.
HUYỆN GÒ CÔNG TÂY:

Đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng phù hợp theo từng vùng

Cập nhật: 22:08, 25/04/2019 (GMT+7)

Những năm qua, do thời tiết khắc nghiệt, các ngành chức năng của huyện Gò Công Tây đã tập trung chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, cho hiệu quả kinh tế cao.

Cây màu thay thế dần sự độc canh của cây lúa.
Cây màu thay thế dần sự độc canh của cây lúa.

Ở những nơi khó khăn về nguồn nước tưới, hằng năm nông dân tập trung chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái phù hợp để có thể thích nghi với biến đổi khí hậu và nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện tại, cây thanh long được nhiều nông dân lựa chọn để thay thế cho cây lúa hoặc các loại cây trồng kém hiệu quả khác.

Theo thống kê, toàn huyện đã có hơn 600 ha thanh long và diện tích cây trồng này đang tiếp tục tăng, tập trung nhiều ở các xã Đồng Sơn, Đồng Thạnh, Bình Phú và Thành Công. Bởi cây trồng này chịu hạn tốt, có nhiều tiềm năng phát triển trên vùng đất Gò Công Tây.

Ông Phan Thanh Tùng (xã Đồng Sơn) chuyển đổi đất lúa sang trồng thanh long chia sẻ: “Hơn 5.000 m2 đất lúa của tôi đã chuyển sang trồng thanh long được 3 năm. Vụ rồi, tôi thu hoạch thanh long bán được hơn 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng. Đặc biệt, cây trồng này không tốn nhiều công chăm sóc mà cho hiệu quả kinh tế cao”.

Bên cạnh đó, huyện cũng đang phát triển mạnh cây bưởi da xanh do hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây lúa và các loại cây trồng khác. Sau thời gian chuyển đổi, đến nay huyện Gò Công Tây đã trồng trên 70 ha bưởi da xanh, tập trung ở xã Thạnh Nhựt và thị trấn Vĩnh Bình… Hiện nay, các vườn bưởi da xanh ở các khu vực này phát triển tốt, hứa hẹn mang đến nhiều thắng lợi cho nông dân.

Ông Phan Văn Thành (thị trấn Vĩnh Bình) trồng 2 công bưởi da xanh, vụ tết vừa qua thu hoạch bán được hơn 20 triệu đồng. “Bưởi da xanh cho hiệu quả kinh tế khá cao, giá luôn duy trì ở mức trên 30.000 đồng/kg, có thời điểm tăng lên trên 50.000 đồng/kg” - ông Thành cho biết.

Cây dừa Xiêm cũng được nông dân nhân rộng do thổ nhưỡng thích hợp, đầu ra ổn định. Hiện toàn huyện có 150 ha trồng dừa Xiêm uống nước, trong đó có trên 50 ha đang cho trái ổn định. Đây là loại cây trồng tiềm năng được các ngành chức năng huyện khuyến khích chuyển đổi ở các vùng đất trồng lúa rải rác, cho hiệu quả kinh tế không cao, để nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Võ Văn Tâm (xã Thạnh Nhựt) chuyển 3.000 m2 đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng dừa Xiêm đỏ, ông chia sẻ: “Dừa Xiêm đỏ cho trái rất sai, có buồng khoảng 15 đến 20 trái, chỉ 25 ngày cho thu hoạch một lần, mỗi trái bán với giá trung bình từ 5.000 - 6.000 đồng, lúc cao điểm lên 9.000 đồng/trái. Cây trồng này chăm sóc khá đơn giản, chủ yếu là bón phân theo định kỳ và phun thuốc trừ đuông, bọ cánh cứng để không ảnh hưởng đến năng suất”.

Với các loại cây màu ngắn ngày, huyện cũng đã và đang tập trung chuyển đổi. Hiện huyện có 1.600 ha đất trồng màu, trong đó 460 ha trồng chuyên canh, số còn lại trồng xen canh hoặc luân canh lúa - màu. Thực tế cho thấy, nông dân trồng luân canh lúa - màu thu lãi cao gấp nhiều lần so với trồng lúa thuần trên cùng một đơn vị diện tích.

Chị Phan Thị Thu (xã  Đồng Thạnh) cho biết: “Trước đây, tôi trồng lúa (3 vụ/năm) lãi không cao. Nhiều vụ thu hoạch còn bị thương lái ép giá phải bán tháo, bán chạy. Thấy trồng cây màu xoay vòng vốn nhanh, hiệu quả kinh tế cũng khá cao nên tôi xen canh 1 vụ lúa/năm, thời gian còn lại trồng rau màu. Nhờ vậy kinh tế gia đình ổn định hơn”.

Hiện tại, các ngành chức năng huyện Gò Công Tây đang chú trọng phát triển các loại cây trồng chủ lực của huyện; trong đó tập trung vào các cây mãng cầu Xiêm, thanh long, bưởi da xanh và cây màu ở những nơi có khả năng bị trễ vụ lúa hoặc thiếu nước tưới, góp phần giảm thiệt hại và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Nói về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Gò Công Tây Trần Long Nguyên cho biết, mục tiêu của huyện Gò Công Tây là làm sao phát huy được tiềm năng, thế mạnh của huyện, phát triển những loại cây trồng đặc trưng, tập trung bố trí cơ cấu sản xuất theo từng vùng, thích hợp với sự biến đổi của khí hậu, xóa thế độc canh của cây lúa, tạo ra việc làm tại chỗ… góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, hướng đến mục tiêu xóa khó, giảm nghèo hiệu quả cho địa phương.

CAO NGUYÊN

.
.
.