.

Huyện Tân Phú Đông phát huy lợi thế nông nghiệp

Cập nhật: 14:55, 09/01/2019 (GMT+7)

Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II nhiệm kỳ 2015 - 2020 (gọi tắt là Nghị quyết), việc thực hiện các chỉ tiêu ở huyện Tân Phú Đông đa số đạt kế hoạch đề ra. Trong đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng bước đầu mang lại hiệu quả, giúp nâng cao thu nhập cho người dân.

Thu hoạch sả ở huyện Tân Phú Đông.
Thu hoạch sả ở huyện Tân Phú Đông.

Theo Huyện ủy Tân Phú Đông, qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn huyện tăng bình quân 5%/năm (kế hoạch 4,5 - 5,5%). Để đạt được kết quả trên, địa phương đã triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu, gia vị và cây ăn trái.

Theo đó, diện tích trồng lúa trên địa bàn huyện hiện chỉ còn khoảng 730 ha, giảm 2.753 ha so với đầu nhiệm kỳ. Song song đó là diện tích trồng sả tăng lên 1.550 ha, tăng 719 ha so đầu nhiệm kỳ, năng suất bình quân 14,5 tấn/ha.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tân Phú Đông Võ Ngọc Chiến cho biết, điểm nổi bật nhất trong quá trình thực hiện Nghị quyết trong nửa nhiệm kỳ qua là sự đoàn kết, thống nhất từ Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện trong tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết và sự đồng thuận của người dân.

Thời gian tới, Huyện ủy Tân Phú Đông sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp mà Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ huyện đã đề ra. Trong đó, huyện sẽ tập trung cao cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhất là xã Tân Thới.

Bên cạnh đó, địa phương sẽ tập trung thực hiện Đề án 02 của Huyện ủy về việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị theo Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện luân chuyển cán bộ.

Ngoài ra, huyện sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Có thể nói, việc chuyển đổi từ cây lúa sang cây sả đã giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập. Nhờ thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên, cây sả thu lợi nhuận gấp nhiều lần so với lúa đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Bích Liễu (ấp Cả Thu 1, xã Phú Thạnh) chia sẻ: “Trước đây, 5 công sả của gia đình trồng lúa. Do làm lúa chỉ đủ ăn, thu nhập thấp nên gia đình mới chuyển sang trồng sả. Trồng sả không tốn nhiều chi phí, công chăm sóc nên cuộc sống gia đình cũng khá hơn”.

Bên cạnh tăng diện tích trồng sả, huyện đã duy trì ổn định 1.310 ha vườn cây ăn trái; trong đó, cây mãng cầu Xiêm gần 900 ha, tăng 241,6 ha, đạt 71,3% so với Nghị quyết.

Việc xây dựng thương hiệu cho trái cây đặc sản này được địa phương quan tâm và đã hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể mãng cầu Xiêm Tân Phú Đông.

Ngoài việc hình thành vùng trồng cây sả, mãng cầu Xiêm tập trung, địa phương từng bước phát triển các cơ sở chế biến sản phẩm từ cây sả, mãng cầu Xiêm như: Trà, mật mãng cầu Xiêm, tinh dầu sả. Theo định hướng thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư chế biến các loại nông sản chủ lực của huyện.

Thực tế cho thấy, bên cạnh những thuận lợi, lĩnh vực nông nghiệp ở địa phương còn khá manh mún. Do đó, định hướng thời gian tới, huyện Tân Phú Đông sẽ tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế nông nghiệp và thủy sản, nhất là cây sả, mãng cầu Xiêm.

Huyện sẽ thực hiện liên kết vùng với các huyện, thị phía Đông theo Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Đồng thời, huyện tích cực thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu nông nghiệp, thực hiện đồng bộ giữa cơ cấu lại quy mô, giống, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và hình thức tổ chức sản xuất.

Song song đó, huyện sẽ tổ chức liên kết với các doanh nghiệp để kết nối sản xuất với tiêu thụ, thực hiện liên kết chuỗi, tập trung cho cây mãng cầu Xiêm và cây sả.

Đồng chí Võ Ngọc Chiến cho biết, đối với cây sả và mãng cầu Xiêm, huyện đã xúc tiến thành lập tổ hợp tác, tiến tới phát triển thành hợp tác xã; đồng thời, hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Thực tế cho thấy, việc phát triển kinh tế hợp tác ở địa phương chưa đạt như mong muốn là do người dân chưa nhận thức đúng về lợi ích của mô hình kinh tế tập thể, một phần là do khâu tuyên truyền.

Tới đây, Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ tập trung chỉ đạo các ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về lợi ích kinh tế tập thể và tham gia thành phần kinh tế này để nâng cao thu nhập từ những sản phẩm chủ lực.

M. THÀNH

.
.
.