Thứ Tư, 28/11/2018, 14:37 (GMT+7)
.

Đưa nông sản vào siêu thị

Tìm giải pháp đưa sản phẩm nông nghiệp vào hệ thống phân phối thương mại hiện đại là bước đi quan trọng nhằm hướng đến mục tiêu sản xuất an toàn, cung ứng sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng và thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa cùng lãnh đạo các sở của tỉnh tham quan gian hàng gạo Tiền Giang tại Go! Mỹ Tho.                                                                                                                                                             Ảnh: p. ANH
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa cùng lãnh đạo các sở của tỉnh tham quan gian hàng gạo Tiền Giang tại Go! Mỹ Tho. Ảnh: P. Anh

Sự kiện Trung tâm Thương mại dịch vụ GO! Mỹ Tho (gọi tắt là GO! Mỹ Tho) chính thức đi vào hoạt động theo hướng văn minh, hiện đại không chỉ giúp cho thương mại, dịch vụ của tỉnh phát triển mà còn góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp tỉnh nhà; đồng thời, tác động trực tiếp phương thức sản xuất của ngành Nông nghiệp.

Bởi đây được xem là mô hình bán lẻ chuyên nghiệp, lần đầu tiên được Tập đoàn Central Group Việt Nam, một trong các nhà bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam đưa vào hoạt động, đáp ứng mọi nhu cầu từ cơ bản đến nâng cao; từ các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng nhanh cho đến quần áo, phụ kiện thời trang, đồ điện máy gia dụng và dịch vụ ẩm thực, vui chơi giải trí mang tính sáng tạo… cho người tiêu dùng.

Với tầm nhìn đóng góp vào sự thịnh vượng của Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt, Tập đoàn Central Group Việt Nam nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng cường tỷ lệ hàng hóa địa phương cũng như nội địa trong cơ cấu hàng hóa kinh doanh tại GO! Mỹ Tho.

Chính vì thế, sự ra đời của GO! Mỹ Tho đã góp phần quảng bá và cung ứng rộng rãi các mặt hàng địa phương của Tiền Giang và Đồng bằng sông Cửu Long đến người tiêu dùng. Từ đó, thúc đẩy phát triển và nâng cao vị thế cho các ngành nghề sản xuất của Việt Nam.

Hơn thế nữa, GO! Mỹ Tho cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp (DN) địa phương. Hiện nay, GO! Mỹ Tho đã chính thức ký hợp đồng đối tác với các hợp tác xã (HTX), DN, hộ sản xuất địa phương như: HTX Hòa Lộc (huyện Cái Bè), với mặt hàng xoài cát Hòa Lộc; HTX Mỹ Tịnh An (huyện Chợ Gạo) với mặt hàng thanh long; HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công, với sản phẩm Gà ta Gò Công; Công ty cổ phần Gò Đàng, với sản phẩm cá tra chế biến; Công ty Lương thực Tiền Giang với sản phẩm gạo an toàn; HTX Rau an toàn Thạnh Hưng (huyện Gò Công Tây), HTX Mỹ Phong (TP. Mỹ Tho), Cơ sở giết mổ gia súc Tuấn Cúc (huyện Châu Thành), HTX Chăn nuôi Gà đất Việt (TX. Gò Công), Công ty TNHH MTV Rau củ quả Minh Long (huyện Chợ Gạo); hộ ông Nguyễn Văn Thi (huyện Cái Bè), hộ bà Võ Thị Lành (huyện Châu Thành), hộ ông Nguyễn Văn Thành (huyện Cái Bè), hộ ông Lê Tấn Lộc (huyện Châu Thành) để cung cấp trái cây sạch và các sản phẩm an toàn khác.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Tiền Giang đã có mặt tại các trung tâm thương mại.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Tiền Giang đã có mặt tại các trung tâm thương mại.

Điểm qua một số nét về mô hình hoạt động của GO! Mỹ Tho, ông Philippe Broianigo, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Central Group Việt Nam cho biết, Tiền Giang được tập đoàn chọn đầu tư mô hình trung tâm thương mại lớn nhất và đầu tiên là GO! Mỹ Tho, vì đã nhận ra tiềm năng, lợi thế và mức độ phát triển kinh tế - xã hội, vị trí địa lý chiến lược cũng như môi trường sống của Tiền Giang đang trên đà phát triển.

“Chúng tôi tự hào giới thiệu một thương hiệu Việt Nam mới với tên gọi GO! - phục vụ khách hàng Việt Nam - do người Việt Nam vận hành. GO! Mỹ Tho là một cột mốc quan trọng nhằm hiện thực hóa tầm nhìn của Tập đoàn Central Group Việt Nam. Bởi với GO! Mỹ Tho, giờ đây tất cả các gia đình và cộng đồng địa phương đều có thể trải nghiệm đầy đủ các dịch vụ tích hợp, sự “đột phá” về cách bố trí cửa hàng và ngành hàng, tất cả đều dễ dàng và thuận tiện”- ông Philippe Broianigo cho biết.

Trước đó, Co.opmart Cai Lậy chính thức đi vào hoạt động, cùng với hệ thống kinh doanh của Saigon Co.op trên địa bàn tỉnh đã mở ra hướng kinh doanh mới, với lượng hàng Việt chiếm tỷ trọng rất lớn. Giám đốc Co.opmart Cai Lậy Nguyễn Văn Võ cho biết, Co.opmart Cai Lậy được xây dựng hiện đại, với vốn đầu tư gần 125 tỷ đồng và tổng diện tích sàn hơn 6.000 m2.

Khu tự chọn kinh doanh của siêu thị có hơn 30.000 mặt hàng nhu yếu phẩm gồm: Thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, thời trang và đồ dùng gia dụng. Với cơ cấu hàng Việt hơn 90%, “Co.opmart Cai Lậy sẽ tạo thêm thuận lợi trong việc quảng bá hàng Việt Nam đến người tiêu dùng. Co.opmart Cai Lậy sẽ là cầu nối đưa hàng hóa, đặc sản của miền Tây Nam bộ nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng đến người tiêu dùng thông qua hệ thống siêu thị Co.opmart và các mô hình bán lẻ của Saigon Co.op trên cả nước” - ông Nguyễn Văn Võ khẳng định.

Đề cập về xu hướng phát triển của thương mại, dịch vụ, nhất là đối với các trung tâm thương mại mới ra đời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa cho biết, Tiền Giang đánh giá cao việc đầu tư của Tập đoàn Central Group Việt Nam vào địa phương, góp phần vào phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ.

Việc đầu tư GO! Mỹ Tho không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, nâng cao hiệu quả hoạt động mua bán của người dân mà còn tạo điểm nhấn cho TP. Mỹ Tho xứng tầm với đô thị loại I trực thuộc tỉnh Tiền Giang.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa cho rằng, Tiền Giang là địa phương có nhiều sản phẩm đặc trưng đảm bảo chất lượng như: Xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, sầu riêng Ngũ Hiệp, thanh long Chợ Gạo, rau an toàn Gò Công, thịt gia súc gia cầm…

UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo Sở NN&PTNT tổ chức sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; từng bước sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm.

UBND tỉnh cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Công thương làm cầu nối kết nối cung cầu hàng hóa giữa HTX, DN sản xuất trên địa bàn tỉnh với hệ thống phân phối thương mại hiện đại trong và ngoài tỉnh, nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp của Tiền Giang.

A.P

.
.
.