Thứ Ba, 20/11/2018, 21:07 (GMT+7)
.

Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho nhượng quyền thương hiệu

Nhượng quyền thương hiệu được xem là xu thế chung và đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới.

Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Thời gian qua, thị trường nhượng quyền trong nước chứng kiến sự tham gia của các doanh nghiệp ngoại và doanh nghiệp nội. Điều này đã và đang tạo ra sự sôi động trên thị trường Việt Nam.

Mảnh đất màu mỡ của nhượng quyền

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy từ đầu năm 2018 đến nay, Bộ Công Thương đã cấp phép cho 17 doanh nghiệp nước ngoài hoạt động nhượng quyền thương mại vào Việt Nam.

Trong hơn 10 năm trở lại đây, đã có 213 doanh nghiệp với hàng trăm nhãn hiệu được cấp phép nhượng quyền tại Việt Nam.

Thực tế thời gian qua, hàng loạt thương hiệu nổi tiếng thế giới ở các lĩnh vực như đồ ăn nhanh, khách sạn, nhà hàng cho đến mỹ phẩm, quần áo... đã và đang nhanh chóng bước vào thị trường Việt Nam, ngày càng mở rộng quy mô.

Những cái tên điển hình như: McDonald’s, Baskin Robbins (đến từ Mỹ); Pizza Hut, Kentucky Fried Chicken, Burger King (Singapore); Lotteria, Tous Les Jours, BBQ Chicken (Hàn Quốc); Swensen’s (Malaysia), Warehouse, Topshop, Coast London (Anh)...

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc phát triển kinh doanh theo hướng nhượng quyền giúp các doanh nghiệp tận dụng được nguồn vốn cũng như nhân lực từ đối tác để mở rộng kinh doanh. Đồng thời gia tăng doanh số và lợi nhuận từ nguồn thu chi phí nhượng quyền nâng cao giá trị thương hiệu, đặc biệt hơn là nâng tầm doanh nghiệp. Đây là cách huy động vốn và nhân lực rất thông minh của các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Doanh cũng cho rằng không chỉ mang lại lợi ích to lớn cho bên nhượng quyền, mô hình này còn hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất cho đối tác nhận quyền. Nhờ uy tín của các thương hiệu lớn nhượng quyền mà sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiêu thụ mạnh trên thị trường và được người tiêu dùng biết đến. Các doanh nghiệp này đỡ tốn một khoản tiền khổng lồ để tạo dựng thương hiệu cũng như tiết kiệm đáng kể chi phí quảng cáo, xúc tiến bán hàng.

Theo các chuyên gia, xu hướng các thương hiệu vào Việt Nam sẽ còn tiếp tục trong 3 năm tới, đặc biệt là các thương hiệu đến từ khu vực như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines... sẽ có lợi thế nhờ thuận lợi về phương diện hậu cần, vận chuyển.

Đại diện Hiệp hội Nhượng quyền Malaysia cho rằng ngôn ngữ, thói quen tiêu dùng, đặc biệt là mảng thực phẩm, thức uống rất khó xâm nhập vào thị trường nước ngoài vì khẩu vị khác nhau, độ ăn cay khác nhau ở từng nước. Do đó, bản thân các nhà đầu tư mua thương quyền nước ngoài vào Việt Nam cần hiểu rõ về mọi thứ liên quan đến thị trường này.

Tại Malaysia có hẳn đạo luật riêng về nhượng quyền, hàng năm các doanh nghiệp đưa thương hiệu quốc gia ra nước ngoài nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Chính phủ, khuyến khích đưa hàng hóa ra nước ngoài.

Tuy vậy, thị trường tại Việt Nam vẫn chỉ ở trong giai đoạn “gieo hạt” với các thương hiệu nhượng quyền nội địa khá khiêm tốn.

Cơ hội cho thương hiệu Việt

Các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư mạnh để đưa thương hiệu của họ ra bên ngoài bán nhượng quyền. Thế nhưng, nhượng quyền thương hiệu vẫn chưa phát triển tại Việt Nam.

Đến thời điểm hiện tại, các thương hiệu Việt Nam đã, đang hoặc có ý định áp dụng mô hình kinh doanh nhượng quyền chỉ mới nổi lên với một số cái tên như trà sữa Hoa Hướng Dương, cà phê Trung Nguyên, Phở 24, Highlands Coffee, bánh mỳ Tuấn mập, Viva star coffee...

Cũng theo số liệu từ Bộ Công Thương, ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp Việt Nam tham gia lĩnh vực nhượng quyền thương mại, được cấp phép hoạt động nhượng quyền thương mại ra nước ngoài lại khá khiêm tốn, chỉ vỏn vẹn 3 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Retail & Franchise Asia, với tốc độ hội nhập như hiện nay, sự tiến triển nhanh chóng của các hiệp định thương mại song phương, đa phương, doanh nghiệp Việt không còn lựa chọn nào khác ngoài con đường nâng tầm hoạt động, phát triển không chỉ tại thị trường nội địa mà còn có thể cạnh tranh vươn lên cùng những thương hiệu trong khu vực.

Bà Vân cho rằng tất cả các món ăn thuần Việt, sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương của Việt Nam đều rất có tiềm năng trong ngành nhượng quyền về ẩm thực. Tuy nhiên, sản phẩm cần mang tính độc đáo, tạo ra sự khác biệt rõ ràng. Một số sẽ có tiềm năng vươn xa như bánh mì, các món cuốn, xôi, bún... Nhưng một số chỉ có thể dừng lại tại thị trường trong nước hoặc khu vực do vấn đề về khẩu vị.

Bên cạnh đó, các mô hình về dịch vụ sức khỏe, làm đẹp, dịch vụ sửa chữa… sẽ là xu hướng nhượng quyền trong thời gian tới.

Thị trường nhượng quyền trong thời gian tới sẽ là sân chơi cho những nhượng quyền mới tại Việt Nam, cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước xây dựng thương hiệu dựa trên những mô hình trên, thay vì tạo ra sản phẩm mới để cạnh tranh với các “ông lớn” sẽ rất khó.

Sau khi có mô hình, hệ thống quản trị và điều hành là bước tiếp theo các doanh nghiệp cần xây dựng. Mô hình kinh doanh nhượng quyền yêu cầu doanh nghiệp phải đầu tư xây dựng nền tảng, xây dựng kế hoạch và chuẩn bị nguồn lực hỗ trợ trước khi nhượng quyền.

Một trong những thương hiệu ẩm thực Việt Nam bước chân vào sân chơi nhượng quyền là Nanna’s Kitchen (chuyên các sản phẩm thuần Việt như bánh cuốn, xôi xéo, bánh tẻ…).

Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, CEO Công ty trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Nanna, cho biết sau khi mô hình phát triển khá thành công ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài cửa hàng bánh cuốn còn có chuỗi xôi với gần 30 cửa hàng hợp tác và nhượng quyền; thương hiệu Nanna cũng có định hướng mang giá trị ẩm thực Việt Nam ra nước ngoài.

Theo đánh giá của chị Nhung, mô hình xôi, bánh cuốn của Nanna rất phù hợp với các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia hay các nước đang phát triển như Lào, Campuchia với các kiốt có diện tích từ 3-60m2 đặt tại các tòa nhà văn phòng, quán càphê, khu dân cư… với chi phí đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao, khả năng thu hồi vốn nhanh, phù hợp cho các nhà đầu tư nhỏ.

Tuy nhiên, Nanna xác định làm sao để khai thác mô hình kinh doanh này thật tốt trong nước trước khi đưa nhãn hiệu ra nước ngoài. Do đó, hiện tại sẽ tập trung phát triển mạnh mô hình này tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn trước sau đó sẽ nhân bản ra thị trường khu vực.

Bà Lê Thị Ngọc Thủy, Tổng giám đốc thương hiệu Viva star coffee càphê, cho biết, thời gian qua nhiều đối tác, nhà kinh doanh đến đặt vấn đề muốn nhượng quyền thương hiệu chứng tỏ nhu cầu đối với lĩnh vực này là có thật. Hiện tại Viva star coffee đã có trên 150 cửa hàng và sẽ phát triển lên 180 cửa hàng đến cuối năm nay. Khó khăn lớn nhất khi nhượng quyền là các nhà đầu tư can thiệp quá sâu vào quá trình điều hành, giám sát của công ty. Do đó, doanh nghiệp sẽ làm việc kỹ với từng nhà kinh doanh để tìm đúng những người thật sự quan tâm.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay thì việc nhượng quyền thương hiệu diễn ra trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng là điều tất yếu. Trong điều kiện chung như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn với các thương hiệu lớn trên thế giới.

Theo ông Doanh, để có thể trụ vững trên thương trường, doanh nghiệp Việt không còn cách nào khác là phải nâng mình lên, cải tiến về công nghệ cũng như chất lượng sản phẩm. Đồng thời tìm ra một phân khúc thị trường mà họ có thể đứng vững được, thị trường đó có thể ở nông thôn, có thể là một lĩnh vực kinh doanh mà thương hiệu kia, doanh nghiệp kia không với tới.

(Theo TTXVN)

.
.
.