Thứ Sáu, 21/06/2019, 21:27 (GMT+7)
.

Chuyển đổi sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu

Thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để chuyển đổi sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế.

Đồng chí Lê Quốc Doanh khảo sát vùng trồng thanh long ở xã Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông).
Đồng chí Lê Quốc Doanh khảo sát vùng trồng thanh long ở xã Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông).

TÍCH CỰC CHUYỂN ĐỔI

Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn đối với vùng ĐBSCL nói chung và Tiền Giang nói riêng. Trong đó, ngành Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Để biến thách thức thành cơ hội, thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó tập trung vào khâu chuyển đổi sản xuất.

Thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa với diện tích 12.906 ha. Trong đó, chuyển sang trồng cây ăn trái là 9.850 ha, chuyển sang trồng màu chuyên canh và nuôi thủy sản là 3.056 ha. Ngoài ra, người dân còn luân canh màu trên nền đất lúa trung bình mỗi năm trên 10.000 ha.

Nhìn lại những năm gần đây, khu vực phía Đông của tỉnh có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh mẽ do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả, có nguy cơ thiếu nước sản xuất vào mùa khô đã được người dân chuyển sang trồng hoa màu, cây ăn trái.

Theo ghi nhận, khu vực cặp đê sông Tra (từ huyện Gò Công Tây đến TX. Gò Công), phong trào trồng thanh long trên nền đất lúa đang phát triển mạnh.

Anh Trần Văn Tiền (ngụ ấp Khương Thọ, xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây) cho biết, khu vực này thường xuyên thiếu nước sản xuất vào mùa khô. Do đó, nhiều hộ dân đã chuyển từ sản xuất lúa sang trồng thanh long. Hơn 2 năm qua, gia đình anh cũng đã chuyển 4.000 m2 đất lúa sang trồng thanh long. Theo anh Tiền, thu nhập từ trồng thanh long cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa.

Hay tại vùng ven biển Gò Công, cây thanh long cũng phát triển mạnh trên nền đất lúa với diện tích khoảng 140 ha.

Ông Võ Văn Ra, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh long Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông) cho biết, hiện HTX có 30 thành viên tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 30 ha.

Trước đây, khu vực này là đất mặn, chỉ trồng lúa được 2 vụ, sau này mới được 3 vụ, nhưng giá cả bấp bênh nên người dân mới chuyển sang trồng thanh long. Dù mới bám rễ chỉ vài năm nhưng thanh long thích nghi rất tốt với vùng đất này và cho hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh việc chuyển đổi cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang hoa màu, cây ăn trái, thời gian qua, nhiều người dân ở các huyện phía Đông của tỉnh đã chuyển đổi một số diện tích đất lúa sang trồng cỏ để chăn nuôi dê, bò, với diện tích hơn 330 ha.

Từ đó, đàn dê, bò ở các huyện phía Đông phát triển nhanh, cho hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Riêng ở vùng phía Tây của tỉnh cũng đã thực hiện việc chuyển đổi từ đất lúa sang cây ăn trái. Theo đó, phía Nam Quốc lộ 1 cơ bản đã chuyển sang trồng cây ăn trái đúng quy hoạch.

Riêng phía Bắc Quốc lộ 1 đã chuyển đổi gần 5.850 ha đất lúa sang cây ăn trái; trong đó có hơn 1.850 ha chuyển đổi theo đúng quy hoạch.

Song song với việc chuyển đổi sản xuất, tỉnh cũng đã triển khai công tác phòng, chống hạn, mặn, thi công nhiều dự án như: Cống Xoài Hột; nạo vét kinh 14; thay 4 cửa cống Xuân Hòa; nạo vét các kinh đầu mối, nội đồng; xử lý các điểm sạt lở và nâng cấp các tuyến đê biển, đê sông… nhằm đảm bảo cho vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, tỉnh đã ban hành chương trình, kế hoạch để thực hiện chung. Sau đợt hạn, mặn năm 2016, tỉnh đã xây dựng thực hiện đề án để chuyển đổi sản xuất, có những diện tích chuyển hẳn sang cây ăn trái và cây trồng khác, có những diện tích được khuyến cáo cắt vụ do ảnh hưởng của thời tiết. Qua thực hiện bước đầu và có điều chỉnh trong quá trình thực hiện trong những năm tiếp theo đã mang lại kết quả rất tích cực.

THÁO GỠ NHỮNG “ĐIỂM NGHẼN”

Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh vẫn tồn tại nhiều “điểm nghẽn”. Trước hết là liên kết tiêu thụ sản phẩm ở vùng chuyển đổi chưa thật sự bền vững.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp chưa có đầu ra ổn định nên dễ gặp tình trạng được mùa mất giá. Song song đó, hạ tầng vùng chuyển đổi dù được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa.

Cụ thể như việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng thanh long ở xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, đạt hiệu quả, nhưng người dân nơi đây lại phải đối mặt với “bài toán” đầu ra không ổn định, hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi chưa đảm bảo…

Một tồn tại nữa trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng chính là thiếu cơ sở chế biến nông sản sau thu hoạch làm cho sản phẩm không đa dạng, không đem lại giá trị gia tăng cao.

Dù đây không phải là vấn đề mới của ngành Nông nghiệp, nhưng “điểm nghẽn” này cần phải được tháo gỡ nhanh chóng.

Đồng chí Phạm Anh Tuấn cho biết, hiện nay, khâu chế biến nông sản sau thu hoạch rất hạn chế. Mặc dù ở tỉnh đã có những cơ sở chế biến nhưng ít và sản lượng không nhiều.

Chính vì vậy, những năm qua, tỉnh tập trung ưu đãi, thu hút đầu tư vào chế biến nông sản để nâng giá trị nông sản. Tuy nhiên, để thực hiện điều này, cần có sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương.

“Về tiêu thụ, trước nay, người nông dân cứ sản xuất rồi  bán cho ai là việc ít được tính đến. Do đó, cần phải thay đổi tư duy của người nông dân là trước khi sản xuất phải biết thị trường cần cái gì, bán ở đâu và bao nhiêu để tránh tình trạng được mùa mất giá. Đây cũng là điều mà tỉnh đang hướng đến” - đồng chí Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Song song đó, việc đầu tư hệ thống thủy lợi ở vùng chuyển đổi mang tính đồng bộ đang là vấn đề được các ngành chuyên môn tính toán.

Bởi lẽ, hiện việc chuyển đổi sản xuất ở một số khu vực, hệ thống thủy lợi chưa phù hợp nên gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, để việc chuyển đổi sản xuất mang tính bền vững, việc đầu tư hoàn thiện các dự án thủy lợi bảo vệ sản xuất cũng đang là một trong những vấn đề cấp thiết ở tỉnh.

Theo đó, một số dự án quan trọng như: Các tuyến đê huyện Tân Phú Đông; hoàn thiện Dự án Ngọt hóa Gò Công; dẫn nước ngọt từ các huyện phía Tây qua kinh Chợ Gạo; xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển… đang được tỉnh đề xuất các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ đầu tư.

Đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết 120 ở Tiền Giang, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, sản xuất cây ăn trái vẫn là thế mạnh của Tiền Giang. Do đó, trước mắt, tỉnh cần quản lý tốt khoảng 74.000 ha cây ăn trái hiện có về kỹ thuật, quy trình chăm sóc, nâng cao năng suất và chất lượng. Bởi tiêu chuẩn xuất khẩu trái cây ngày càng cao, ngay cả thị trường Trung Quốc cũng không còn dễ như trước.

Đồng thời, tiếp tục chuyển đổi cây trồng đối với những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu bằng việc xác định quy mô, chủng loại đáp ứng điều kiện tự nhiên và nhu cầu thị trường; đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản sau thu hoạch…

M. THÀNH

.
.
.