Thứ Ba, 01/01/2019, 07:37 (GMT+7)
.

"Khơi thông" nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp

Để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) mở rộng sản xuất, kinh doanh, ngành Ngân hàng đang nỗ lực tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

DN TIẾP CẬN NGUỒN VỐN CÒN THẤP

Hiện nay, trên cả nước nói chung và ở tỉnh nói riêng, số lượng DN nhỏ và vừa chiếm phần lớn trong tổng số DN. Các DN nhỏ và vừa phải đối mặt với nhiều khó khăn như nguồn vốn, thị trường…

DN tư nhân Duy Điệp (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè) chuyên sản xuất các sản phẩm cá khô để cung ứng cho thị trường, đang có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, nhưng lại thiếu vốn.

Do quy mô sản xuất không lớn nên công ty còn ngại tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng.

CònCông ty TNHH Tinh dầu sả Thành Công (xã Thành Công, huyện Gò Công Tây) chuyên sản xuất tinh dầu từ lá sả, do mới khởi nghiệp nên cần vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, mua sắm thiết bị máy móc.

Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng đang gặp khó về tài sản thế chấp, cụ thể là việc thẩm định giá trị tài sản.

Tỉnh đang quan tâm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng cho các DN.
Tỉnh đang quan tâm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng cho các DN.

Theo Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đến cuối tháng 10-2018, toàn tỉnh có hơn 1.700 DN đang vay vốn ngân hàng, chiếm gần 35% trên tổng số DN đang hoạt động, với tổng dư nợ cho vay gần 16.800 tỷ đồng.

Dù ngành Ngân hàng có nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt đối với DN, nhưng việc tiếp cận vốn vay còn thấp.

Nguyên nhân chủ yếu là do DN mới thành lập vốn thấp, không có nhiều tài sản, hoạt động với quy mô nhỏ nên còn ngại tiếp cận các ngân hàng.

Bên cạnh đó, cũng có một số DN có khả năng tài chính tốt, đủ tiềm lực nên không cần vay vốn ngân hàng.

Mặt khác, việc tuyên truyền, phố biến các chính sách tín dụng của ngân hàng chưa thường xuyên; việc chủ động tiếp cận các DN nhỏ và vừa của ngành Ngân hàng còn hạn chế, các sản phẩm tín dụng và lãi suất chưa thu hút được DN.

Ngoài ra, thủ tục hành chính về việc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất… còn chậm nên ảnh hưởng đến việc vay vốn của DN.

Để cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, tạo thuận lợi cho DN, giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN tiếp cận nguồn tài chính thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa.

Song song đó, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh rất chú trọng trong việc tìm kiếm khách hàng, hỗ trợ vốn cho DN, có nhiều chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho DN.

Theo Trung tâm Hỗ trợ phát triển DN tỉnh, thời gian qua, mối liên kết giữa ngân hàng và DN vẫn chưa được triển khai hiệu quả, DN chưa mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn.

Để kết nối được với Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh và các ngân hàng khác, DN cần đáp ứng một số điều kiện ban đầu như: Phương án kinh doanh; kế hoạch kinh doanh; thẩm định về giá, tài chính…

Tuy nhiên, có thể nhiều DN trên địa bàn tỉnh đang vướng ở khâu này.

KHƠI THÔNG “ĐIỂM NGHẼN”

Thực tế cho thấy, việc DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng còn thấp đã được các ngành chức năng và ngành Ngân hàng nhìn thấy.

Vì thế, để “khơi thông” nguồn vốn, nhiều giải pháp đã được đưa ra để giúp DN và ngân hàng tìm được tiếng nói chung.

Theo Ngân hàng Nhà nước tỉnh, để giúp DN tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị kết nối ngân hàng - DN tại các vùng của tỉnh. Cách làm này giúp ngân hàng và DN cùng nhau nhìn ra những bất cập để tiến hành tháo gỡ.

Ông Võ Văn Dũng, Giám đốc DN tư nhân Đức Thành 2 (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy) cho biết, việc ngành Ngân hàng tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa ngân hàng và DN để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn làm cho DN rất phấn khởi.

Đây là điều kiện để DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn và mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất. Còn đại diện Công ty TNHH May Thế Bảo (TX. Cai Lậy) cho rằng, việc tham gia hội nghị kết nối giữa ngân hàng và DN là rất cần thiết.

Bởi khi đến đây, DN sẽ nắm bắt được chủ trương, cơ chế, chính sách về tín dụng của Ngân hàng Nhà nước nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng.

DN hy vọng rằng, các hội nghị mang tính kết nối sẽ được tổ chức nhiều hơn để những khó khăn, vướng mắc của 2 bên được tháo gỡ và đồng hành cùng nhau.

Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Nguyễn Văn Đạo cho biết, chương trình kết nối giữa ngân hàng và DN là một ý tưởng mới, là tín hiệu để hỗ trợ và đồng hành về vốn tín dụng cho DN.

Bởi vốn là yếu tố rất quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. So với giai đoạn trước, giai đoạn này nguồn vốn tín dụng lưu thông rất tốt.

Tuy nhiên, so với nhu cầu của DN thì chưa tương xứng, vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”.

“Để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tôi nghĩ nên xem lại thủ tục cho vay. Ngân hàng có quy định riêng của họ, DN cũng có cái khó riêng. Với sự chênh lệch đó, tôi nghĩ rằng chúng ta nên san bằng khoảng cách từng lúc. Khi khoảng cách không còn nữa thì sự khai thông đồng vốn cho DN sẽ tốt hơn và DN sẽ có nguồn vốn đúng mức để hoạt động” - ông Đạo cho biết thêm.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước tỉnh, để hỗ trợ các DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai nhiều chính sách về tín dụng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Song song đó, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai, nâng cao vai trò của Quỹ Bảo lãnh DN nhỏ và vừa, qua đó tạo điều kiện cho các DN có nhiều cơ hội vay vốn do thiếu tài sản thế chấp.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ thành lập các Tổ tiếp cận thông tin về nhu cầu vay vốn tín dụng để xem xét và giải quyết thỏa đáng cho các DN có nhu cầu…          

  M. THÀNH

.
.
.