Doanh nghiệp viễn thông Canada tổn thất nặng nếu Huawei bị "cấm cửa"
Một cửa hàng của Huawei ở Thượng Hải. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Tờ Globe and Mail dẫn một số nguồn tin trong làng công nghệ nhận định hai “gã khổng lồ” viễn thông của Canada là Telus Corp. và BCE Inc. có thể tổn thất cả tỷ đôla Canada (CAD) nếu Canada cũng nối gót các đồng minh thân cận như Mỹ, Australia và New Zealand “cấm cửa” tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia vào mạng di động 5G.
Telus Corp. và BCE Inc đã đổ nhiều vốn vào thiết bị của Huawei. BCE, Telus và ở một mức độ ít hơn là Rogers Communications, đều sử dụng thiết bị của Huawei trong mạng lưới di động của mình. Những năm gần đây, Huawei đã nỗ lực xâm nhập thị trường Canada với “bàn đạp” là mức giá cạnh tranh.
Một CEO trong ngành viễn thông ước tính mức thiệt hại đối với riêng Telus đã lên tới 500 triệu-1 tỷ CAD nếu Canada quay lưng với Huawei. Hãng Bell cũng có nguy cơ tổn thất hàng trăm triệu CAD.
Những con số trên phát sinh do để gỡ bỏ thiết bị của Huawei ra khỏi cơ sở hạ tầng di động, các hãng như Bell và Telus phải bóc tách và thay thế hàng chục ngàn ăngten.
Các hãng này có thể quay sang hợp tác với Ericsson của Thụy Điển - hiện là đối thủ nặng ký của Huawei trong mạng di động 5G. Ericsson hiện đã là đối tác của Rogers.
Chính phủ Canada đang xem xét khía cạnh an ninh quốc gia để quyết định về “số phận” của Huawei trong mạng lưới di động 5G của mình.
Cựu Ngoại trưởng Canada John Manley mới đây đã lên tiếng bày tỏ quan ngại rằng chính phủ Mỹ đang “điều khiển” chính sách đối ngoại của Canada liên quan đến Huawei và Trung Quốc.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp của Canada đang lo ngại bị Trung Quốc trả đũa khi Canada, theo đề nghị của Mỹ, đã bắt giữ bà Meng Wanzhou, Giám đốc Tài chính của Huawei.
Hãng tin AP trích dẫn ý kiến của David Mulroney, cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc, nói rằng giới doanh nhân Mỹ và Canada có thể phải đối mặt với sự trả đũa của Trung Quốc.
Nhà ngoại giao này gọi bà Meng Wanzhou là thành viên “nổi tiếng” của xã hội Trung Quốc, còn tập đoàn Huawei - “là hiện thân mong muốn của Trung Quốc được công nhận trên toàn cầu như là một cường quốc công nghệ”./.
(Theo TTXVN)