Thứ Tư, 31/10/2018, 09:56 (GMT+7)
.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Định hướng chung của Trung ương và của tỉnh Tiền Giang là tập trung hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; bởi thực tế cho thấy lĩnh vực này hiện còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, Tiền Giang là tỉnh có diện tích trồng thanh long lớn, nhưng theo đánh giá gần đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), hệ thống thu mua thanh long trên địa bàn tỉnh chủ yếu do thương nhân đảm nhận, năng lực thu mua của nhóm này chiếm khoảng 90.000 tấn/năm, chiếm 64% tổng sản lượng thanh long toàn tỉnh.

Các hợp tác xã, DN vừa sản xuất, vừa thu mua chỉ đạt khoảng 50.000 tấn/năm. Nhìn chung, toàn bộ sản phẩm thanh long trên địa bàn tỉnh được thu mua và đưa ra thị trường tiêu thụ chủ yếu dưới dạng trái tươi.

“Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 DN và 45 cơ sở thu mua thanh long; có 4 DN đông lạnh thanh long xuất khẩu sang các thị trường EU, Hoa Kỳ và hiện chưa có DN đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ thanh long. Riêng Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường đã đầu tư hệ thống xử lý nhiệt đối với trái thanh long”- Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Văn Hóa cho biết.

Chế biến nông sản được tỉnh tập trung thu hút đầu tư.
Chế biến nông sản được tỉnh tập trung thu hút đầu tư.

Nhìn rộng hơn, các sản phẩm rau quả xuất khẩu của Tiền Giang thời gian qua cũng chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn trong cơ cấu xuất khẩu chung của tỉnh, với các sản phẩm chủ yếu như: Nước dứa cô đặc, khóm đông lạnh, thanh long, sầu riêng, dứa đóng hộp... sang thị trường Hàn Quốc, Hà Lan, Nhật Bản...

Tương tự như tình hình chung của cả nước, khó khăn của xuất khẩu các mặt hàng này là do hạn chế về kỹ thuật, công nghệ chế biến dẫn đến giá thành sản xuất cao, nên khả năng cạnh tranh thấp.

Theo đánh giá của Sở Công thương Tiền Giang, hiện trên địa bàn tỉnh có 5 nhà máy chế biến rau quả có quy mô khá, được đầu tư khá hiện đại, với công suất chế biến khoảng 269 tấn nguyên liệu/ngày.

Tuy nhiên, tồn tại chính của rau quả chế biến trên địa bàn tỉnh hiện nay là sản phẩm còn đơn điệu, chất lượng nguyên liệu không đồng đều, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, cơ chế đối với vùng nguyên liệu chưa bền vững; mối quan hệ giữa người cung ứng và DN chế biến còn lỏng lẻo.

 Nghị định 57 của Chính phủ ban hành ngày 17-4-2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã mở ra nhiều cơ chế hỗ trợ cho DN như: Miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; hỗ trợ tập trung đất đai; hỗ trợ DN nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao…

Đặc biệt, Nghị định 57 còn mở ra cơ chế tiếp cận, hỗ trợ tín dụng. Theo đó, DN có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành như sau: Mức hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi đầu tư tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ.

Thời gian hỗ trợ lãi suất tính từ ngày bắt đầu giải ngân theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại: Tối đa 8 năm đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; tối đa 6 năm đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư; tối đa 5 năm đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư.

Trường hợp dự án của DN nông nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập thì thời gian hỗ trợ lãi suất là 8 năm. Đối với dự án tham gia liên kết chuỗi giá trị thì được áp dụng hỗ trợ lãi suất theo chu kỳ sản xuất của sản phẩm. Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án…

Đánh giá một cách tổng thể của Sở NN-PTNT cũng cho thấy, sản lượng trái cây của Tiền Giang đạt khoảng 1,4 triệu tấn mỗi năm, nhưng chế biến chỉ chiếm dưới 10%, gồm: Khóm, nhãn, sa pô dưới dạng nước đóng hộp hoặc nước cô đặc.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do hệ thống chế biến chưa được đầu tư tương xứng, liên kết giữa sản xuất, chế biến còn yếu; người tiêu dùng ít biết đến sản phẩm chế biến của DN trong tỉnh; đồng thời, các DN công nghiệp chế biến chưa chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, cũng như đầu tư công nghệ mới.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018 vừa tổ chức, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng nhấn mạnh, Tiền Giang nằm trong vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất cả nước, với điều kiện tự nhiên thích hợp cho các vùng sinh thái khác nhau trải dài từ Tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến vùng biển phía Đông của tỉnh, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp toàn diện.

“Vì vậy, chế biến nông sản hiện là ngành rất có tiềm năng để tiếp tục phát triển trên địa bàn tỉnh”- Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng nhấn mạnh.

Để cụ thể hóa chủ trương chung về hỗ trợ, khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, vừa qua UBND tỉnh đã trao chủ trương nghiên cứu đầu tư liên quan đến lĩnh vực này, chẳng hạn như các dự án: Trung tâm nghiên cứu giống và các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến Mê Kông (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành); Nhà máy chế biến nông sản (xã Trung An, TP. Mỹ Tho); Sản xuất, chế biến nông sản sạch (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành) hay Nhà máy chế biến trái cây (xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo)…

Bên cạnh đó, ngoài cơ chế, chính sách chung của cả nước, tỉnh cũng xem xét, tính toán xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi cho DN đầu tư vào lĩnh vực này.

A.P

.
.
.