.
Nguồn lực lao động - Thay đổi và thích ứng:

Bài 1: Khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo

Cập nhật: 09:44, 28/05/2019 (GMT+7)

(ABO) Nguồn lực lao động trong bối cảnh mới cần được thay đổi và thích ứng, nhất là trước tác động về kinh tế, lao động - việc làm của xu thế hội nhập, trong đó trọng điểm là trước tác động của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực.

Khơi dậy tinh thần lao động giỏi, lao động sáng tạo không chỉ thúc đẩy phong trào thi đua, mà còn tạo thêm động lực để giúp người lao động tiếp cận công nghệ, nâng cao tay nghề, thích ứng với công cuộc hội nhập hiện nay.

Dây chuyền hoạt động của Công ty cổ phần May Công Tiến.
Dây chuyền hoạt động của Công ty cổ phần May Công Tiến.

1. Là Kỹ thuật xưởng gắn bó nhiều năm với hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty cổ phần May Công Tiến (TX. Gò Công), anh Trần Văn Lăng được đánh giá cao qua nhiều sáng kiến, cải tiến mang lại hiệu quả kinh tế, cụ thể như: Cải tiến công đoạn may lộn + diễu to bản miệng túi hông 3 cạnh với lợi ích giúp giảm 35 giây/sản phẩm, hiệu quả kinh tế mang lại cho công ty khoảng 279 triệu đồng/năm; cải tiến công đoạn đóng túi + gắn nắp túi, với lợi ích kinh tế mang lại mỗi năm trên 302 triệu đồng…

Được công ty tuyên dương nhiều lần nhờ những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mang lại hiệu quả, anh Lăng cho biết, hầu hết những sáng kiến đều xuất phát từ thực tiễn sản xuất - kinh doanh của công ty. Lợi thế của công ty là nguồn hàng đa dạng, làm theo mùa, nên có nhiều cơ hội để người lao động tiếp cận cái mới và cải tiến, sáng tạo thêm. “Cái khó để thực hiện cải tiến, sáng tạo là nhiều công nhân đã quen với cách sản xuất cũ, nên khi ứng dụng cái mới cần phải có thời gian để tiếp cận. Tất nhiên, trên thực tế cũng chỉ có khoảng 80% sáng kiến, cải tiến thành công và mang lại hiệu quả kinh tế”- anh Lăng cho biết.

Đánh giá về phong trào thi đua Lao động giỏi, lao động sáng tạo của công ty cũng như các sáng kiến, cải tiến của anh Lăng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần May Công Tiến Nguyễn Văn Việt cho biết, anh Lăng làm việc tại công ty từ năm 2007 đến nay. Với vai trò là phụ trách kỹ thuật, anh lúc nào cũng tận tâm với công việc. Điểm nổi bật là anh Lăng rất chịu mày mò, tìm tòi bằng các công việc thực tiễn để tạo ra nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.

Các sáng kiến của anh Lăng đã góp phần giảm thời gian chế tạo sản phẩm, nâng cao năng suất lao động trên mỗi chuyền may, là một trong những yếu tố góp phần tăng thu nhập cho người lao động. Trong năm 2018, anh Lăng được Ban Giám đốc công ty cũng như Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hỗ trợ nên đã tham gia tích cực phong trào thi đua Lao động giỏi, lao động sáng tạo và là một trong những gương điển hình được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh khen thưởng. “Với những sáng kiến của anh Lăng, Ban Giám đốc công ty đã nhiều lần khen thưởng đột xuất với trị giá từ 2 - 3 triệu đồng cho mỗi sáng kiến. Từ khi nhận nhiệm vụ kỹ thuật đến nay, có ít nhất 5 lần anh Lăng được khen thưởng về các sáng kiến mang lại hiệu quả cao”- ông Việt cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Công ty cổ phần May Công Tiến nằm chung hệ thống của Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến, nên hệ thống quản lý chuyên môn phục vụ mục tiêu sản xuất - kinh doanh theo chủ trương chung. Công Tiến cũng có Chi bộ đảng, các đoàn thể. Công Tiến cũng không chịu nhiều áp lực trước CPTPP. Công nhân cũng xác định rất rõ mục tiêu đến công ty làm việc để có nguồn thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống. Về nguồn lực lao động đối với Công Tiến những năm qua rất ổn định. Đối với chiến lược con người, hằng năm công ty đều có chương trình đào tạo tại chỗ, đào tạo theo chương trình của tổng công ty nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn và quản lý điều hành.

Ngoài ra, Ban Giám đốc công ty cũng đã kết hợp với Trường Trung cấp Nghề Gò Công để bổ sung nguồn lao động có trình độ và tay nghề. “Chất lượng lao động đầu vào hiện nay đã khá hơn nhiều do yêu cầu ngày càng cao hơn của mỗi công ty, trong đó có ngành may mặc. Công Tiến hiện đã giải quyết khoảng 2.000 lao động, với mức thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng. Năng suất lao động đến cuối năm 2018 và quý I-2019 của Công Tiến đạt khoảng 500 USD/người/tháng nhờ vào trình độ tay nghề của công nhân và đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại”- ông Việt cho biết.

Cũng theo ông Việt, hằng năm Ban Giám đốc và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở công ty đều phát động phong trào thi đua Lao động giỏi, lao động sáng tạo. Nhờ đó, ngoài gương của anh Lăng, công ty còn rất nhiều công nhân điển hình khác. Đặc biệt trong năm 2018, công ty có 1 công nhân trực tiếp sản xuất được Tổng LĐLĐ Việt Nam tuyên dương Bằng Lao động sáng tạo.

Đây là công nhân đa kỹ năng, có thể may rất nhiều công đoạn. Trên thực tế, có thể một công đoạn phải cần đến 2 công nhân thực hiện, nhưng công nhân này một mình vẫn làm được với thời gian đảm bảo cho cả dây chuyền may hoạt động liên tục. “Đặc điểm của ngành may là đa dạng và phong phú, không dừng chân cho một sáng kiến, sáng tạo đối với mã hàng nào.

Do vậy, năm 2019 công ty cũng tiếp tục phát động phong trào thi đua với mục tiêu 100% công nhân trên chuyền may hoàn thành kế hoạch được giao, phấn đấu 6 tháng đầu năm đạt 6 triệu USD và cả năm 2019 hoàn thành mục tiêu 12 triệu USD theo kế hoạch của công ty” - ông Việt cho biết thêm.

2. Phong trào thi đua Lao động giỏi, lao động sáng tạo được LĐLĐ tỉnh phát động nhiều năm qua và đã mang lại hiệu ứng rất tích cực. Nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã mang lại hiệu quả cao. Thông qua thực hiện phong trào thi đua cũng đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến góp phần thúc đẩy, lan tỏa và nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.

Trên thực tế, ngoài gương anh Trần Văn Lăng hay phong trào thi đua tại Công ty cổ phần May Công Tiến, nhiều mô hình sáng kiến, cải tiến cũng xuất hiện ở các đơn vị khác. Anh Trần Văn Cưỡng tại Công ty TNHH Gia công đồng Hải Lượng (Khu công nghiệp Long Giang) cũng là một điển hình. Năm 2018, anh Cưỡng cũng được LĐLĐ tỉnh xét chọn trao Giải thưởng 28 tháng 7 lần III.

Một trong những sáng kiến quan trọng, mang lại hiệu quả kinh tế của anh Cưỡng là máy cắt dây tự động. Theo anh Cưỡng, sáng kiến này xuất phát từ thực tế sản xuất của công ty. Bởi trong quá trình sản xuất ra sản phẩm cần rất nhiều công đoạn. Công đoạn nhang muỗi thành hình vẫn còn sử dụng thủ công nhiều. Để tạo ra những cuộn đồng có hình dáng đẹp mắt, không thể thiếu dây đồng để cuộn nhang muỗi.

Ở công đoạn này, công nhân phải dùng kéo để cắt những sợi dây đồng để cột những cuộn đồng thành phẩm. Công việc này rất vất vả, đồng rất cứng làm cho công nhân bị đau tay, không cắt được nhiều, phải luân phiên cắt để tránh bị phồng tay.

“Sau khi có máy cắt dây tự động, công nhân tập trung sản xuất, không cần phải cắt dây đồng bằng tay nên đã góp phần tăng hiệu suất làm việc. Với máy cắt tự động đã giúp tiết kiệm được 2 nhân công trong mỗi ca làm việc, với mức lương bình quân của mỗi công nhân khoảng 7 triệu đồng/tháng. Chưa kể, dây đồng được cắt bằng máy rất đồng đều, tránh lãng phí dây đồng”- anh Cưỡng cho biết.

Ngoài ra, anh Cưỡng còn được đánh giá cao thông qua sáng kiến máy cắt đầu ống đồng kết hợp thổi khí làm sạch. Theo đánh giá của Ban Giám đốc Công ty TNHH Gia công đồng Hải Lượng, sáng kiến này cũng đã góp phần tiết kiệm thời gian tạo ra sản phẩm.

Đầu ống đồng được cắt bằng hơn, mút được thu gom gọn gàng, có thể tận dụng lại nhiều lần. Quan trọng nhất là công ty ký được nhiều hợp đồng có giá trị cao thông qua việc tạo ra sản phẩm có chất lượng…

ANH PHƯƠNG (còn tiếp)

.
.
.