Thủ tướng: Không nói nhiều thành tích mà đi thẳng vào yếu kém, bất cập
(ABO) Sáng 6-5, tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam.
Quang cảnh hội nghị. |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2016 - 2018, kinh tế Vùng KTTĐ phía Nam tiếp tục tăng trưởng khá, quy mô kinh tế vùng tiếp tục giữ tỷ trọng cao nhất trong 4 vùng KTTĐ của cả nước.
Theo đó, tổng GRDP của vùng đến năm 2018 đạt khoảng 2.517 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 45,42% GDP cả nước và chiếm 50,9% GRDP của 4 vùng KTTĐ. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm (giai đoạn 2016 - 2018) đạt khoảng 6,72%.
Bên cạnh đó, chuyển dịch trong nội bộ ngành kinh tế theo xu hướng tích cực, phát huy lợi thế so sánh và điều kiện thuận lợi của từng ngành để phát triển.
Theo đó, ngành công nghiệp - xây dựng tiếp tục là trụ cột tăng trưởng và phát triển kinh tế của vùng.
Ngoài ra, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tiếp tục tăng; công tác cải cách hành chính, tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công được chú trọng.
Công tác giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn đề xã hội tiếp tục được cải thiện và chú trọng…
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Vùng KTTĐ phía Nam là vùng duy nhất của cả nước hội tụ đủ các điều kiện và lợi thế cho phát triển công nghiệp, dịch vụ để có thể tăng trưởng nhanh, hiệu quả, bền vững.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, xem xét tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và năm 2020 nhằm tháo gỡ các ách tắc, khó khăn để hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng XII đã đề ra.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu tập trung vào một số vấn đề, trước hết phản ánh việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: “không nói nhiều thành tích mà đi thẳng vào yếu kém, bất cập, hạn chế mà chúng ta vướng phải hiện nay để khắc phục, để Trung ương, Chính phủ, các bộ, ngành nắm được, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của vùng, trước hết là tháo gỡ, thúc đẩy tăng trưởng năm nay và năm 2020”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị. |
Với vai trò là tỉnh thành viên trong Hội đồng Vùng KTTĐ phía Nam, Tiền Giang đã phối hợp chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng xây dựng và triển khai Nghị quyết về những nhiệm vụ trọng tâm Hội đồng vùng, nghiên cứu xây dựng các đề án cho Vùng KTTĐ phía Nam (6 đề án) và tổ chức triển khai thực hiện...
Bên cạnh đó, để thực hiện liên kết vùng, tăng cường hợp tác phát triển, Tiền Giang cũng đã ký kết Chương trình hợp tác với TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Long An...
Đồng thời, tỉnh đang triển khai một số đề án của tỉnh gắn liền với các đề án của Vùng KTTĐ phía Nam; đang nghiên cứu, xây dựng để thực hiện trách nhiệm của tỉnh trong liên kết Vùng KTTĐ phía Nam như: Xây dựng kịch bản tăng trưởng của tỉnh gắn với vùng, tiểu vùng theo định hướng Nghị quyết 120/NQ-CP; Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm giữa tỉnh Tiền Giang với TP. Hồ Chí Minh và Vùng KTTĐ phía Nam; Cơ chế và chính sách tạo vốn đầu tư hạ tầng giao thông kết nối Vùng KTTĐ phía Nam; Xây dựng chuỗi giá trị du lịch tại Tiền Giang gắn với định hướng liên kết ngành và liên kết vùng; “Giải pháp phát triển đô thị tỉnh Tiền Giang trong mối liên hệ vùng”...
Việc tích cực tham gia thực hiện liên kết vùng, hợp tác phát triển, trong 3 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào phát triển vùng.
Tăng trưởng GRDP của tỉnh bình quân 7,6%/năm, GRDP bình quân đầu người tăng từ 36,5 triệu đồng năm 2015 lên 46,9 triệu đồng năm 2018; kim ngạch xuất khẩu đạt 2,9 tỷ USD năm 2018; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 16,2%/năm, năm 2018 đạt 8.825 tỷ đồng, năm 2019 sẽ vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020 và phấn đấu năm 2021 tỉnh tự cân đối ngân sách.
Bên cạnh đó, đến nay tỉnh đã có 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020 có trên 100 xã và 1 huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới…
M. THÀNH