Thứ Năm, 03/01/2019, 21:49 (GMT+7)
.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

"Nông nghiệp khó thành công nếu không có doanh nghiệp đầu tư"

Khẳng định vai trò của doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần có thể chế tốt tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, thu hút hơn nữa doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ngành nông nghiệp đã có một năm thắng lợi với nhiều kết quả đạt được. “Sự thành công này có được là do chúng ta có nhiều doanh nghiệp, HTX được củng cố và đầu tư. Đặc biệt có nhiều doanh nghiệp uy tín. Tuy còn ít nhưng là tiến triển tốt và có thể coi là sự thành công với 50.000 dn bằng 8% tổng doanh nghiệp đầu tư cả nước”. - Người đứng đầu Chính phủ khẳng định.

a
Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 ngành Nông nghiệp sáng ngày 3/1.

Thúc đẩy nông nghiệp bằng thể chế

Thủ tướng nhấn mạnh, không có doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thì nông nghiệp khó thành công. Trong đó, riêng công nghiệp chế biến đã có 18 nhà máy chế biến sâu được đầu tư đưa vào hoạt động ứng dụng công nghệ 4.0 hiện đại như Hà Nam, Hà Giang, ĐB CSL.... góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và góp phần giải quyết đầu ra cho nông dân.

Điểm lại những thành công của ngành nông nghiệp, Thủ tướng đánh giá, vấn đề tổ chức thị trường đã thực hiện quyết liệt, mở cửa chính ngạch đồng thời mở rộng nhiều thị trường mới và mở rộng các thị trường sẵn có như EU, Mỹ, Nhật Bản.

Tiêu thụ trong nước đã chủ động xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn với 1096 chuỗi. ATTP nông nghiệp sạch đã được phổ biến toàn dân.

Chưa bao giờ có nhiều Nghị định cho nông nghiệp như hiện nay. Thúc đẩy cách làm nông nghiệp thông qua thể chế là quan trọng. Mà các Bộ và Chính phủ phải làm tốt tạo môi trường cho phát triển. Tuy không tạo ra tiền của nhưng thế chế tạo điều kiện, không khí cho doanh nghiệp phát triển. Doanh nghiệp, HTX không thể phát triển nếu một viên gạch hay bất kể cái gì cũng quy định ngặt nghèo”, Thủ tướng lấy ví dụ.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại của ngành nông nghiệp cần giải quyết. 38% nông dân vẫn thuộc khu vực nông thôn, do đó phải hiện đại hoá, cơ giới hoá gia tăng năng suất.
Đồng thời, cơ cấu nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương, tổ chức sản xuất liên kết doanh nghiệp và người dân chưa trở thành phổ biến mở rộng.

“Thậm chí, nhiều nơi vẫn còn tình trạng "con trâu đi trước cái cày đi sau". Không phải nơi đâu cũng nông nghiệp cơ giới hoá, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch", Thủ tướng chỉ rõ và cho rằng điều này thuộc về định hướng của các địa phương.

Đặc biệt, theo Thủ tướng, ứng dụng công nghệ vào sản xuất như phổ cập giống mới còn nhiều vấn đề đặt ra. Thất thoát sau thu hoạch còn cao. Công tác dự báo cung cầu thị trường còn là vấn đề đặt ra cho cả hệ thống trong khi công nghệ chế biến chưa phát triển dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá”.  Hoặc khuyến cáo của EC về thẻ vàng mà chưa rút được. Tình trạng vi phạm rừng còn nhức nhối.

Thủ tướng cũng đánh giá, xây dựng nông thôn mới chênh lệch giữa các vùng miền khá lớn. Do đó đề nghị có cơ chế hỗ trợ cho xây dựng nông thôn mới ở những vùng khó khăn, đặc biệt là thu nhập người dân là tiêu chí quan trọng nhất, nhiều nơi nhận thức còn lệch lạc vấn đề này. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt được kế hoạch đề ra cũng được Thủ tướng lưu ý.

7 nhiệm vụ trọng tâm

Thứ nhất, Thủ tướng đặt ra mục tiêu: “Ngành nông nghiệp phải khơi gợi được khát vọng dân tộc, mục tiêu 10 năm tới Việt Nam lọt top 15 quốc gia có nền nông nghiệp lớn nhất thế giới, riêng chế biến phải đạt top 10 và phải trở thành trung tâm chế biến đồ gỗ của thể giới”.

Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ nền nông nghiệp nhiệt đới này không mâu thuẫn với nền nông nghiệp ôn đới. Nhu cầu của thế giới còn nhiều với nhiều thị trường Mỹ, EU chưa khai thác hết.

Thủ tướng quán triệt toàn ngành phát huy mọi sáng tạo, đạt kết quả năm 2019 cao hơn mục tiêu 42 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu mà ngành đề ra, đây là hiệm vụ chính trị cần phải làm.
Phải có thể chế pháp luật tốt, xoá bỏ thể chế lạc hậu. Các nhà đầu tư các nhà doanh nghiệp và các nhà nông dân cần sự hỗ trợ pháp lý tốt hơn nữa”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ hai, tái cơ cấu manh mẽ hơn trong đó có xây dựng sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương. Mà theo Thủ tướng “nếu cứ đi lan man thì khó có nền sản xuất xuất khẩu mạnh”.

Thứ ba, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp như cá tra, gạo, bởi theo Thủ tướng, công tác này Việt Nam đang ơi “trầm” hơn so với Thái lan và Campuchia.

Thứ tư, là vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ. “Nông nghiêp Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc của cuộc CMCN 4.0. Hiện đã có nhiều tỉnh xây dựng được nhiều nhà máy chế biến để hỗ trợ nâng cao năng suất và phát triển thị trường, công tác này cần được đẩy mạnh”, Thủ tướng nói.

Thứ năm, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục xây dựng nông thôn mới. “Không làm hình thức mà quan trọng là đời sống người dân ở những vùng xây dựng nông thôn phải được cải thiện”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ sáu, theo dõi ứng phó thiên tai, không thể bị bất ngờ. Cùng với đó bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên cũng như đẩy mạnh trồng rừng.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng cần được chú trọng hơn nữa, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành, không chỉ dừng ở con số 8%. Thứ bảy, đào tạo cán bộ nông nghiệp có bài bản, có tri thức.

(Theo enternews.vn)
 

.
.
.