Chủ Nhật, 17/02/2019, 22:10 (GMT+7)
.

Thủy sản hướng tới cột mốc 10 tỷ USD xuất khẩu

Thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu lên 10 tỷ USD trong năm 2019, hoàn thành sớm mục tiêu được đặt ra đến năm 2020.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Triển khai kế hoạch xuất khẩu thủy sản năm 2019 do Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, chiều 16/2.

Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa đủ khả năng kiểm soát đồng bộ quá trình sản xuất nguyên liệu.
Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa đủ khả năng kiểm soát đồng bộ quá trình sản xuất nguyên liệu.

Với mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản cán mốc 10 tỷ USD trong năm 2019, Vasep đã phân tích và xác định mục tiêu cho từng mặt hàng cụ thể. Trong đó, xuất khẩu đạt 4,2 tỷ USD với tôm; ngành cá tra củng cố mức xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD và với những nỗ lực nhằm gỡ bỏ thẻ vàng IUU, ngành hải sản Việt Nam đặt mục tiêu có thể xuất khẩu 3,5 tỷ USD trong năm 2019.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, mục tiêu 10 tỷ USD mà ngành thủy sản đề ra là một mục tiêu rất cao, nhưng hoàn toàn có cơ sở để thực hiện. Cụ thể, mặt hàng tôm có tín hiệu tích cực, cá tra đang được thị trường đón nhận, và ngành khai thác hải sản đang từng bước đi theo định hướng phát triển bền vững.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhắc lại thời điểm này năm ngoái, VASEP phải phấn đấu đạt 9,5 tỷ USD, nhưng kết thúc năm 2018, cả ngành chỉ đạt xấp xỉ 9 tỷ USD. Dù vậy, kết quả gần 9 tỷ USD có ý nghĩa rất lớn, mang tính nền tảng để đặt ra các mục tiêu tiếp theo chứ không dừng ở giá trị kim ngạch.

Bởi vì, theo đánh giá của Bộ trưởng Cường, năm 2018 cả 2 khu vực khai thác và nuôi trồng đều chịu nhiều thách thức lớn, từ biến đổi khí hậu cho đến thẻ vàng của EC do khai thác không có báo cáo, không được quản lý và không đảm bảo truy xuất nguồn gốc (IUU).

Theo Bộ trưởng, tuân thủ quy định về IUU tuy là khó nhưng nghiêm túc mà nói điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu chuyển đổi nghề khai thác sang bền vững mà Việt Nam đang đặt ra. “Vấn đề không phải là rút hay không rút lại thẻ vàng mà là mục tiêu khai thác nghề cá bền vững”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, để hoàn thành mục tiêu năm 2019, cần sự đồng bộ của cả chuỗi giá trị, từ khâu khai thác và sản xuất nguyên liệu đến chế biến và tổ chức thị trường. Trong đó, khai thác, sản xuất nguyên liệu phải đảm bảo quy trình sạch, tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng đầu vào. Khâu chế biến phải đổi mới quy trình công nghệ, quản trị nhằm giảm giá thành và nối dài chuỗi giá trị.

Đối với tổ chức thị trường, ngoài duy trì các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp và hiệp hội cần mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới nhiều tiềm năng. Song song đó, phải tập trung khai thác hiệu quả thị trường nội địa vì đây là một thị trường rất lớn với gần 100 triệu dân và 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế mỗi năm.

Hơn nữa, các doanh nghiệp cần tăng cường sự liên kết gia theo các trục ngành hàng và liên kết với người nông dân, ngư dân nhằm giải quyết các bài toán về số lượng, chất lượng nguồn nguyên liệu đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của ngành thủy sản nói riêng và nông nghiệp Việt Nam nói chung.

Còn theo ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch Vasep, năm 2018 chứng kiến nhiều thăng trầm khác nhau trong các sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong khi kim ngạch xuất khẩu cá tra tăng trưởng vượt bậc, đạt gần 2,3 tỷ USD, tăng tới 26%, thì xuất khẩu tôm chỉ đạt 3,6 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2017. Năm 2018 cũng là năm mà ngành khai thác, chế biến hải sản gặp nhiều trở ngại trong việc gia tăng giá trị xuất khẩu do hậu quả từ thẻ vàng IUU từ châu Âu.

Tuy nhiên, năm 2019, ngành thủy sản được kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội để lấy lại đà tăng trưởng. Cụ thể, cá tra đang từng bước khẳng định được vị thế ở nhiều thị trường lớn, có thể duy trì kim ngạch xuất khẩu ấn tượng từ năm 2018. Mặt hàng tôm xuất khẩu cũng được hy vọng sẽ có sự khởi sắc trở lại nhờ do mức thuế chống bán phá giá tôm của Hoa Kỳ trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) thấp hơn POR11.

Bên cạnh đó là những cơ hội từ Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep cho rằng, mặc dù có nhiều tín hiệu lạc quan nhưng ngành thủy sản Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về nguồn nguyên liệu, sức cạnh tranh và rào cản thị trường… Việc duy trì nguyên liệu của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa thật sự tốt do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, dịch bệnh chưa được kiểm soát tốt dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu.

Vì vậy, để đạt được mục tiêu 10 tỷ USD, ngành thủy sản cần phải xây dựng chiến lược phát triển nuôi hợp lý, nâng cao công nghệ chế biến và thúc đẩy xuất khẩu, trong đó tập trung giải quyết dứt điểm vấn đề hóa chất kháng sinh trong sản phẩm thủy sản và các loại bệnh phổ biến trong tôm hiện nay nhằm củng cố lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm tôm Việt Nam và tăng cường xuất khẩu tôm vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Australia...

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.