Chủ Nhật, 26/05/2019, 14:03 (GMT+7)
.

Không ào ạt trồng cây, nuôi cá dưới chân ruộng

Trong thời gian qua, người dân ở các xã phía Bắc Quốc lộ 1A ào ạt chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái và nuôi thủy sản. Trước thực trạng trên, ngành chức năng cảnh báo sẽ gây ra nhiều hệ lụy sau này. Tuy vậy, người dân vẫn bất chấp cảnh báo vì lợi nhuận trước mắt.

Người dân mua cây mít giống tại một cơ sở ở xã Phú Nhuận (huyện Cai Lậy).
Người dân mua cây mít giống tại một cơ sở ở xã Phú Nhuận (huyện Cai Lậy).

VỪA CHUYỂN ĐỔI, VỪA LO

Đó là tâm trạng của không ít nông dân khi đã chuyển từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản. Ông Trần Văn Phải (ấp Bình Hưng, xã Bình Phú, huyện Cai Lậy) trồng hơn 0,2 ha mít Thái siêu sớm được hơn 2 năm tuổi. Đến nay, vườn mít Thái siêu sớm của ông đã cho thu hoạch những đợt đầu tiên. Ông tâm sự: “Gia đình tôi trước đây trồng lúa. Thế nhưng, trước tình hình nhiều hộ ở các xã phía Nam Quốc lộ 1A trồng cây ăn trái làm giàu, nên gia đình đã quyết định chuyển đổi sang trồng mít Thái siêu sớm để mong có thu nhập khá.

Với giá mít Thái siêu sớm hiện nay khoảng 30.000 đồng/kg, người trồng loại mít này thu nhập bình quân khoảng 70 - 85 triệu đồng/công/năm, lãi gấp nhiều lần trồng lúa”. Tuy vậy, ông Phải lại lo lắng: “Về lâu dài, cây mít có bộ rễ ăn sâu, trong khi vùng đất này còn phèn cao, vì vậy cây trồng này có phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây hay không thì cần nhà chuyên môn đánh giá. Ngoài ra, sâu bệnh ngày càng nhiều, trong khi nông dân chưa nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc mít; đầu ra của cây trồng này lại phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái…”.

Không chỉ nông dân trồng cây ăn trái trên đất lúa lo lắng, mà những hộ chuyển đổi đất lúa sang ao ương cá cũng đau đáu nỗi lo. Ông Mai Văn Năng (ấp Mỹ Lợi, xã Phước Lập, huyện Tân Phước) đào 2 ao khoảng 2,5 công đất ương cá tra giống cho biết, lần đầu thu hoạch cá, gia đình ông lãi được 56 triệu đồng/1,5 công đất. Đến lần thu hoạch này, số lượng cá giống đạt ước khoảng 5 tấn nhưng giá cá chỉ còn 25.000 đồng/kg.

Đã vậy, thương lái hẹn nhiều lần nhưng chưa đến thu mua. Theo ông Năng, khó khăn lớn nhất của nông dân khi chuyển đổi từ đất lúa sang nuôi cá là chưa có kinh nghiệm, chưa nắm vững kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh trên cá nên tỷ lệ ương giống đạt thấp. Trong khi đó, giá cá thường xuyên biến động, hệ thống thu mua cá lại không nhiều, nông dân thiếu thông tin thị trường dẫn đến thường bị thương lái ép giá…

Không chỉ vậy, việc chuyển đổi ào ạt đất trồng lúa sang cây ăn trái, nuôi thủy sản cũng làm cho những người trồng lúa còn lại lo lắng. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy) Nguyễn Văn Việt bày tỏ: “Thời gian qua, nông dân chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây ăn trái quá lớn, đặt biệt là mít Thái. Cây mít trồng từ ven bờ lộ xuống tới ruộng lúa dẫn đến đất trồng lúa ngày càng bị thu hẹp. Các doanh nghiệp bao tiêu lúa trong mô hình Cánh đồng lớn của hợp tác xã trước đây giờ không còn bao tiêu nữa vì diện tích trồng lúa giảm mạnh. Nếu không có định hướng, câu chuyện “giải cứu” mít sẽ có ngày diễn ra”.

Sở NN&PTNT vừa tổ chức hội thảo: “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nuôi thủy sản trên nền đất lúa tại các huyện phía Tây”.

Hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến của nông dân, các địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp về các vấn đề có liên quan đến việc chuyển đổi ào ạt, tự phát từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản… Từ các ý kiến này, sở sẽ tổng hợp, lập đề án phát triển vùng trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản ở các địa phương thuộc phía Bắc Quốc lộ 1 để trình UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến.

Diện tích đất lúa chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản tăng mạnh cũng đặt ra vấn đề đầu ra sản phẩm cho các ngành chức năng và nông dân. Phó Giám đốc Công ty TNHH Long Uyên (xã Kim Sơn, huyện Châu Thành) Phan Phú Cường chia sẻ: “Giá mít Thái hiện nay trên thị trường quá cao. Đây là giá mà Trung Quốc chấp nhận mua nhưng không đòi hỏi nhiều về chất lượng.

Tuy nhiên, nếu có vấn đề nào đó, Trung Quốc ngừng nhập khẩu thì người trồng mít Thái sẽ rất khó khăn. Vì vậy, nhà nông cần tập trung vào chất lượng. Bởi khi nông sản có chất lượng, thị trường Trung Quốc không chấp nhận nhập khẩu nông sản của Việt Nam thì chúng ta cũng có thể xuất khẩu sang các thị trường khác như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và một số thị trường khó tính khác”.

KHÔNG MỞ RỘNG THÊM DIỆN TÍCH

Tổng diện tích đất nông nghiệp phía Bắc Quốc lộ 1A khoảng 63.400 ha, chiếm 56,9% diện tích toàn vùng. Trong đó, vùng giữa Quốc lộ 1A và đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có diện tích 11.200 ha. Giai đoạn 2016 - 2018, toàn vùng chuyển đổi trên 5.832 ha, trong đó người dân chuyển sang trồng cây ăn trái các loại trên 4.800 ha và nuôi thủy sản gần 1.000 ha.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trí Đông, trong giai đoạn 2016 - 2018, các huyện phía Tây của tỉnh đã chuyển đổi rất nhiều diện tích đất trồng lúa sang mục đích khác. Trong đó, huyện Cái Bè đã chuyển đổi trên 3.300 ha, huyện Cai Lậy chuyển đổi trên 1.420 ha, TX. Cai Lậy chuyển đổi trên 1.180 ha, huyện Tân Phước chuyển trên 2.200 ha, huyện Châu Thành chuyển trên 600 ha.

Còn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, căn cứ vào các quy định, diện tích chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản trong 2 năm qua vẫn chưa vượt quy định. Tuy nhiên, vấn đề quan tâm là việc chuyển đổi cây ăn trái và thủy sản thời gian qua không tập trung, không theo quy hoạch, không quan tâm đến tính thích nghi của cây trồng, vật nuôi cũng như kỹ thuật và công nghệ.

Trong khi đó, việc tiêu thụ nông sản chủ yếu qua thương lái, các chợ đầu mối và các hợp tác xã, tổ hợp tác và chỉ cung cấp theo mùa vụ, không có hợp đồng ràng buộc cụ thể. Trao đổi thêm về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Mẫn cho biết: “Việc chuyển đổi tự phát từ đất lúa sang trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy sau này như: Mâu thuẫn giữa người sản xuất lúa và người trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản; hạ tầng thủy lợi khu vực này không đảm bảo; chưa thiết lập được mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong việc bao tiêu sản phẩm đầu ra và nhiều hệ lụy khác mà chúng ta không lường trước được”.

Từ đó, đồng chí Nguyễn Văn Mẫn cho rằng: “Trồng cây ăn trái phía Bắc Quốc lộ 1A sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của lũ hằng năm, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, yêu cầu của thị trường về chất lượng nông sản ngày càng cao, thị trường Trung Quốc có khả năng sẽ giảm nhập khẩu do đã tự chủ được nguồn cung, sâu bệnh gây hại trên các loại cây trồng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.

Vì vậy, ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương cần phải khuyến cáo nông dân không được mở rộng diện tích cả cây ăn trái và thủy sản để tập trung đầu tư hạ tầng và kỹ thuật cũng như gắn kết với thị trường tiêu thụ, giữ vững vùng sản xuất lúa chất lượng; rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, lập đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại khu vực phía Bắc Quốc lộ 1A…”.

Phong trào chuyển đổi tự phát từ đất lúa sang trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản khiến cho ngành chức năng phải “đau đầu”. Hiệu quả sau này chưa biết ra sao, nhưng trước mắt, ngành chuyên môn đang phải đối mặt cho bài toán quy hoạch, còn địa phương phải giải quyết hệ lụy sẽ xảy ra giữa người trồng lúa và trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản.

SĨ NGUYÊN

.
.
.