.

Xuất khẩu xoài, nhãn: Vấn đề ở khâu sản xuất

Cập nhật: 10:20, 21/12/2018 (GMT+7)

Xoài, nhãn của Đồng bằng sông Cửu Long đang có nhiều cơ hội để xuất khẩu vào thị trường khó tính, nhưng vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở khâu sản xuất.

Hội thảo bàn về các giải pháp tổ chức sản xuất xoài và nhãn xuất khẩu sang thị trường khó tính do Viện Cây ăn quả miền Nam tổ chức vào ngày 18-12 một lần nữa nhìn nhận lại thực tế sản xuất và định hướng phát triển cho nhóm ngành hàng này. Tại hội thảo cũng đã diễn ra Lễ ký kết tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng xoài, nhãn của Đồng bằng sông Cửu Long.

Tiềm năng xuất khẩu xoài, nhãn còn rất lớn.
Tiềm năng xuất khẩu xoài, nhãn còn rất lớn.

Đánh giá về triển vọng và tiềm năng cây ăn quả nói chung, trong đó có xoài và nhãn xuất khẩu, TS. Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng, diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cây ăn quả tăng lên rất nhanh trong thời gian gần đây. Trong nhóm xuất khẩu chủ lực, thanh long vẫn chiếm vị trí số 1, bên cạnh đó xoài và nhãn cũng đóng vai trò khá tốt.

“Đối với cây xoài ở Nam bộ hiện có khoảng 76.000 ha, với sản lượng 732.000 tấn và 36.000 ha nhãn, với sản lượng khoảng 12.000 tấn. Nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi giống cây trồng, sản xuất chuyên canh đã giúp cho sản xuất xoài và nhãn đạt mức tốt trong thời gian qua, nhất là sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Điều này tạo thuận lợi và nền tảng cho xuất khẩu sang thị trường khó tính”- TS. Hòa cho biết.

Trang bị kiến thức về tiêu chuẩn GlobalGAP

Nhằm cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh của nông dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bằng mô hình hợp tác xã tiên tiến và tuân thủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm dựa theo GlobalGAP, trong 2 ngày 19 và 20-12, Dự án Coop Enable phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam tổ chức lớp “Đào tạo nhận thức và áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP CB FV And CC”.

Dự án tập trung vào khả năng quản lý, thực hành sản xuất nông nghiệp và tiêu chuẩn chất lượng hoạt động kinh doanh hiệu quả một cách có hệ thống, cũng như nền tảng truy xuất nguồn gốc. Tham gia dự án đợt này gồm 4 tỉnh, thành: Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp và Tiền Giang.    
 

Tuy nhiên, thực tiễn sản xuất hiện nay cũng đặt ra một số vấn đề. Theo TS. Hòa, cũng có nhiều vấn đề đang được đặt ra đối với cây ăn quả nói chung, xoài và nhãn nói riêng. Đó là tác động của biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất; trình độ sản xuất tương đối tốt nhưng chưa đồng đều, liên kết sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm cũng còn nhiều hạn chế dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, với số lượng chưa lớn. Chưa kể khâu sơ chế, bảo quản lâu đối với trái cây cũng còn yếu…

Bàn sâu vào khâu xuất khẩu, nhất là sang thị trường Hoa Kỳ, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina và T&T Group cho rằng, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ rất lớn đối với trái cây của Việt Nam và hiện các doanh nghiệp của Việt Nam chỉ khai thác được khoảng 5% thị trường này. Theo ông Tùng, từ năm 2013 trái nhãn đã đặt chân vào thị trường Hoa Kỳ và gần đây cũng đã tăng trưởng rất nhanh.

“Sân chơi trên thị trường Hoa Kỳ còn rất lớn và hiện nay Trung Quốc cũng đang siết chặt đối với việc nhập khẩu nông sản của Việt Nam, do đó khâu sản xuất cây ăn quả của Việt Nam nói chung sẽ phải thay đổi để thích ứng với nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Vấn đề cốt lõi là khâu sản xuất phải đạt các tiêu chuẩn để doanh nghiệp thu mua xuất khẩu”- ông Tùng cho biết.

Từ thực tế sản xuất vừa qua, từ năm 2017 Viện Cây ăn quả miền Nam đã thực hiện Dự án Xây dựng mô hình sản xuất xoài và nhãn theo VietGAP ở vùng Nam bộ phục vụ xuất khẩu.

Mục tiêu của dự án này là ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh xoài, nhãn theo VietGAP, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, xây dựng mô hình tổ chức sản xuất, quản lý tạo liên kết sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu xoài, nhãn vào thị trường Australia, Hoa Kỳ, Nhật Bản, New Zealand.

TS. Lê Quốc Điền, Chủ nhiệm dự án cho biết, đối với xoài đến nay dự án đã triển khai được 4 mô hình ở 4 tỉnh (An Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp và Tiền Giang), với quy mô khoảng 200 ha và 4 mô hình trồng nhãn, với quy mô khoảng 160 ha ở 4 tỉnh (Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Bà Rịa - Vũng Tàu) và bước đầu cho kết quả tốt.

Đây cũng là tiền đề quan trọng góp phần giúp cải thiện tình hình sản xuất cây ăn quả nói chung và đối với xoài, nhãn nói riêng nhằm phục vụ cho xuất khẩu sang thị trường khó tính trong thời gian tới.

Cũng như rất nhiều các hội thảo liên quan đến sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả do các bộ, ngành tổ chức vừa qua, vấn đề cốt lõi hiện nay đối với cây ăn quả nói chung, xoài và nhãn nói riêng vẫn nằm ở khâu sản xuất.

Nhiều ý kiến được đặt ra là chưa có nhiều sự liên kết sản xuất giữa các hộ dân và các doanh nghiệp xuất khẩu; diện tích sản xuất nhỏ lẻ, trồng xen canh nhiều loại cây; việc sản xuất theo quy trình, theo chuỗi giá trị cũng còn là vấn đề đáng quan tâm… Đây là câu chuyện không mới nhưng muốn thay đổi là cả một quá trình và mất nhiều thời gian.

A.P

.
.
.