước, thì doanh nghiệp ngoài nhà nước đóng góp 46% số lượng doanh nghiệp và 34% số thuế. Tỷ lệ này cao hơn DNNN nhiều.

Một ví dụ đơn giản như thế thôi cũng là một lý do khá thuyết phục để chúng ta xem xét lại, định vị lại vị thế của từng loại hình doanh nghiệp, từng khu vực và thành phần kinh tế. Hệ quả của nó là có thể kéo theo sự thay đổi tư duy và làn sóng cải cách mới là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

- Nhưng tái cơ cấu DNNN, hoặc như ông nói, định vị lại DNNN vẫn đang diễn ra?

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, dường như nguyên lý hiệu quả vẫn chưa được áp dụng triệt để. Tôi cho rằng: Tái cơ cấu DNNN, thay vì nỗ lực tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp thua lỗ thì nên tập trung đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp có tiềm năng. Mặt khác, cần phải mạnh dạn tháo cởi các khoản trợ cấp cả về tài chính và thể chế đối với các DNNN. Có lẽ, sau sự thất bại của các VINA… chúng ta có xu hướng can thiệp hành chính vào các doanh nghiệp. Nhưng để các doanh nghiệp, kể cả DNNN phát triển, thì thể chế phải để doanh nghiệp tự do kinh doanh.

- Cơ chế giám sát DNNN tôi thấy vẫn vận hành đấy chứ, thưa ông?

Vấn đề là, lâu nay, giám sát hoạt động của DNNN không rõ ràng do chế độ bộ chủ quản đang làm mập mờ chức năng của các bộ đối với DNNN. Các bộ nói họ có bao nhiêu cơ quan giám sát rồi. Nhưng đó là tư duy áp đặt hệ thống quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

Chúng ta nên nhớ rằng: doanh nghiệp là nhà đầu tư thì phải áp dựng quy tắc khác để bổ nhiệm nhân sự, đánh giá hiệu quả, giao nhiệm vụ kinh tế và quy trách nhiệm cá nhân. Các bộ quản lý nhà nước, còn doanh nghiệp không thực hiện bất kể chức năng nào của nhà nước mà chỉ là nhà đầu tư.

Bởi vậy, việc áp đặt những tư duy, cách thức quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sẽ không thúc đẩy tự do, sáng tạo kinh doanh như tôi nói ở trên. Và chỉ khi nào, tư duy, cách thức, công cụ… quản lý của nhà nước thay đổi thì DNNN mới được đưa đúng về vị trí của nó.

- Xin cảm ơn ông!
 
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐB TP Hà Nội: Làm rõ yếu tố thất thoát

a
 

DNNN có 3 dạng làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước: Kinh doanh kém hiệu quả; mua đắt bán rẻ; định giá tài sản thấp. Về kinh doanh kém hiệu quả có 3 nguyên nhân. Thứ nhất, trình độ quản lý yếu kém dẫn kến kinh doanh thiếu hiệu quả. Thứ hai, DNNN đã đầu tư vào những hoạt động không có hiệu quả nhằm thu lợi ích cá nhân. Thứ ba, dù doanh nghiệp lỗ nhưng không ai phải chịu trách nhiệm.

Về việc mua đắt bán rẻ liên quan tới DNNN mua hàng hóa, dịch vụ với giá cao, bán với giá thấp hơn tư nhân. Tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra, dù đã ban hành cơ chế về tổ chức định giá độc lập, tổ chức đấu giá độc lập. Còn về định giá tài sản chủ yếu liên quan đất đai do DNNN quản lý được chuyển đổi không thông qua đấu giá.

TS Trần Đình Thiên – Thành viên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ: Định vị lại vai trò trụ cột

a
 

Tái cơ cấu DNNN là việc không thể chậm trễ hơn, thậm chí, đây là trận đấu cuối cùng. Nhà nước không thể coi các doanh nghiệp như Sabeco hay Habeco là trụ cột của nền kinh tế để ngần ngừ.

Đã đến lúc Việt Nam phải quan tâm tới các doanh nghiệp mang tính trụ cột, dẫn dắt. Chính phủ nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp lớn lên, có thể định hướng vào những doanh nghiệp trẻ, có tầm nhìn, có khát vọng. Họ chính là những ngôi sao sẽ dựng nên chân dung kinh tế Việt Nam những năm tới.

(Theo enternews.vn)

.
.
.