Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác ứng phó bão số 9
(ABO) Chiều 23-11, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cùng một số ngành chuyên môn đã đi kiểm tra thực tế công tác ứng phó cơn bão số 9 (USAGI).
Đoàn công tác kiểm tra tuyến đê ven biển thuộc xã Phú Tân (huyện Tân Phú Đông). |
Đoàn công tác đã đến kiểm tra bờ kè đê biển thuộc xã Phú Tân và điểm xung yếu thuộc xã Phú Thạnh (huyện Tân Phú Đông). Trong quá trình kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng đã nhắc nhở các ngành chức năng và các địa phương ven biển phải tăng cường công tác ứng phó, bảo vệ các tuyến đê xung yếu của khu vực ven biển. Ngoài ra, lãnh đạo phải túc trực bão 24/24 giờ để sẵn sàng xử lý tình huống khi trường hợp bão đổ bộ vào đất liền tỉnh ta.
Kiểm tra tuyến đê xung yếu vào chiều 23-11. |
Đoàn công tác kiểm tra chặt chẽ công tác ứng phó với cơn bão số 9 của huyện Tân Phú Đông. |
Theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thiện Pháp, đến sáng 23-11, địa phương đã kêu gọi toàn bộ 374 phương tiện đánh bắt ven bờ vào nơi tránh trú bão an toàn; khoảng 1.000 phương tiện đánh bắt xa bờ khác của tỉnh đều hoạt động ngoài vùng nguy hiểm của bão và đang giữ liên lạc thường xuyên với đất liền.
Ngoài ra, các công tác ứng phó bão số 9 tại Tiền Giang cơ bản đã hoàn tất và hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai đến sản xuất và đời sống. Riêng đối với các huyện, thị phía Tây của tỉnh Tiền Giang cần có biện pháp ứng phó hoàn lưu bão gây mưa to kết hợp triều cường, không để ảnh hưởng đến các vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản cũng như cơ sở vật chất, hạ tầng và đời sống nhân dân.
Nhiều tàu thuyền ở huyện Gò Công Đông đã vào nơi tránh, trú bão. |
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng đã chỉ đạo: “Đây là cơn bão có diễn biến phức tạp, các cấp, các ngành và nhân dân các địa phương, nhất là các huyện, thị ven biển phía Đông cần đề cao cảnh giác và có biện pháp ứng phó kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức trực nghiêm túc 24/24 giờ trong thời gian bão diễn ra và thực hiện những giải pháp khẩn cấp như: Kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển tránh xa khu vực nguy hiểm, nghiêm cấm tàu thuyền và phương tiện ra khơi; nhân dân khu vực ven biển khẩn trương chằng chống nhà cửa, rà soát đảm bảo an toàn các bến bãi, bến phà, đò ngang”.
S.N
.