Thứ Tư, 21/11/2018, 22:08 (GMT+7)
.

Tiền Giang tích cực xử lý nợ xấu

(ABO) Đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Tiền Giang, sau một năm thực hiện Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (gọi tắt là NQ42) trên địa bàn tỉnh cho thấy đã có dấu hiệu tích cực. Thế nhưng, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn còn những hạn chế nhất định cần sớm tháo gỡ.

Triển khai thực hiện NQ42, NHNN Chi nhánh Tiền Giang đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch 262 ngày 27-9-2017 về thực hiện Quyết định 1058 ngày 19-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ giai đoạn 2016 - 2020”.

Giám đốc NHNN Chi nhánh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm cho biết: “Việc triển khai NQ42 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã thực hiện rất kịp thời và cụ thể đến các đối tượng thực hiện. Một số ngành đã chủ động triển khai thực hiện, áp dụng theo quy định của NQ42 và chỉ đạo của UBND tỉnh. Từ đó giúp các TCTD chủ động hơn, các cơ quan có liên quan quan tâm phối hợp trong việc xử lý nợ xấu. Khách hàng có ý thức hơn trong việc hợp tác với các ngân hàng trong xử lý nợ xấu. Một số ngành như cơ quan Thi hành án dân sự, Tòa án, Cục Thuế… đã hỗ trợ tích cực cho các TCTD xử lý nhanh nợ xấu”.

NQ42  góp phần tích cực xử lý nợ xấu
NQ42 đã tạo chuyển biến tích cực trong xử lý nợ xấu.

Theo lãnh đạo một số ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, NQ42 cho phép mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường và mở rộng đối tượng tham gia, gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua bán nợ.

Quy trình này giúp xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu nhanh hơn. NQ42 đã hỗ trợ phát huy tốt vai trò phối hợp của các cơ quan liên quan.

“Thực hiện NQ42, các cơ quan liên quan đã vào cuộc hỗ trợ ngân hành thương mại rất tích cực. Đối với Tòa án xử lý tiến độ rất nhanh, đảm bảo thời gian. Cơ quan Thi hành án dân sự các cấp thực hiện nhanh, đảm bảo quy trình, tránh trường hợp tẩu tán tài sản, hạn chế thất thoát trong quá trình xử lý nợ xấu”- Giám  đốc VietinBank Tiền Giang Phạm Duyên Hải cho biết.

NQ42 ra đời cũng có tác động gián tiếp đến việc xử lý nợ của các TCTD theo hướng tích cực. Đó là việc mua bán nợ trở nên dễ dàng hơn, thanh lý tài sản đảm bảo nhanh chóng, khách hàng đã có ý thức hơn trong việc tự trả nợ, ngân hàng tự giác hơn trong việc trích lập dự phòng rủi ro. Cụ thể là sau một năm từ khi NQ42 ra đời, tổng số dư nợ xấu đã xử lý là 337 tỷ đồng,

Theo NHNN Chi nhánh Tiền Giang, NQ42 đã dần hình thành thị trường mua bán nợ theo đúng nguyên tắc của thị trường và đã tạo tiền đề để các TCTD hoạt động tương đối theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, việc thực hiện NQ42 vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành chưa có văn bản chỉ đạo các xã, phường trong việc phối hợp các TCTD thực hiện quyền thu giữ tài sản. Một số khách hàng không hợp tác trong xử lý nợ xấu, rời khỏi địa phương… nên việc thu hồi nợ theo các chính sách quy định tại NQ42 đến nay mới chỉ đạt 500 triệu đồng. Mặt khác, về thứ tự ưu tiên trong thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo và nghĩa vụ nộp thuế có ảnh hưởng đến việc thực hiện thủ tục sang tên cho người mua.

Cũng theo NHNN Chi nhánh Tiền Giang, tuy thời gian qua các cấp Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự đã hỗ trợ tích cực cho ngành Ngân hàng nhưng việc xét xử, thi hành án các vụ việc liên quan đến ngân hàng ở một số hồ sơ còn chậm, kéo dài. Việc thực hiện NQ42 để thu hồi nợ cho ngành Ngân hàng tuy bước đầu có sự chuyển biến, nhưng trong thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ biến, tuyên truyền, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương để công tác xử lý nợ đạt kết quả tốt hơn.

HOÀI THU

.
.
.