Bài 2: Vị thế cây lúa đang mất dần
Bài 1: Phong trào bỏ lúa… theo cây ăn trái
(ABO) Từ sau ngày giải phóng, cây lúa luôn là "cứu cánh" cho nông dân. Thế nhưng, vài năm trở lại đây cây lúa không còn giữ được vị thế đứng đầu trong các mặt hàng xuất khẩu nông sản nữa. Ngày nay, yếu tố kinh tế trong sản xuất nông nghiệp được nông dân quan tâm hàng đầu. Cây ăn trái đã và đang đáp ứng được vấn đề đó. Chính yếu tố này, cây lúa đang mất dần vị thế của mình.
Người dân xã Phú Nhuận (huyện Cai Lậy) chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây ăn trái. |
NHIỀU VÙNG CHUYÊN CANH LÚA BỊ CHIA CẮT
Trước đây, vùng chuyên canh trồng lúa của tỉnh gồm các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước và TX. Cai Lậy luôn phủ một màu xanh khi lúa được hơn 10 ngày tuổi, vàng ươm một màu khi lúa đang vào giai đoạn chín. Giờ đây, màu xanh và vàng ấy đã không còn nữa mà xen vào đó là màu xanh của cây ăn trái.
Ông Nguyễn Minh Huệ (ấp Mỹ Tường B, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè) trồng 1,2 ha lúa. Hằng năm, gia đình ông sống hoàn toàn phụ thuộc vào diện tích lúa trên. Ông Huệ tâm sự: “Bao đời nay, gia đình tôi đều sống nhờ vào cây lúa. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, chi phí trồng lúa tăng rất nhiều, nhưng giá lúa luôn ở mức thấp nên canh tác không lãi bao nhiêu, thậm chí còn bị lỗ. Mấy năm trước, thu hoạch 1 ha lúa được khoảng 8 - 10 tấn, bán với giá 4.500 - 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi được 18 - 20 triệu đồng/ha. Giờ đây, đất đã bạc màu, phù sa không về nên năng suất chỉ đạt 6 - 7,5 tấn/ha. Trong khi chi phí sản xuất lúa tăng gần gấp đôi, mà giá lúa chỉ dao động từ 4.250 - 4.600 đồng/kg nên tính ra bị lỗ”.
Ngồi thẫn thờ trên bờ ranh giữa ruộng trồng lúa của mình và vườn trồng mít của một nông dân vừa mới chuyển đổi, ông Hồ Văn Mai (ấp Phú Tiểu, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy) thở dài: “Gia đình tôi canh tác 0,8 ha lúa, trong vụ lúa đông xuân 2018 - 2019 vừa rồi bị thất mùa, giá lúa lại thấp chỉ 4.300 đồng/kg (giống IR 50404 bán tại ruộng); trong khi chi phí đầu tư quá cao nên lỗ gần 4 triệu đồng”.
Hơn 30 năm canh tác lúa, ông Mai cũng như bao nông dân trồng lúa khác cho rằng: Còn trồng lúa là còn nghèo. Thực tế, năng suất lúa trong mấy năm qua không cao, giá lúa luôn dao động ở mức 4.200 - 4.800 đồng/kg; trong khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công thu hoạch… đều tăng rất nhanh. Nhiều người chán nản với cây lúa, muốn chuyển đổi lên vườn cây ăn trái nhưng còn phân vân vì không có vốn.
Người dân xã Phú Nhuận (huyện Cai Lậy) chuyển đổi diện tích trồng lúa sang cây ăn trái. |
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, nếu năm 2014, diện tích canh tác lúa khoảng 85.000 ha, diện tích gieo trồng trên 240.000 ha thì đến nay, diện tích canh tác lúa trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 73.000 ha, diện tích gieo trồng của cả năm khoảng 210.000 ha.
CÒN TRỒNG LÚA LÀ CÒN NGHÈO?
Xung quanh việc có nên giữ lại đất lúa? Nếu giữ, ngành chức năng cần phải làm gì? Chúng tôi đã trao đổi nhiều lần với ngành chuyên môn của tỉnh nhưng đều không có câu trả lời rõ ràng, thỏa đáng.
Tuy vậy, vấn đề này được GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết: “Đến nay, người nghèo nhất vẫn là nông dân trồng lúa. Tiền lời làm ra “chạy” vào túi của các công ty xuất khẩu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…”.
GS-TS Võ Tòng Xuân nói rằng: Việc cây lúa từ vị trí hàng đầu, nay xếp sau thủy sản và cây ăn trái, cần được nhận thức đúng trong định hướng phát triển vùng, gắn liền với “sứ mệnh” của cây lúa miền Tây. Dù ở vị trí nào trong cơ cấu kinh tế, hạt gạo vẫn không thể thiếu trong mỗi gia đình và mang sứ mệnh cao cả.
Trong điều kiện hiện nay và chắc chắn còn lâu hơn nữa, an ninh lương thực vẫn là vấn đề toàn cầu. Việt Nam vẫn là quốc gia có trách nhiệm. Song, trước thách thức của biến đổi khí hậu, thiên tai và nhân tai, chúng ta cần nhận thức lại về an ninh lương thực, về “sứ mệnh” của cây lúa.
An ninh lương thực không chỉ là việc đảm bảo an toàn, chắc chắn nhu cầu ăn gạo cho mọi người dân, mà còn phải được tiếp cận về kinh tế, sinh kế của người trồng lúa. An ninh lương thực không chỉ đảm bảo dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu sinh học mà còn giúp nông dân làm giàu.
Phát huy vai trò cây lúa, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến 2 vấn đề, đó là an ninh lương thực và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nơi trồng được lúa nhưng không phải trồng ở đâu cũng có lợi nhuận cao. Chúng ta không thể phát triển cây lúa bằng mọi giá mà bỏ qua yếu tố kinh tế: Chi phí và lợi ích.
Một hộ dân ở xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) đang lên liếp từ đất ruộng để chuyển sang trồng sầu riêng và mít. |
Cây lúa đồng bằng đang chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh nông nghiệp bằng các bài toán kinh tế, sự tiếp cận đa ngành, với định hướng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, gắn với chuỗi giá trị và thương hiệu lúa - gạo. Phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp.
Sản xuất lúa đang gặp nhiều bất lợi, dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhưng nông dân vẫn bị cuốn trong vòng lẩn quẩn rớt giá - thua lỗ. Hơn nữa, Việt Nam tuy là nước có lượng gạo hàng đầu thế giới nhưng thị trường xuất khẩu không ổn định, một số thị trường truyền thống đang teo tóp lại, phụ thuộc vào xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc.
Nguyên nhân là xuất khẩu gạo của Việt Nam đang bị cạnh tranh bởi Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan... Chưa kể Myanmar và Campuchia cũng đang đẩy mạnh phát triển trồng lúa để tăng xuất khẩu. Nếu không sớm tự cứu mình, chắc chắn thời gian tới Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn.
Kết thúc bàn luận, xin dẫn lời Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng Nguyễn Văn Đôn mà chúng tôi đã trao đổi mới đây: Giá lúa, gạo của Việt Nam sẽ rất khó so sánh với Thái Lan, Ấn Độ và một số nước xuất khẩu khác nếu không thay đổi được quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng hạt gạo, xây dựng thương hiệu riêng… Không đáp ứng được những điều đó, chắc chắn giá lúa, gạo của Việt Nam chỉ dao động ở mức như hiện nay. Điều đó đồng nghĩa với việc ai bám trụ được thì còn duy trì nghề trồng lúa, nếu không sẽ từ từ chuyển đổi sang vườn cây ăn trái, nuôi thủy sản.
SĨ NGUYÊN
(còn tiếp)