Thứ Sáu, 09/11/2018, 10:35 (GMT+7)
.

Phân hữu cơ, giải pháp cho nông nghiệp sạch

Vườn cây sum sê, trĩu quả, tuổi thọ của cây kéo dài và sản phẩm an toàn, được xuất khẩu sang thị trường khó tính…  Đó là thực tế của rất nhiều vườn cây ăn trái trên địa bàn tỉnh khi sử dụng phân hữu cơ bón cho cây trồng.

Vườn vú sữa sum sê trái của ông Lê Ngọc Bình, xã Phước Thạnh (TP. Mỹ Tho) nhờ bón phân hữu cơ kết hợp với một số kỹ thuật khác.
Vườn vú sữa sum sê trái của ông Lê Ngọc Bình, xã Phước Thạnh (TP. Mỹ Tho) nhờ bón phân hữu cơ kết hợp với một số kỹ thuật khác.

Đến thăm vườn vú sữa Lò Rèn, vú sữa nâu 0,8 ha của ông Lê Ngọc Bình, xã Phước Thạnh (TP. Mỹ Tho), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước năng suất cũng như mức độ “đẹp” của vườn này. Hiện doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm vú sữa của vườn ông Bình đang sẵn sàng thu mua để xuất đi thị trường Hoa Kỳ.

Chia sẻ kinh nghiệm vì sao có được vườn vú sữa tốt, sum sê, ông Bình tâm sự: “Vườn vú sữa được 13 năm tuổi và đây là mùa thứ 2 xuất đi Hoa Kỳ. Trước đây, tôi làm nhân viên cho một công ty của Nhật Bản chuyên sản xuất phân bón hữu cơ bằng bã mía.

Nắm bắt một số kỹ thuật cơ bản, tôi đã thu mua một lượng lớn phân bò về nhà trộn với nấm Trichoderma, men xử lý nấm của Nhật rồi mang đi ủ. Sau khoảng 3 - 4 tháng, phân chuồng đã hoai, tôi chọn thời điểm thích hợp bón cho vườn vú sữa nhà mình, nhờ đó mỗi cây cho trái trên 100 kg”.

Đối với những vườn cây ăn trái khác, người trồng bón phân chuồng cho cây rất hạn chế, khoảng vài kg đến 10 kg trở lại nhưng bón nhiều lần. Tuy nhiên, vườn của ông Bình lại bón rất nhiều phân chuồng và đặc biệt là chỉ bón một lần trong năm.

Ông Bình cho biết: “Việc bón nhiều phân và bón một lần sẽ giúp cho cây phục hồi sau thời gian cho trái. Ngoài ra, bón phân chuồng nhiều còn giúp cho đất có được nguồn dinh dưỡng dồi dào và giữ ẩm tốt hơn trong mùa nắng”.

Với kỹ thuật trồng của mình, vườn vú sữa của ông Bình bao giờ cũng đạt năng suất cao hơn so với các vườn vú sữa khác. Mỗi vụ, năng suất vườn vú sữa của ông đạt từ 20 tấn trái/ha trở lên, trong khi các vườn khác chỉ đạt khoảng 12 - 14 tấn trái/ha.

Sản phẩm vú sữa nhà ông Bình cũng được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ và giá bán cao hơn giá thị trường 20% để xuất khẩu trực tiếp đi Hoa Kỳ.

Tương tự, tận dụng phân và nước thải sau biogas của trại heo, ông Nguyễn Văn Tới, ấp Lương Phú C, xã Lương Hòa Lạc (huyện Chợ Gạo) đã thiết kế một hệ thống nước chạy quanh vườn trồng 0,3 ha thanh long ruột đỏ để cho cây hút được chất phân sau khi đã qua hệ thống biogas. Nhờ vậy, vườn thanh long của gia đình ông luôn xanh tốt, ít sử dụng phân bón, cho năng suất khá cao.

Ông Tới cho biết, cách làm này mỗi năm gia đình ông đã tiết kiệm chi phí được vài triệu đồng mua phân bón. Không những vậy, nó còn không gây ô nhiễm môi trường. Bởi, nguồn nước sau biogas đã được cây hút hết chất và trả về môi trường nguồn nước xanh trong.

Còn ông Đặng Tài Quân, xã Trung Hòa (huyện Chợ Gạo) sử dụng phân hữu cơ công nghiệp được đóng bao, kết hợp với phân bò đã được ủ hoai mục bón cho thanh long. Mỗi gốc thanh long ông bón 10 kg phân bò và 2 kg phân đóng bao.

Đánh giá về hiệu quả của phân hữu cơ, ông Quân nhận xét: “Trước kia, vườn thanh long của gia đình bị bệnh đốm, mắt cua rất nhiều, nhưng sau khi sử dụng phân bón hữu cơ vườn thanh long không chỉ tăng năng suất, tăng chất lượng, mà còn giúp thanh long phát triển khỏe, bẹ cứng, dây xanh, rễ phát triển mạnh”.

Để phát triển phân bón hữu cơ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, năm 2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định 108 về quản lý phân bón, trong đó có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển phân bón hữu cơ, trong dự thảo Luật Trồng trọt cũng có một phần quan trọng đề cập đến phân bón hữu cơ.

Do đó, việc tập trung phát triển sử dụng phân bón hữu cơ đang là xu hướng tất yếu, đã đến lúc cần tập trung ở 3 khu vực: Nhóm giải pháp của Chính phủ, hành động quyết liệt của doanh nghiệp, sự ủng hộ, vào cuộc của người dân ở cả mảng tiêu dùng sản phẩm và ứng dụng đưa vào sản xuất; đẩy mạnh công tác truyền thông để định hướng phát triển…

S.N - TTKN

.
.
.