Thứ Năm, 08/11/2018, 21:09 (GMT+7)
.

Tham vấn cơ chế liên kết vùng ở ĐBSCL

Việc liên kết ở ĐBSCL nói chung còn hạn chế, các hoạt động liên kết chủ yếu vẫn ở mức gặp gỡ, trao đổi và lập kế hoạch, trong khi triển khai các kế hoạch cụ thể còn ít và chưa đáp ứng được yêu cầu.

a
ĐBSCL là vùng sản xuất và xuất khẩu nông thủy sản chủ lực nhưng việc liên kết còn hạn chế

Ngày 8-11, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Ngân hàng Thế giới và các tỉnh ĐBSCL tổ chức hội thảo “Tham vấn cơ chế liên kết vùng ĐBSCL”; hội thảo nhằm xác định những khó khăn, đồng thời đề xuất điều chỉnh một số chính sách thực hiện liên kết vùng trong thời gian tới. 
ĐBSCL gồm 1 thành phố trực thuộc Trung ương và 12 tỉnh, chiếm 12% diện tích và hơn 19% dân số cả nước.

Sự phát triển của vùng ĐBSCL từ lâu đã gắn với biển và nguồn nước sông Mê Kông. Với trên 700km bờ biển và hệ thống sông ngòi chằng chịt, ĐBSCL chịu ảnh hưởng mạnh của dòng chảy sông Mê Kông và thủy triều vào sâu nội đồng. Điều này đã tạo nên sự gắn kết tự nhiên của toàn vùng về nguồn nước và trong quá trình phát triển của các địa phương trong vùng.

Liên kết vùng ĐBSCL có vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý và sử dụng tài nguyên nước, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và đối phó với biến đổi khí hậu. Do đó, ĐBSCL đã trở thành vùng đầu tiên và duy nhất trong sáu vùng kinh tế-xã hội của cả nước, được áp dụng Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng, theo Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 6/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là QĐ 593)…

Thời gian qua, đã có 11/13 địa phương đề xuất khoảng 174 dự án liên kết; các tỉnh cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ, xác định chương trình liên kết dựa trên sự tương đồng giữa các địa phương về quy hoạch, các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng cơ chế, xúc tiến đầu tư… Bên cạnh đó, các địa phương cũng thực hiện liên kết theo vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Duyên hải phía Đông, Bán đảo Cà Mau, Tứ giác Long Xuyên... và cả sáng kiến ABCD Mekong về liên kết giữa 4 tỉnh “An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp và Cần Thơ”...

Việc liên kết đã thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương trên nhiều lĩnh vực như quy hoạch, đầu tư phát triển, đào tạo và sử dụng lao động, đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách và hình thành cơ sở dữ liệu thông tin phát triển kinh tế- xã hội vùng…

Ngoài những kết quả đạt được ban đầu như trên, việc liên kết ở ĐBSCL nói chung còn hạn chế. Các hoạt động liên kết chủ yếu vẫn ở mức gặp gỡ, trao đổi và lập kế hoạch, trong khi triển khai các kế hoạch cụ thể còn ít và chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc thực hiện QĐ 593 cũng chậm so với kế hoạch và chưa đáp ứng được kỳ vọng. Chưa có ưu tiên về mục tiêu liên kết, cơ chế liên kết chưa rõ ràng, bộ máy điều phối liên kết vùng thiếu hiệu quả, thiếu nguồn lực tài chính cho liên kết…

Khắc phục những hạn chế trên, các tỉnh ĐBSCL và các đại biểu, đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ. Để việc liên kết đạt quả và những yêu cầu đề ra thì cần xây dựng, hoàn thiện bộ máy liên kết; thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL. Song song đó, cần xác định rõ mục tiêu liên kết, chọn những chương trình ưu tiên, tránh sự chồng chéo giữa các địa phương với nhau; các tỉnh cũng cần thay đổi cách nghĩ, cách làm, hướng tới lợi ích chung lên trên.

Đối với vấn đề tài chính, các địa phương đề nghị nghiên cứu xây dựng quỹ tài chính, phân bổ lại một phần nguồn lực từ các hoạt động riêng lẻ của mỗi địa phương vào một nguồn lực chung nhằm tăng cường các hoạt động mang tính liên kết...

(Theo sggp.org.vn)
 


 

.
.
.