Chuyển động cùng PCI
Nhìn vào Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI - Provincial Competitiveness Index) của Tiền Giang trong 5 năm gần đây cho thấy đã có sự chuyển động theo hướng tích cực. Song, nhìn vào bức tranh chung của các tỉnh, thành; nhất là đối với các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thì sự chuyển dịch PCI của Tiền Giang cũng còn ở mức khiêm tốn.
Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN góp phần chuyển động PCI của Tiền Giang theo hướng tích cực (trong ảnh: Hoạt động tại Cảng Mỹ Tho). |
1. Đánh giá trên bình diện tổng thể, điều tra PCI năm 2018 cho thấy tâm lý lạc quan của các doanh nghiệp (DN) về triển vọng kinh doanh. Trong xu hướng chung đó, PCI năm 2018 của Tiền Giang cũng được ghi nhận có sự chuyển biến khi đạt 62,75 điểm, xếp hạng 38/63 tỉnh, thành của cả nước, tăng 2 bậc so với năm 2017.
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong PCI năm 2018 của Tiền Giang là có nhiều chỉ số thành phần tăng điểm như: Gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức hay Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự.
Những năm qua, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến việc cải thiện PCI của Tiền Giang thông qua chủ trương, chính sách và nhiều hoạt động hỗ trợ DN. Năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành Công văn 1420 về việc rà soát việc thực hiện hỗ trợ DN tác động đến PCI Tiền Giang. Ngày 5-6-2015, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 122 thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh 2 năm 2015 - 2016. Tiếp đó, UBND tỉnh đã phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Chi nhánh Cần Thơ tổ chức 2 Hội thảo Đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2014 - tỉnh Tiền Giang (tháng 9-2015) và Hội thảo Xây dựng giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016 - tỉnh Tiền Giang (tháng 3-2016). Ngày 14-3-2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động 61 nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 19 ngày 6-2-2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Ngày 31-5-2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động 158 nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 19-2018 ngày 15-5-2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Tiền Giang năm 2018 và những năm tiếp theo… |
Thế nhưng, nếu nhìn Kế hoạch hành động 158 của UBND tỉnh được ban hành ngày 31-5-2018, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 19-2018 ngày 15-5-2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Tiền Giang năm 2018 và những năm tiếp theo cũng có một số điểm cần lưu ý.
Mục tiêu cụ thể trong năm 2018 được đề cập trong Kế hoạch hành động 158 của UBND tỉnh là phấn đấu đưa PCI của tỉnh vào nhóm Khá và không có chỉ số thành phần đạt dưới điểm 6; tiếp tục duy trì và nâng cao điểm số các chỉ số thành phần đã đạt trong các năm qua, không có chỉ số bị giảm điểm; khẩn trương khắc phục các chỉ số PCI thành phần bị giảm điểm được đánh giá trong năm 2017 như: Gia nhập thị trường, Chi phí không chính thức, Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự.
Đồng thời, Kế hoạch hành động 158 của UBND tỉnh cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu cải thiện điểm số của từng chỉ số thành phần, nâng dần vị trí xếp hạng PCI của tỉnh mỗi năm tăng từ 7 đến 10 bậc, năm 2018 ở nhóm 30 và đến năm 2020 đứng trong nhóm 20 tỉnh, thành có PCI cao, thuộc nhóm các địa phương có chất lượng điều hành Khá.
Nếu soi rọi vào Kế hoạch 158 của UBND tỉnh thì một số mục tiêu cải thiện PCI năm 2018 của tỉnh cũng đã đạt được, chẳng hạn như: Từ hạng Trung bình đã lên nhóm Khá, vào nhóm 30 (xếp 38/63 tỉnh, thành) hay cải thiện được các chỉ số thành phần bị giảm điểm năm 2017 như: Gia nhập thị trường, Chi phí không chính thức, Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự…
Tuy nhiên, một số mục tiêu đề ra trong Kế hoạch 158 của UBND tỉnh vẫn chưa đạt được như: PCI năm 2018 của Tiền Giang chỉ tăng 2 bậc (mục tiêu là 7 đến 10 bậc), vẫn còn 2 chỉ số đạt dưới điểm 6 (Cạnh tranh bình đẳng chỉ đạt 5,22 điểm và Tính năng động của chính quyền tỉnh đạt 5,49 điểm) và vẫn còn có chỉ số bị giảm điểm so với năm 2017, chẳng hạn như: Cạnh tranh bình đẳng, Dịch vụ hỗ trợ DN… So sánh với mục tiêu được đề cập trong Kế hoạch 158 của UBND tỉnh để thấy rằng, sự chuyển động của PCI theo hướng tích cực không phải là điều đơn giản và cần phải có lộ trình. Suy cho cùng, các tỉnh, thành đều rất quyết tâm cải thiện hình ảnh thông qua chỉ số PCI.
Do vậy, việc duy trì thứ hạng hoặc tăng lên là đều rất khó khăn. Bởi trên thực tế lãnh đạo tỉnh cũng rất quyết tâm cải thiện hình ảnh của Tiền Giang thông qua PCI hằng năm.
Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN góp phần chuyển động PCI của Tiền Giang theo hướng tích cực (trong ảnh: Hoạt động tại Cảng Mỹ Tho). |
2. Còn nếu nhìn nhận một cách toàn diện hơn, PCI của Tiền Giang trong 5 năm gần đây đã có sự chuyển biến tích cực hơn. Nếu như năm 2014, PCI của Tiền Giang chỉ đạt 55,11 điểm, xếp 52/63 tỉnh, thành; sang năm 2015 đạt 56,74 điểm, xếp hạng 49/63; năm 2016 đạt 57,25 điểm, xếp hạng 48/63; năm 2017 đạt 61,44 điểm, xếp hạng 40/63 và năm 2018 đạt 62,75 điểm, xếp hạng 38/63.
Trong 5 năm gần đây, điểm số PCI của Tiền Giang liên tục tăng, dù không nhảy vọt, nhưng cũng đã ghi nhận những nỗ lực của tỉnh và từ chỗ xếp hạng Tương đối thấp (năm 2014), Trung bình (năm 2015), Khá (năm 2016), Trung bình (năm 2017) và năm 2018 PCI của Tiền Giang đã vào nhóm điều hành Khá.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách tổng thể hơn, trong 14 lần liên tiếp PCI được công bố, Tiền Giang chỉ có một lần duy nhất được xếp vào nhóm Tốt (năm 2009 đạt 65,81 điểm, xếp hạng 9/63 tỉnh, thành).
Còn nếu xét trong mặt bằng khu vực, ĐBSCL luôn là khu vực có nhiều tỉnh, thành được đánh giá có PCI thuộc nhóm Tốt và Rất tốt; đồng thời, cũng là khu vực năng động trong việc cải thiện PCI. Đa số các tỉnh, thành được đánh giá ở mức xuất phát điểm là Khá, sau đó đều vượt lên ở mức Tốt và Rất tốt.
Đa phần các tỉnh, thành vùng ĐBSCL có đặc điểm tự nhiên và kinh tế - xã hội tương đối giống nhau nhưng nhiều tỉnh đã đạt được sự nổi trội cũng như sự cải thiện tốt về PCI như: Đồng Tháp, Bến Tre, Long An, Vĩnh Long...
So với các tỉnh, thành trong vùng, ngoại trừ năm 2009, Tiền Giang nằm trong nhóm 3 tỉnh có PCI cao; trong các năm còn lại, PCI của Tiền Giang còn khá khiêm tốn, đặc biệt từ năm 2013 đến năm 2016, PCI của Tiền Giang chỉ xếp trên PCI của tỉnh Cà Mau.
Năm 2017, PCI của Tiền Giang có sự thay đổi vị trí trong khu vực ĐBSCL, khi xếp 9/13 tỉnh, thành. Năm 2018, vị trí PCI của Tiền Giang tiếp tục được cải thiện khi xếp thứ 8/13 tỉnh, thành. Điểm sáng về chỉ số PCI của khu vực ĐBSCL được ghi nhận là tỉnh Đồng Tháp, với nhiều năm đứng ở vị trí nhóm đầu của khu vực và cả nước.
Năm 2018, Đồng Tháp đạt 70,19 điểm, xếp vào nhóm Rất tốt và đứng ở vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành (sau Quảng Ninh). Ngoài Đồng Tháp, năm 2018 các tỉnh thuộc ĐBSCL như: Long An, Bến Tre, Vĩnh Long cũng được xếp vào nhóm điều hành Tốt.
Nhìn nhận một cách công bằng, vị trí PCI của Tiền Giang khó thay đổi nhanh, một phần là do điểm số hằng năm của Tiền Giang đạt được tương đối thấp, nhưng phần lớn cũng do sự trỗi dậy mạnh mẽ của các tỉnh, thành khác trong cả nước.
Điểm đáng chú ý trong PCI của Tiền Giang là có một số chỉ số thành phần có điểm số tương đối thấp và kéo dài nhiều năm, chẳng hạn: Dịch vụ hỗ trợ DN, Đào tạo lao động hay Tính năng động của chính quyền tỉnh…
Các chỉ số này hằng năm cũng có sự biến động, nhưng điểm số phần lớn nằm ở mức thấp, đã phần nào ảnh hưởng đến điểm số chung của PCI Tiền Giang. Thực tế cho thấy rằng, Tiền Giang phấn đấu cải thiện PCI thì các tỉnh, thành khác cũng cố gắng thay đổi hình ảnh.
Các chuyên gia cho rằng, cũng rất khó so sánh về mặt thứ hạng giữa các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL. Bởi lẽ Tiền Giang, đặc biệt là TP. Mỹ Tho, có lịch sử hình thành lâu dài, với hơn 5.000 DN đang hoạt động, nên đòi hỏi của các DN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng “khắt khe” hơn so với các tỉnh, thành khác trong khu vực.
Mặc dù PCI năm 2018 của Tiền Giang cải thiện không đáng kể nhưng vẫn được ghi nhận từ các chuyên gia, đó cũng là điều đáng mừng. Đây là điều rất tốt và thể hiện sự kiên trì của Tiền Giang. Điểm nhấn đáng ghi nhận là trong những năm gần đây, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến các vấn đề của DN, nhất là thông qua các buổi đối thoại.
Các lần UBND tỉnh tổ chức đối thoại với DN vừa qua đã đi vào các trường hợp chi tiết, cụ thể và DN đã đón nhận những tháo gỡ trực tiếp từ Chủ tịch UBND tỉnh đối với từng vấn đề cụ thể. Đó là yếu tố quan trọng để cho DN thỏa mãn và an tâm để phát triển sản xuất - kinh doanh. Điều này đã góp phần quan trọng vào sự cải thiện chỉ số PCI của Tiền Giang trong năm 2018.
Diễn biến PCI của Tiền Giang qua 5 năm gần đây
STT |
Năm khảo sát |
Điểm |
Xếp hạng |
Nhóm |
1 |
2014 |
55,11 |
52/63 |
Tương đối thấp |
2 |
2015 |
56,74 |
49/63 |
Trung bình |
3 |
2016 |
57,25 |
48/63 |
Khá |
4 |
2017 |
61,44 |
40/63 |
Trung bình |
5 |
2018 |
62,75 |
38/63 |
Khá |
A.P