Tìm cách gỡ "nút thắt" chế biến nông sản
Trên thực tế, chỉ trừ một số ngành hàng lúa - gạo, cá tra…, các ngành hàng còn lại như trái cây, rau màu… sản phẩm qua chế biến sâu chiếm tỷ lệ rất thấp và đang là “điểm nghẽn” cho sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp.
Một số sản phẩm nông nghiệp chế biến của Tiền Giang. |
Đó là một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại Hội nghị “Đánh giá năng lực và thúc đẩy công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản (NLTS) và cơ giới hóa nông nghiệp phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp khu vực phía Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với UBND tỉnh tổ chức ngày 19-10.
Nhìn nhận từ thực tiễn, công nghiệp chế biến NLTS thời gian qua cũng có sự thay đổi, nhưng vẫn có nhiều “nút thắt” cần phải tháo gỡ. Chẳng hạn đối với Tiền Giang, dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng riêng đối với công nghiệp chế biến cũng còn nhiều hạn chế.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Văn Hóa cho biết, nhìn chung ngành Nông nghiệp Tiền Giang những năm qua phát triển khá ổn định; vùng nguyên liệu đầu vào vừa cung ứng nội địa vừa xuất khẩu. Tuy nhiên, số lượng cơ sở chế biến NLTS trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng cơ bản đối với lúa và thủy sản, còn đối với trái cây và rau màu cũng còn rất nhiều hạn chế.
“Trong chặng đường sắp tới, ngành Nông nghiệp Tiền Giang sẽ tập trung phát triển theo hướng bền vững, bắt đầu từ việc thực hiện có hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; thu hút đầu tư, phát huy vai trò của doanh nghiệp, đi kèm là Nhà nước hỗ trợ cơ chế, chính sách; đồng thời, phát triển chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực của tỉnh.
Theo đó, ngành Nông nghiệp Tiền Giang sẽ hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh tập trung; tổ chức sản xuất theo hướng chuỗi giá trị; chuyển giao ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch; tiếp tục đầu tư hạ tầng và hạ tầng kỹ thuật; tiếp tục mời gọi đầu tư, thu hút doanh nghiệp và tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, giảm thiểu các thủ tục hành chính”- Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Văn Hóa cho biết.
Đứng trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu phát triển nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, hiện đại, hội nhập quốc tế đòi hỏi lĩnh vực công nghiệp chế biến NLTS, cũng như cơ giới hóa nông nghiệp phải được phát triển mạnh mẽ để góp phần trực tiếp vào thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch, giải quyết đầu ra cho sản xuất, giảm chi phí, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và giải quyết được những “nút thắt” như hiện nay. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT TRẦN THANH NAM |
Nhìn một cách tổng thể, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho rằng, từ năm 2013 - 2017 công nghiệp chế biến nông sản đã có bước phát triển mạnh trên cả quy mô và mức độ hiện đại so với 5 năm trước (2007 - 2012), tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hằng năm đạt 5% - 7%; đồng thời, đã hình thành hệ thống công nghiệp chế biến NLTS có công nghệ và thiết bị tương đối hiện đại.
Trên thực tế đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến bảo quản nông sản có công suất thiết kế chế biến nông sản trên 100 triệu tấn nguyên liệu/năm, với trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu.
Trong khi đó, công nghệ chế biến nông sản Việt Nam cũng đạt mức trung bình của thế giới, một số ngành hàng hoặc một số sản phẩm có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm của khu vực và thế giới, như chế biến hạt điều, lúa - gạo, tôm, cá tra…
Dù có những bước tiến như thế, nhưng ngành công nghiệp chế biến NLTS của Việt Nam nói chung và chế biến nông sản nói riêng cũng còn rất nhiều “nút thắt”, dẫn đến những hạn chế nhất định.
“Đóng góp của công nghiệp chế biến để làm gia tăng giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa còn nhiều hạn chế, nên việc tác động đến việc thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa mạnh. Công nghiệp chế biến NLTS chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều ngành hàng đang là “nút thắt” trong chuỗi giá trị; một số ngành hàng khâu chế biến chỉ sử dụng 5% - 10% sản lượng sản xuất ra, thể hiện rõ nhất là thịt và rau quả.
Chưa kể, chất lượng nguyên liệu thấp, giá thành cao, tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm; trình độ chế biến nông sản chưa cao, tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng thấp, chủng loại sản phẩm chưa phong phú”- đồng chí Nguyễn Quốc Toản cho biết.
Trước bức tranh chung hiện nay và xu thế phát triển, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, tiềm năng và thị trường tiêu thụ nông sản chế biến được đánh giá là còn nhiều dư địa để phát triển. Bởi theo dự báo của FAO, sự phát triển nhanh chóng của các nước đang phát triển và cả những thị trường mới nổi làm gia tăng mức tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Ngoài ra, Việt Nam đang thực hiện 12 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs), tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được thị trường khu vực và thế giới; xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu của Việt Nam sẽ được gia tăng nhờ phần lớn các rào cản và điều kiện trong thương mại quốc tế đã được cam kết dỡ bỏ; các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp nhận, chuyển giao khoa học công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến từ các nước phát triển.
ANH PHƯƠNG