Thứ Hai, 04/03/2019, 11:18 (GMT+7)
.

Bán "chạy" heo vì sợ dịch

Đó là thực tế trong những ngày qua sau thông tin dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp và lây lan sang nhiều tỉnh, thành ở miền Bắc ta. Ngành chức năng đang tập trung nguồn lực để tìm giải pháp tối ưu ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này trên heo.

Một cơ sở giết mổ heo được cán bộ thú y kiểm tra thịt trước khi đưa ra thị trường.
Một cơ sở giết mổ heo được cán bộ thú y kiểm tra thịt trước khi đưa ra thị trường.

BÁN “CHẠY” HEO

Mấy ngày qua, ông Nguyễn Tấn Nghiệp (ấp 5, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy) đã nhiều lần gọi bán 14 con heo đã gần 100 kg, nhưng thương lái vẫn chưa đến mua. Ông Nghiệp cho biết, heo đang giảm giá nên thương lái mới “hẹn lần, hẹn lượt”. Gia đình ông đang rất lo lắng vì nghe thông tin dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp, nguồn heo từ các tỉnh, thành miền Bắc nhập vào miền Nam khá nhiều. Nếu xảy ra dịch, thiệt hại sẽ nặng nề.

Trao đổi với người mà ông Nghiệp kêu bán heo trong những ngày qua, thương lái Nguyễn Thành Bắc (ấp 6, xã Phú An, huyện Cai Lậy) cho biết, hiện giá heo đã giảm 4.000 - 5.000 đồng/kg. Tuần trước, giá heo hơi còn ở mức 54.000 - 55.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 49.000 - 51.000 đồng/kg. Nguyên nhân, do nguồn heo từ các tỉnh, thành miền Bắc nhập vào miền Nam nhiều. Ngoài ra, người dân nghe thông tin dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp nên bán “chạy” heo khá nhiều; thậm chí, một số hộ còn bán heo chưa đến lứa xuất chuồng (chưa đến 80 kg). “Trước đây, mỗi ngày chúng tôi mua khoảng 10 con heo thì nay mua trên 15 con. Trong khi đó, nguồn heo bán ra rất khó do phải cạnh tranh với nguồn heo giá rẻ từ miền Bắc. Đó là một trong những lý do chúng tôi chậm mua heo cho dân” - ông Bắc lý giải. Còn thương lái Nguyễn Khắc Tuấn (ấp 10, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy) cho biết, mấy ngày qua, ông mua nguồn heo trong dân tăng 20% so với tuần trước; trong đó, nhiều đàn heo bán có trọng lượng chỉ khoảng 70 - 80 kg/con. Do heo chưa đến ngày bán mà hộ dân có nhu cầu nên ông mua giá thấp hơn giá thị trường.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nguyễn Thị Mến cho biết, Chi cục đã dự thảo xong kế hoạch hành động “ứng phó” dịch tả heo châu Phi và đã trình UBND tỉnh. Sau khi được duyệt, Chi cục triển khai các bước tiến hành công tác phòng, chống dịch… Dự kiến, trong tuần này, UBND tỉnh sẽ ký ban hành kế hoạch hành động và triển khai cho các ngành chức năng và các địa phương để thực hiện.

Trong khi đó, khảo sát của chúng tôi tại chợ Thạnh Trị, chợ Mỹ Tho (TP. Mỹ Tho) vào ngày 2-3, giá các loại thịt heo giảm không nhiều, chỉ giảm từ 2.000 - 5.000 đồng/kg. Theo đó, giá thịt đùi từ 80.000 - 83.000 đồng/kg, thịt ba rọi 100.000 đồng/kg, ba rọi rút xương 120.000 đồng/kg.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nguyễn Thị Mến, trước tình hình dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp ở miền Bắc, người dân bán “chạy” heo là điều khó tránh khỏi. Cơ quan Thú y lo người dân bán “chạy” heo bệnh  làm dịch lây lan nhanh.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Văn Mẫn cho biết, dịch tả heo châu Phi đang diễn biến rất phức tạp và đang lây lan nhanh ở miền Bắc. Trong khi đó, giá heo ở miền Nam cao hơn miền Bắc khoảng 800 ngàn đồng  đến 1 triệu đồng/tạ, nên heo ở miền Bắc nhập vào miền Nam rất nhiều. Do đó, nguy cơ dịch xuất hiện và lây lan ở miền Nam rất cao.

KHÔNG ĐỂ DỊCH LÂY LAN

Để hạn chế tình trạng bán “chạy” heo, các ngành chuyên môn Trung ương đang đề nghị tăng mức hỗ trợ tiêu hủy heo nhiễm bệnh (Nghị định 02 của Chính phủ quy định mức hỗ trợ 38.000 đồng/kg heo hơi).

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, dịch tả heo châu Phi thời gian qua diễn biến khá phức tạp. Ở nước ta, từ ngày 1 đến 27-2, dịch bệnh này trên heo đã xảy ra tại 96 hộ, 33 thôn, 20 xã, 13 huyện của 6 tỉnh, thành. Tổng số heo bị mắc bệnh và tiêu hủy là 2.349 con, với tổng trọng lượng hơn 172.500 kg. Và mới đây dịch bệnh này xuất hiện ở tỉnh Hải Dương.

Để ngăn chặn, khống chế có hiệu quả dịch bệnh trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương nghiêm túc triển khai Chỉ thị 04 ngày 19-2-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế dịch bệnh. Trước hết, Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành và địa phương phải tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu rõ triệu chứng, các nguyên nhân gây bệnh, mức độ nguy hiểm của dịch tả heo châu Phi; cách phòng, chống bệnh; không hoang mang, lo lắng, từ đó tích cực tham gia công tác khống chế dịch; bảo đảm an toàn sinh học, ngăn chặn, phòng, chống bệnh lây lan sang các địa phương khác... Cần tuyên truyền, vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện 5 không: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân ở cơ sở để cùng phòng, chống dịch. Cụ thể, địa phương cần thành lập ngay Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật, Đoàn công tác các cấp và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên để tổ chức phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó là tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại tuyến cơ sở; xây dựng các phương án, kịch bản cho các tình huống khác nhau để kịp thời ứng phó, xử lý. Cùng với đó phải huy động và chuẩn bị tốt các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế và điều kiện làm việc cho ngành Thú y và các lực lượng tham gia phòng, chống dịch.

Để chia sẻ khó khăn và động viên người dân tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương trước mắt chủ động hỗ trợ theo thẩm quyền; yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính chủ động đề xuất phương án, bố trí nguồn lực hỗ trợ người dân một cách kịp thời.

SĨ NGUYÊN

.
.
.