Những kinh nghiệm chia sẻ để phát triển hợp tác xã
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát (thứ tư từ trái sang) thăm HTX Mỹ Tịnh An. Ảnh: MINH THÀNH |
Mỗi HTX sản xuất, kinh doanh trên mỗi lĩnh vực khác nhau nhưng để mang lại hiệu quả là cả chặng đường phấn đấu, nỗ lực từ những việc làm tưởng chừng rất đơn giản.
* ÔNG TRẦN VĂN THÍCH, GIÁM ĐỐC HTX NÔNG NGHIỆP SẢN XUẤT - THƯƠNG MẠI - DỊCH VỤ PHƯỚC AN (TP. HỒ CHÍ MINH): Đảm bảo hài hòa lợi ích thành viên
Một trong những mục tiêu quan trọng của HTX là Hội đồng quản trị phải đảm bảo hoạt động của HTX theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, quản lý dân chủ, hiệu quả hoạt động cao, có sự tương trợ lẫn nhau và đảm bảo hài hòa. Lợi ích của các thành viên thông qua tổ chức tốt 4 khâu: Cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm, tín dụng nội bộ và cung cấp dịch vụ tư vấn, kỹ thuật.
Cụ thể, HTX bán hàng hóa (vật tư nông nghiệp) cho thành viên với giá hợp lý, tiện lợi, đảm bảo chất lượng; chủ động mở rộng đối tác tiêu thụ sản phẩm, tổ chức sản xuất khoa học, quản lý kinh doanh hiệu quả theo tiêu chí an toàn thực phẩm; củng cố và nâng cao uy tín thương hiệu của HTX; tạo điều kiện cho thành viên vay vốn sản xuất theo hình thức ứng tiền trước bán sản phẩm sau; hỗ trợ ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất cho thành viên.
Đồng thời, HTX phải quản lý khai thác có hiệu quả trang thiết bị, cơ sở vật chất đã được tài trợ từ các dự án; các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của thành viên phải được đưa ra thảo luận lấy ý kiến công khai trước khi Hội đồng quản trị quyết định thực hiện.
Ngoài ra, HTX còn thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, từ việc lập kế hoạch sản xuất, tổ chức thu mua, kế hoạch sử dụng tài sản, tài chính, trích lập các quỹ theo đúng quy định.
Từ những bước đi cụ thể như thế, HTX lúc đầu thành lập chỉ có 15 thành viên với số vốn góp 8 triệu đồng; đến nay HTX đã có 63 thành viên, với số vốn góp hơn 1,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, diện tích đất sản xuất từ 4,3 ha đến nay đã tăng lên 30 ha để sản xuất rau quả; trong đó HTX đã đầu tư xây dựng nhà sơ chế đóng gói, văn phòng làm việc và mua được 4 xe tải vận chuyển hàng hóa phục vụ cho các đối tác…
* ÔNG HỒNG VĂN CẦU, GIÁM ĐỐC HTX NÔNG NGHIỆP PHƯỚC AN (SÓC TRĂNG): Bắt đầu từ sản phẩm giá trị gia tăng
Những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn hoạt động của HTX là thông qua việc tổ chức khoa học về kế toán sổ sách; kinh nghiệm về bảo vệ thực vật và ghi chép đồng ruộng; sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng cũng như phát triển thị trường sản phẩm giá trị gia tăng của HTX.
Một trong những điểm nhấn quan trọng là trong tháng 7-2018, HTX quyết định xây dựng Dự án chuỗi giá trị sản phẩm giá trị gia tăng từ trái cam xoàn, với trị giá dự án 912 triệu đồng.
Dự án được sự đồng thuận của UBND huyện Mỹ Tú và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Với quyết tâm cao, sau 4 tháng triển khai thực hiện dự án, HTX đã cho ra mắt 4 sản phẩm bán trong dịp Tết Nguyên đán năm 2019 là: Mứt vỏ cam xoàn sấy dẻo, mật cam xoàn, rượu cam xoàn và cam xoàn sấy dẻo; bước đầu cũng được thị trường đón nhận.
Trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện dự án, HTX đã liên hệ với Khoa Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh) để tiến hành nghiên cứu các quy trình sản xuất và chuyển giao công nghệ.
Đồng thời, HTX tiến hành xây dựng nhà xưởng sản xuất các loại sản phẩm theo như dự án đặt ra. Với những lợi thế về con người, công nghệ và cơ sở đang có của HTX, vừa qua HTX đã kiến nghị với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú để xin ý kiến UBND huyện cho HTX tiên phong trong việc sản xuất và gia công các sản phẩm giá trị gia tăng theo yêu cầu của khách hàng.
* ÔNG NGUYỄN TRƯỜNG ĐỜI, GIÁM ĐỐC HTX DỊCH VỤ NÔNG NGHIỆP KINH DỚN (CÀ MAU): Phải giữ chữ tín
Ngay những ngày đầu thành lập, HTX chỉ có 3 người, vận động được 27 thành viên quyết tâm tiến hành thành lập HTX, với diện tích đất sản xuất 49,5 ha, tổng số vốn góp được 136 triệu đồng. Trong hoàn cảnh diện tích nhỏ, ít vốn, mới thành lập, HTX không thu hút được doanh nghiệp tham gia liên kết.
Mặt khác, do cạnh tranh của các thành phần kinh tế khác, chưa quen điều hành cách làm kinh tế vì Hội đồng quản trị xuất thân từ nông dân, tuổi lại cao, chỉ có tâm huyết nên HTX gặp rất nhiều khó khăn. HTX bắt đầu xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh trong điều kiện khó khăn như thế.
Năm 2016, HTX bắt đầu mời gọi các đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong huyện cung ứng theo kiểu tập trung để cho thành viên HTX sử dụng. Đến năm 2017, HTX mời gọi các doanh nghiệp thu mua lúa vùng Cần Thơ ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra cho thành viên HTX và nông dân.
Cũng trong năm 2017, HTX ký hợp đồng nhận phân bón của Nhà máy phân bón hóa chất Cần Thơ hằng năm, với số lượng từ 80 - 100 tấn và ký kết hợp đồng đầu ra từ 2.000 - 6.000 tấn lúa thương phẩm mỗi năm. Từ đó, HTX tạo được niềm tin đối với doanh nghiệp và thành viên nên hằng năm số thành viên tăng dần.
Đến tháng 10-2018, HTX tổ chức Đại hội bầu lại thành viên Hội đồng quản trị, với số thành viên HTX tăng lên là 62, diện tích đất canh tác cũng tăng lên 101 ha; tổng số vốn hoạt động của HTX cũng tăng lên 2,1 tỷ đồng. Trong vụ đông xuân năm 2019, HTX đã ký hợp đồng với Công ty Ngọc Quang Phát (Cần Thơ) 6.000 tấn lúa thương phẩm theo hướng an toàn.
Một trong những kinh nghiệm rút ra trong quá trình hoạt động của HTX là ngay những ngày đầu thành lập không cần phải vận động nhiều thành viên, chỉ cần từ 10 đến 15 thành viên nhưng giữ được uy tín, làm ăn có hiệu quả là nông dân tự nguyện tham gia HTX; không cần phải huy động nhiều vốn mà phải giữ chữ tín; đồng thời, có đội ngũ cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng để cơ cấu vào quản lý HTX…
* ÔNG VÕ CHÍ THIỆN, GIÁM ĐỐC HTX MỸ TỊNH AN (TIỀN GIANG): Đảm bảo đầu ra cho thành viên
Có thể nói HTX Mỹ Tịnh An là một trong số ít đơn vị kinh tế hợp tác tiên phong nghiên cứu sản xuất ra sản phẩm thanh long sạch cung cấp cho thị trường khó tính. HTX đã thay đổi hoàn toàn tư duy của nhà nông và bằng chứng là số hộ xin vào làm thành viên HTX ngày càng đông.
Thời gian qua, HTX đã ký hợp đồng cam kết với thành viên mua thanh long với giá thấp nhất 10.000 đồng/kg ở mọi thời điểm và cao hơn giá thị trường ít nhất 2.000 đồng/kg đối với sản phẩm đạt chuẩn, thành viên HTX được hưởng lợi nhuận so với thị trường bên ngoài từ 10% - 20% và đặc biệt là luôn yên tâm sản xuất, không còn cảnh được mùa mất giá hay quá lệ thuộc vào thị trường nước ngoài.
Đối với trái dừa tươi, HTX cũng ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm, với giá thu mua cao hơn thị trường tối thiểu 1.000 đồng/trái.
Hiện tại, hoạt động của HTX có nhiều thuận lợi như nằm trên vùng nguyên liệu sản xuất; các thành viên HTX đều có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, đoàn kết và luôn cố gắng sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Đồng thời, HTX có khả năng liên kết với các nhà khoa học để đào tạo, chuyển giao quy trình sản xuất, quản lý dịch bệnh.... Tuy nhiên, cũng như các HTX khác, vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật là hạn chế, khó khăn của HTX Mỹ Tịnh An trong quá trình hoạt động.
Vốn lưu động thấp dẫn đến HTX không mở rộng được dịch vụ, hiệu quả hoạt động thấp, khả năng đáp ứng nhu cầu dịch vụ cho thành viên còn hạn chế. Ngoài ra, sâu bệnh ngày càng nhiều cũng làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm...
P.A