Thứ Năm, 20/06/2019, 15:48 (GMT+7)
.

Hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mê Công Việt Nam năm 2019

(ABO) Sáng 19-6, tại TP. Mỹ Tho, Ủy ban Sông Mê Công Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn thể lần thứ nhất năm 2019. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có Ủy viên Ủy ban sông Mê Công Việt Nam thuộc các Bộ, ngành và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Tây Nguyên.
 
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc hội nghị.
 
Phát biểu khai mạc, đồng chí Trần Hồng Hà khẳng định: Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ, nhận thức chung của toàn xã hội về các thách thức, tư duy phát triển bền vững ĐBSCL đã có nhiều chuyển biến rất lớn, tích cực về nhận thức. Song, mặt tiêu cực, tổn thương đối với ĐBSCL vẫn còn chưa được khắc phục. Chính vì vậy, cần khẳng định vị trí chức năng nhiệm vụ đối với Ủy ban sông Mê Công Việt Nam. Trong đó, các hoạt động liên quan như ngoại giao với các quốc gia thượng nguồn tham vấn về các vấn đề sử dụng nước hợp lý thông qua các tham vấn kỹ thuật thủy điện trên các dòng chính sông Mê Công; cập nhật liên quan đến các nguy cơ giải pháp toàn diện…
 
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng phát biểu tại Hội nghị.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng phát biểu tại hội nghị.
 
Phát biểu chào mừng Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cho biết: Là một trong các tỉnh nằm ở cuối nguồn sông Mê Công, Tiền Giang đã và đang phải đối mặt với nhiều tác động tiêu cực và thách thức do biến đổi khí hậu và sự gia tăng sử dụng nguồn nước của các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công. Đây thực sự là những thách thức đáng lo ngại nhất đối với tỉnh Tiền Giang nói riêng và đối với ĐBSCL nói chung. Những tác động này đã làm cho ĐBSCL của Việt Nam có thời điểm thiếu nước trầm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, sinh hoạt và đời sống người dân, gây thiệt hại kinh tế không hề nhỏ như đã từng xảy ra trước đây và nhất là vào năm 2016. 
 
 
 
Đồng chí cho biết thêm, với nhận thức sâu sắc “Nước là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá”, có vai trò to lớn đối với cuộc sống nhưng đang có nguy cơ cạn kiệt và suy thoái, tỉnh Tiền Giang đã xác định việc đảm bảo nguồn nước là điều kiện tiên quyết, quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững.
 
 
Các đại biểu phát biểu ý kiến.
Các đại biểu phát biểu ý kiến.
 
Do vậy, để góp phần bảo vệ đồng bằng, bảo vệ lưu vực, bảo vệ môi trường sinh thái và tài nguyên và quan trọng nhất là bảo vệ được nguồn tài nguyên nước, duy trì sinh kế bền vững cho người dân trong vùng, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch số 96 về việc thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ, trong đó: Đẩy mạnh Chương trình truyền thông về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng dẫn của Bộ TN&MT, xác định phải hoàn thiện công tác điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường; từng bước xây dựng các bản đồ nguy cơ ngập lụt, xâm nhập mặn theo kịch bản nước biển dâng của tỉnh Tiền Giang đến cấp xã, nhất là vùng ven biển để có các biện pháp thích ứng và ứng phó phù hợp…
 
Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Lê Đức Trung báo cáo tình hình hoạt động và Chương trình công tác của Ủy ban Sông Mê Công Việt Nam năm 2019.
Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Lê Đức Trung báo cáo tình hình hoạt động và Chương trình công tác của Ủy ban Sông Mê Công Việt Nam năm 2019.
 
Các đại biểu được đại diện lãnh đạo Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam báo cáo kết quả hoạt động và chương trình công tác năm 2019 của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam; Tham vấn cho dự án thủy điện Pắc Lay của Lào, dự kiến xây dựng trên dòng chính sông Mê Công; Báo cáo đánh giá đề xuất các giải pháp thực thi có hiệu quả Hiệp định Mê Công, phát huy vai trò của Việt Nam tại Ủy hội sông Mê Công quốc tế và tăng cường hợp tác trong quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên nước sông Mê Công và tình hình sử dụng nước và chuyển nước của Thái Lan.
 
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Trần Hồng Hà trao đổi với lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Tiền Giang.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Trần Hồng Hà trao đổi với lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Tiền Giang.
 
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương và các chuyên gia đã nêu những ý kiến khẳng định vai trò, vị trí của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam. Ngoài ra, các đại biểu đặt ra vấn đề trong chủ trương, định hướng giải quyết các vấn đề sông Mê Công Việt Nam cần phải có giải pháp toàn diện; cần tiếp tục kiện toàn, nâng cao vai trò của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam; phân công cơ quan nào có năng lực điều phối, tập hợp lực lượng có thể giải quyết những vấn đề đặt ra đối với liên vùng, giải quyết những đề án, dự án quy hoạch trong dài hạn, tham gia với Chính phủ trong hoạt động đối ngoại liên quan đến sử dụng nguồn nước sông Mê Công.
VĂN THẢO 
 
.
.
.