.

Nhìn lại kinh tế du lịch Tiền Giang

Cập nhật: 12:14, 04/05/2019 (GMT+7)

Dù được khai thác rất sớm và có nhiều lợi thế nhưng bài toán kinh tế du lịch chưa thật sự làm hài lòng nhiều người và cần thiết có những bước đi mới hơn.

Ai cũng biết rằng, hoạt động du lịch của Tiền Giang hình thành từ rất sớm; bởi bắt đầu từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, du lịch Tiền Giang đã đón khách quốc tế của các nước xã hội chủ nghĩa, với chương trình MEKONG TOUR nổi tiếng và cũng từ đó hình ảnh du lịch sông nước miệt vườn Tiền Giang đã có trên bản đồ du lịch thế giới.

Từ những yếu tố mang tính nền tảng đó, phát huy lợi thế hiện hữu, trong những năm qua du lịch Tiền Giang luôn đứng trong nhóm khá của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về số lượng khách quốc tế, nên doanh thu và lượng khách du lịch hằng năm tăng tương đối cao và ổn định.

Dịp lễ, mỗi ngày vườn hoa Mãn Đình Hồng (TP. Mỹ Tho) đón khoảng 600 lượt khách tham quan, chụp ảnh.
Dịp lễ, mỗi ngày vườn hoa Mãn Đình Hồng (TP. Mỹ Tho) đón khoảng 600 lượt khách tham quan, chụp ảnh.

Riêng năm 2018, ngành Du lịch Tiền Giang đón trên 2 triệu lượt khách, trong đó có 800.000 lượt khách du lịch quốc tế. Doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch đạt trên 1.000 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ, đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh và góp phần thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển.

Đây cũng là năm ngành Du lịch Tiền Giang có nhiều chuyển biến tích cực, tạo ra được nhiều hoạt động sôi nổi để phát triển, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân và mang lại hiệu quả cho cộng đồng những người làm kinh tế du lịch.

Nhìn vào lượng khách đến với Tiền Giang cũng cho thấy đã tăng đều qua các năm. Nếu như vào năm 2013 Tiền Giang chỉ đón khoảng 1,3 triệu lượt khách, trong đó có hơn 547.000 lượt khách quốc tế thì đến năm 2018 đã đón khoảng 2 triệu lượt khách. Tất nhiên, lượng khách du lịch tăng hằng năm sẽ kéo theo doanh thu của ngành Du lịch cũng tăng theo.

Điều này một phần xuất phát từ việc ngành Du lịch đã tập trung mọi nguồn lực cho phát triển hoạt động lữ hành, nghiên cứu các thế mạnh đặc thù, khai thác các địa danh, di tích văn hóa lịch sử, mạnh dạn mở thêm các tour tham quan mới, liên kết với các đơn vị kinh doanh lữ hành trong và ngoài tỉnh nhằm tạo nguồn khách.

Điều này một phần cũng được bắt đầu từ việc tỉnh tập trung đầu tư vào một số khu vực trọng điểm để phát triển du lịch như: Khu du lịch sinh thái cù lao Thới Sơn, Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước), khu du lịch huyện Cái Bè và huyện Cai Lậy…

Nhìn vào bức tranh du lịch của Tiền Giang cũng cho thấy, Tiền Giang hiện có nhiều sản phẩm du lịch: Du lịch sinh thái tham quan sông nước, miệt vườn; du lịch tìm hiểu văn hóa bản địa, du lịch cộng đồng; du lịch tham quan di tích lịch sử - văn hóa tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe; du lịch thương mại, công vụ (MICE). Tuy nhiên, nhìn chung sản phẩm du lịch sinh thái Tiền Giang chủ yếu tham quan sông nước, miệt vườn và nghỉ dưỡng.

Đây chính là sản phẩm đặc trưng của Tiền Giang và cũng là sản phẩm du lịch của các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bởi trên thực tế cho thấy, du khách đến Tiền Giang chủ yếu tham quan vườn cây ăn trái, đi thuyền tham quan chợ nổi và đến các điểm du lịch do các hộ nhà vườn tự đầu tư, với các hoạt động chủ yếu là thưởng thức các loại trái cây đặc sản, ẩm thực, ca nhạc tài tử, tham quan các cơ sở làm bánh tráng, bánh phồng, cốm, làm kẹo và một số làng nghề…

Nhưng cũng cần nhìn nhận một cách khách quan rằng, loại hình du lịch sinh thái miệt vườn rất khó thu hút khách nội địa đến lần thứ hai, thứ ba nếu như không được đầu tư thêm các dịch vụ vui chơi, giải trí.

Khi đánh giá về hoạt động du lịch của tỉnh trong thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng cũng nhận ra rằng, là tỉnh đi đầu của Đồng bằng sông Cửu Long về du lịch sông nước miệt vườn, nhưng giờ đây có một số tỉnh trong vùng đã tiến xa hơn, nhiều sản phẩm du lịch hơn, đa dạng hơn.

Từ đó cho thấy, sự phát triển du lịch của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng và nguyên nhân cơ bản là chưa tìm được hướng đi phù hợp để mở đường cho sự phát triển. Thực trạng đó buộc phải trăn trở, suy nghĩ để tìm ra hướng đi riêng cho mình trong điều kiện sự giống nhau của các tỉnh, thành trong vùng là cơ bản nên khó tìm ra lợi thế so sánh để bứt phá vươn lên.

Xuất phát từ những yếu tố nội tại hiện nay, nhất là bài toán kinh tế do ngành Du lịch mang lại, để tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế thông qua tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp phát triển du lịch theo đặc điểm và phát triển vùng kinh tế của tỉnh.

Dựa trên yếu tố về vị thế và tiềm năng của từng vùng để tận dụng và khai thác du lịch một cách hợp lý. Theo đó, ở Vùng kinh tế - đô thị phía Tây, trong các năm qua tỉnh chọn huyện Cái Bè làm động lực khởi phát với Lễ hội Làng cổ Đông Hòa Hiệp. Lễ hội này được nâng dần quy mô và cấp độ sau mỗi lần tổ chức, từ đó lan tỏa về hướng Cai Lậy qua cù lao Tân Phong.

Ở Vùng kinh tế - đô thị Trung tâm, ngành Du lịch đã củng cố và nâng chất du lịch Thới Sơn, kết hợp với các hoạt động sẽ tổ chức tại sông Tiền như: Xây dựng phố đi bộ, khu ẩm thực, chợ đêm đúng nghĩa cùng với việc nâng cấp, mở rộng Công viên Tết Mậu Thân khi có điều kiện để gắn với hoạt động tại Quảng trường Trung tâm tỉnh dần hình thành khu vui chơi phức hợp, đa dạng.

Ở Vùng kinh tế - đô thị phía Đông sẽ khởi đầu phát triển công nghiệp và thị trường bất động sản, thương mại để phát triển đô thị; từ đó phát triển du lịch biển Tân Thành gắn với các di tích văn hóa tại TX. Gò Công và cồn Ngang của huyện Tân Phú Đông, cùng với việc mở rộng đền thờ Trương Định trở thành trung tâm lễ hội của Vùng kinh tế - đô thị phía Đông.

Cuộc chạy đua về sản phẩm du lịch của các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã bắt đầu nhiều năm qua với mong muốn là giữ chân được khách du lịch. Bởi các tỉnh, thành trong vùng cũng muốn giải bài toán kinh tế mang lại từ du lịch. Cuộc đua này ngày càng quyết liệt hơn khi ngành Du lịch được các tỉnh, thành chú trọng.

A.P

.
.
.