Thứ Hai, 25/02/2019, 10:24 (GMT+7)
.

Tích cực tìm giải pháp tiêu thụ lúa cho nông dân

Trước tình hình giá lúa thấp và khó tiêu thụ, tỉnh đã bàn giải pháp giải cứu lượng lúa đông xuân 2018 -2019 tồn đọng trong dân.

Thương lái đẩy mạnh thu mua lúa trong dân để dự trữ.
Thương lái đẩy mạnh thu mua lúa trong dân để dự trữ.

Những ngày qua, thương lái đã đẩy mạnh thu mua lúa trong dân sau khi có chủ trương thu mua tạm trữ lúa - gạo của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều cánh đồng lúa trên địa bàn các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước và TX. Cai Lậy vẫn quá ngày thu hoạch nhưng chưa có thương lái đến mua. Trước tình hình trên, Giám đốc Sở Công thương Đoàn Văn Phương cho biết, giá lúa trên thị trường đang giảm 500 - 1.000 đồng/kg so với đầu tháng 1-2019 và giảm 900 - 1.450 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2018. Theo nhận định, giá lúa - gạo có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới khi bước vào thu hoạch rộ. “Đa số nông dân ở vào tình trạng đến gần ngày thu hoạch nhưng vẫn chưa có mối bán lúa với giá hợp lý.

Nếu không có đơn vị nào mua lúa vào thời điểm này thì nông dân sẽ bán tháo với giá rẻ vì không có khả năng tạm trữ. Nước ngoài có thể dựa vào thông tin này áp giá thấp đối với doanh nghiệp ký hợp đồng theo đơn hàng, sẽ gây thiệt hại lớn cho việc sản xuất và xuất khẩu lúa - gạo của Việt Nam” - đồng chí Đoàn Văn Phương nhận định.

Một chiếc ghe của thương lái chở đầy ắp lúa vừa mua của nông dân.
Một chiếc ghe của thương lái chở đầy ắp lúa vừa mua của nông dân.

Thế nhưng, để doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua lúa - gạo vào thời điểm tiêu thụ khó khăn hiện nay, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng Nguyễn Văn Đôn đề nghị Chính phủ nhanh chóng triển khai chính sách mua lúa - gạo tạm trữ. Ngân hàng tăng định mức cho vay và giảm lãi suất để doanh nghiệp thu mua lúa. Còn Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang Ngô Thanh Vân cho biết, đến ngày 20-2, công ty đã thu mua trên 10.300 tấn quy gạo (tương đương 20.600 tấn lúa hàng hóa). Công ty đang tiếp tục triển khai thu mua theo năng lực tài chính và các kho dự trữ cho phép của công ty. Nếu có đủ nguồn vốn, công ty sẽ mua nhập kho 900 - 1.000 tấn gạo/ngày.

Tại cuộc họp bàn giải pháp tiêu thụ lúa - gạo cho nông dân trong vụ đông xuân 2018 -2019 do UBND tỉnh tổ chức ngày 22-2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn giao UBND các huyện, thị, thành; đặc biệt là các huyện, thị phía Tây chủ động tuyên tuyền cho nông dân tại địa phương hạn chế bán lúa ra vào thời điểm thu hoạch rộ, nhằm hạn chế cung vượt cầu dẫn đến giá tiêu thụ thấp; chủ động tìm giải pháp giúp nông dân tạm trữ lúa, liên hệ các điểm kho lương thực thu mua gần nhất của các công ty để ký gửi, chờ thời điểm giá tốt để bán. Trong thời gian chờ chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, đồng chí đề nghị các doanh nghiệp chuyên thu mua, chế biến và xuất khẩu lúa - gạo trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì thực hiện thu mua lúa của nông dân để tạm trữ, kiềm chế giá thu mua không xuống thấp; duy trì tìm đầu ra cho tiêu thụ lúa - gạo…

Đồng chí yêu cầu 2 Sở Công thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp để tiếp tục theo dõi tình hình thu hoạch lúa của nông dân, tình hình tiêu thụ lúa - gạo vụ đông xuân 2018 - 2019; kịp thời nắm bắt các chính sách, giải pháp của Chính phủ để báo cáo, tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo. Đồng chí cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Tiền Giang theo dõi các chính sách cụ thể của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn vay và chính sách ghi nợ cho nông dân trong vụ lúa đông xuân này.         

  SĨ NGUYÊN

.
.
.