Gia nhập CPTPP: Doanh nghiệp phải hội nhập bằng tư duy
Nhiều chuyên gia khẳng định, để có thể tận dụng được các cơ hội từ hội nhập, doanh nghiệp Việt phải thay đổi tư duy, phải tìm hiểu những thông tin và quy định của CPTPP.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019. Tuy nhiên, để tận dụng tốt hơn cơ hội mới, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, thời gian tới cần nhiều hơn sự chủ động từ phía doanh nghiệp.
Cơ quan nhà nước đã nỗ lực nhưng chưa đủ?
Nhấn mạnh tầm quan trọng trong chủ động nắm bắt cơ hội từ CPTPP, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: “Đến nay, tôi chưa nghe bất kỳ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nào hỏi về CPTPP, bởi họ hiểu đó là việc của doanh nghiệp nên rất chủ động tìm hiểu các quy định để nắm bắt cơ hội thông qua các hiệp hội doanh nghiệp, các công ty luật… Hiện thông tin về CPTPP tin không hề thiếu, nhưng nhiều tỉnh/thành, doanh nghiệp trong nước không mấy quan tâm, không chịu tìm hiểu”.
Hiện VCCI đã ra mắt 2 cuốn sách giới thiệu về CPTPP, EVFTA với hàng trăm câu hỏi - đáp. Nhưng doanh nghiệp có đọc không?. Vậy doanh nghiệp sẽ tận dụng CPTPP nhứ thế nào, đâu sẽ là những vấn đề cần quan tâm ở CPTPP, ông Khánh đặt câu hỏi.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Khánh khẳng định hội nhập mà hiệu quả thấp hay không thấy hiệu quả là lỗi của bộ máy quản lý. Cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi tư duy quản lý, chính sách theo hướng mở. Lấy môi trường kinh doanh công bằng, lấy doanh nghiệp là nguyên khí của quốc gia. Bộ máy quản lý phải thay đổi cách làm chính sách, đổi mới cách tương tác với người dân và doanh nghiệp. Phải có các tiêu chuẩn cao về minh bạch, phải đúng quy định của Nhà nước, ông Khánh nói.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương: cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi tư duy quản lý, chính sách theo hướng mở
|
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, có ba vấn đề cần quan tâm khi Việt Nam gia nhập CPTPP.
Thứ nhất là vấn đề thông tin. Các Hiệp hội với Nhà nước và Bộ chưa có mối quan hệ, chia sẻ với nhau đến cùng. Việc tiếp nhận và phổ biến thông tin chưa được sâu sát, nhất là về CPTPP.
“Chúng tôi phát hiện CPTPP có điểm mới rất thuận lợi cho mình. Những doanh nghiệp phi thực phẩm có thể tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau hơn 2 năm làm chương trình tiêu chuẩn, tôi thấy (các nền kinh tế - PV) thế giới có 3 thành phần nhà nước, doanh nghiệp, các nhà sản xuất tổ chức... trong khi khá nhiều ngành của ta lại không tồn tại thực sự 3 thành phần này”, bà Hạnh nói.
Thứ hai là vấn đề tiêu chuẩn. "Tâm trạng" doanh nghiệp Việt Nam khi làm tiêu chuẩn là đối phó - một tình trạng cần thay đổi.
Cuối cùng, vai trò của Hiệp hội nếu không đủ hiểu thị trường, không lắng nghe doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ rất thiệt thòi.
Ông Nguyễn Nam Hải - Vụ trưởng Vụ Đánh giá thẩm định và Giám định Công nghệ (Bộ KH-CN) cho rằng, các doanh nghiệp cần nâng cao năng suất, giảm thiểu chi phí, áp dụng công nghệ mới, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm vào dây chuyền.
Cần tư duy dài thay đổi vị trí của chuỗi cung ứng. Ví dụ như, để hướng đến sản xuất vải, tạo sự hấp dẫn thì năng lực thiết kế, marketing và sáng tạo là thiết yếu. Cần quan tâm đến công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, để tránh bị thua thiệt. Ngược lại, nếu yếu về điều này cần hấp thụ từ nước ngoài, tránh vi phạm trong quy định sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp cần được trang bị đầy đủ thông tin sẽ tránh được những rắc rối về hành chính, pháp luật...
"Doanh nghiệp Việt Nam cần hội nhập bằng tư duy”
Theo ông Lê Công Thành - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện Bộ đang hướng đến việc sửa đổi luật bảo vệ theo tiêu chí sàng lọc đầu tư. Quy định về giấy phép môi trường, liên thông, giảm số lượng giấy tờ... sẽ giúp giảm chi phí, thời gian của doanh nghiệp. Luật cũng nghiên cứu về quy định về chất thải, phân luồng để quản lý phù hợp, giảm thiểu chất thải...
"Chúng tôi mong trong quá trình luật đang sửa đổi, sẽ nhận được ý kiến trao đổi, đóng góp của các doanh nghiệp, ngành nghề", ông Thành nói.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT cho biết: Hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ. Thị trường gần nhất của chúng ta là Trung Quốc, chúng tôi đã đàm phán, rà soát, và hiện Trung Quốc đã chấp nhận nhập khẩu sữa của Việt Nam. Đó là sự nỗ lực suốt 10 năm mới đạt được. Tương tự, măng cụt là phải 5 năm mới vào được thị trườngTrung Quốc, ông Toản nói.
Các diễn giả, chuyên gia, doanh nghiệp thảo luận sôi nổi trong phiên hiến kế doanh nghiệp và CPTPP. |
Theo ông Toản, doanh nghiệp của Việt Nam cần hội nhập bằng tư duy. Tư duy phải đồng điệu từ quản lý hiệp hội, doanh nghiệp, người dân. Chúng ta phải có trách nhiệm với môi trường. Chúng ta hội nhập bằng thể chế. Riêng trong ngành nông nghiệp, hai năm mà có chúng ta đã có 5 bộ luật rất cơ bản, tốc độ GDP tăng trưởng 2018 là 2,76%, kim ngạch xuất khẩu 42 tỷ đô. Tới lúc nào đó, chất lượng là cái tiên quyết với thị trường, ông Toản nói.
Hiện tại, thủ tục hành chính đã cắt giảm, riêng trong ngành nông nghiệp cũng đã giảm đáng kể. Cùng lúc đó, các bên cần tìm ra sự chia sẻ đồng thuận giữa các hiệp hội hay các cơ quan quản lý với hiệp hội. Bản thân ngành nông nghiệp chịu tổn thất lớn, biến đổi khí hậu, tác động thị trường, khó khăn nội tại sản xuất. Theo tôi, các quy định không phải là rào cản, mà là vấn đề tôn trọng chung khi tham gia sân chơi, ông nói.
Để doanh nghiệp có thể thực hiện tốt các quy định của CPTPP, ông Toản đề xuất 4 giải pháp:
Thứ nhất trong giai đoạn CPTPP vừa ký kết, cần phải phổ biến, tuyên truyền. Cục đã cung cấp và cập nhật hàng ngày các quy định nhưng không biết các doanh nghiệp có đọc và tiếp thu được không?
Thứ hai phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và Hiệp hội.
Thứ ba trong nội tại ngành nông nghiệp, cần thực hiện tái cơ cấu, thực hiện sản xuất bằng chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng bằng con đường chế biến. Nhiều sản phẩm đặc thù gặp khó khăn trong vấn đề bảo quản. Ví dụ quả chanh leo vào Pháp đi đường cảng mất 40 ngày, đi đường hàng không thì chi phí cao... đây là những thách thức.
Thứ tư là vấn đề thị trường. Doanh nghiệp là người quyết định trong cuộc chơi, Nhà nước là người kiến tạo, xử lý những vấn đề mang tính quốc gia, thể chế.
(Theo enternews.vn)
.