Bài 2: Động lực từ các vùng kinh tế
Kết quả sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy ban hành ngày 5-4-2017 về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết 10) đã tạo nên những động lực mới cho chặng đường phát triển tiếp theo của tỉnh.
Doanh nghiệp tư nhân Focus (thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây) là một trong những doanh nghiệp mới đầu tư vào Vùng phía Đông. |
1. Việc xác định 3 vùng kinh tế - đô thị thông qua Nghị quyết 10 để xây dựng chiến lược phát triển mới cũng dựa trên cơ sở tiềm năng của mỗi huyện, thị, thành nhằm phát huy tối đa các nguồn lực xã hội, phát triển đồng bộ, có trọng tâm và tạo sự lan tỏa để các địa bàn khó khăn hòa quyện trong sự phát triển chung của tỉnh.
Nếu nhìn vào một khía cạnh, thực hiện chủ trương chung của tỉnh, đặc biệt là sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 10, từng vùng kinh tế - đô thị đã có những chuyển biến rất đáng kể. Một trong những điểm nhấn đầu tiên là Vùng phía Đông với những chuyển biến khá lớn về thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp.
Tất nhiên, sự thay đổi này cũng xuất phát từ nền tảng đầu tư vào hạ tầng giao thông, hệ thống điện, nước vào khu vực này. Nhờ đó, trong thời gian ngắn nhiều dự án đầu tư, nghiên cứu đầu tư đã được triển khai ở khu vực phía Đông của tỉnh liên quan đến sản xuất công nghiệp; đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp; chưa kể động lực từ Khu công nghiệp Dịch vụ dầu khí Soài Rạp sau khi UBND tỉnh tiếp nhận để thu hút đầu tư trong năm 2018.
Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Huỳnh Văn Bé Hai cho biết, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 10, huyện Châu Thành cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chẳng hạn như trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã thực hiện được các mô hình Cánh đồng lớn trên cây lúa, 3 mô hình VietGAP trên cây rau, mô hình VietGAP trên cây sa pô hay mô hình VietGAP trên chăn nuôi heo ở xã Nhị Bình, chim cút ở xã Long An và xã Thân Cửu Nghĩa; xây dựng Dự án thí điểm khôi phục cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim. Đối với công nghiệp, thương mại, dịch vụ, huyện cũng đã kêu gọi đầu tư Cụm công nghiệp Tân Lý Đông; kêu gọi đầu tư chợ Dưỡng Điềm; đồng thời, tập trung khai thác thế mạnh của huyện để phát triển du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử, làng nghề, Khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút, đình Long Hưng, Trại rắn Đồng Tâm… |
Con số thống kê sơ bộ cho thấy, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 10, Vùng phía Đông đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai thực hiện Dự án: Nhà máy sản xuất hàng may mặc Việt Long Hưng, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, triển khai hoạt động giai đoạn 1 trong quý I-2018, thu hút khoảng 1.700 công nhân; Công ty Shilla Glovich Việt Nam đã hoàn thành toàn bộ dự án và đi vào hoạt động trong quý IV-2017, với khoảng 1.700 công nhân; Nhà máy sản xuất các sản phẩm nhựa và đồ nhựa gia dụng từ nhựa Plastic, nhựa Melamine, nhựa Acrylic, nhựa PC tại thị trấn Vĩnh Bình; Nhà máy gia công, sản xuất các loại nệm y tế và hàng may mặc tại xã Bình Nhì và Xí nghiệp may tại ấp Thạnh An, xã Thạnh Trị (huyện Gò Công Tây), với tổng mức đầu tư của 3 dự án hơn 174 tỷ đồng.
Chưa kể một số dự án đầu tư khác cũng đã và đang triển khai các bước đầu tư như: Nhà máy sản xuất hàng may mặc tại ấp Bình Hòa Đông, xã Bình Nhì; Dự án Nhà máy chế biến tinh dầu sả, sản xuất phân bón vi sinh hữu cơ từ bã sả và xuất khẩu cây sả tươi của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp và Năng lượng công nghệ cao Đông Tây; Dự án Ứng dụng quy trình công nghệ chiết xuất tinh dầu và sản xuất cơ chất trồng nấm, giá thể đất sạch từ phế phẩm cây sả của Công ty TNHH MTV Đầu tư, xây dựng Phúc Nguyên thực hiện bao tiêu cho vùng nguyên liệu sả khoảng 3.000 ha hay Dự án Tổng kho dầu khí Soài Rạp - NamViet Oil của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Nam Việt; Dự án Kho cảng của Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. Hồ Chí Minh cũng đang thực hiện các bước thủ tục đầu tư...
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã cho chủ trương 2 nhà đầu tư lắp đặt các trạm quan trắc gió phục vụ cho dự án điện gió tại xã Tân Điền và Tân Thành (huyện Gò Công Đông) là: Công ty TNHH Năng lượng tái sinh Trác Việt và Công ty Equis VietNam Pte.Ltd. (Singapore)…
2. Chúng tôi chọn Vùng phía Đông làm một trong những điểm nhấn một phần cũng bắt đầu từ việc phát triển công nghiệp có nhiều điểm khởi sắc. Ngoài đô thị hạt nhân của Vùng Trung tâm là TP. Mỹ Tho,
TX. Gò Công cũng được đánh giá là một trong những địa bàn thu hút được nhiều dự án đầu tư trong năm 2018.
Có thể nói, năm 2018 là năm bứt phá về công nghiệp của TX. Gò Công sau khoảng 10 năm. Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND TX. Gò Công Nguyễn Hữu Lợi cho biết, trong năm 2018, lĩnh vực công nghiệp thị xã thật sự sôi động với nhiều dự án mới như: Công ty May Việt Long Hưng, với quy mô gần 9 ha; kế đến là Công ty TNHH Shilla Glovis Việt Nam hay Nhà máy sản xuất gạch không nung do Công ty TNHH MTV Bình Kem làm chủ đầu tư, với diện tích hơn 14.000 m2. Chưa kể, dự án sản xuất ba lô, túi xách của Công ty LongWay, với quy mô 1,1 ha,
khoảng 500 công nhân (đã tổ chức Lễ khởi công), dự kiến hoạt động vào đầu quý II-2019 và 2 dự án đang thực hiện các bước đầu tư gồm: Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất túi xách do Công ty TNHH Lilamiti đầu tư, hiện đang thực hiện các thủ tục về đầu tư và Cụm công nghiệp Mỹ Lợi đã thông qua quy hoạch đồ án 1/500, làm cơ sở để mời gọi đầu tư, hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu. “Với việc khởi động của 6 dự án công nghiệp trong năm 2018 đã tạo bước nhảy vọt trong phát triển lĩnh vực này”- đồng chí Nguyễn Hữu Lợi nhấn mạnh.
Kết quả sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 10 đã tạo nên những “cú hích” quan trọng cho cả 3 vùng kinh tế - đô thị của tỉnh. Bởi tinh thần chung được thể hiện trong Nghị quyết 10 là liên kết phát triển kinh tế - đô thị của mỗi vùng gắn với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; đồng thời, gia tăng mối liên kết vùng, liên kết trong vùng và ngoài tỉnh, qua đó hình thành chuỗi liên kết nội vùng và liên vùng.
Tất nhiên, chủ trương phát triển từng vùng kinh tế - đô thị phải dựa trên cơ sở tiềm năng của mỗi huyện, thị, thành để tổng hợp các yếu tố tạo thành lợi thế của từng vùng, năng động, sáng tạo, vận dụng các chính sách để khai thác, phát huy tối đa các nguồn lực xã hội, phát triển đồng bộ, có trọng tâm và tạo sự lan tỏa để các địa bàn khó khăn hòa quyện trong sự phát triển chung.
Cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết 10, các vùng kinh tế - đô thị đã phát huy được lợi thế, tiềm năng hiện hữu. Chẳng hạn, Vùng Trung tâm (TP. Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo và huyện Châu Thành) đã phát huy vai trò là hạt nhân, giao lưu trên nhiều lĩnh vực để thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ, lôi kéo các vùng trong tỉnh. Vùng phía Tây (TX. Cai Lậy, huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè và huyện Tân Phước) cũng đã tập trung ưu tiên đầu tư và liên kết vùng để nâng cao chuỗi giá trị thương hiệu hàng hóa nông sản; chăn nuôi tập trung; gắn với phát triển các khu, cụm công nghiệp chế biến lúa - gạo, trái cây, thực phẩm; đồng thời, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch sinh thái.
Đặc biệt là vùng Vùng phía Đông (TX. Gò Công, huyện Gò Công Tây, huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông) đã tập trung phát triển kinh tế biển và vùng ven biển có hiệu quả, thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp; hình thành đô thị ven biển; phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch biển...
Nhìn từ thực tiễn cho thấy rằng, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 10 đã đạt được nhiều dấu ấn quan trọng liên quan đến nhiều lĩnh vực như sản xuất nông nghiệp, thu hút đầu tư, thương mại - du lịch hay đầu tư hạ tầng giao thông. Tất nhiên, đối với từng vùng kinh tế - đô thị có lợi thế, tiềm năng khác nhau nên kết quả đạt được sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 10 cũng dựa trên những yếu tố nền tảng này…
A.P (còn tiếp)