.
Phòng chống dịch tả heo châu Phi:

Những việc người nuôi heo cần làm trong thời điểm này

Cập nhật: 15:50, 10/06/2019 (GMT+7)

(ABO) Trước tình trạng dịch tả heo châu Phi có xu hướng lây lan và phát triển trên diện rộng ở tỉnh Tiền Giang, người chăn nuôi cần làm gì để bảo vệ đàn heo của mình trong thời điểm này?

Một  ổ dịch  hơn 500  con heo nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi  ở xã  Mỹ Đức Đông  (huyện  Cái Bè).
Một ổ dịch hơn 500 con heo nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi ở xã Mỹ Đức Đông (huyện Cái Bè).

1. Đối với con giống:

Về nguyên tắc, heo giống nhập phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, không xuất phát từ vùng dịch. Tại thời điểm này, cả nước có 54 tỉnh, thành đã xảy ra dịch tả heo châu Phi; trong tỉnh, diễn biến dịch ở các huyện phía Tây ngày càng phức tạp…

Như vậy, heo giống trong và ngoài tỉnh đều có nguy cơ nhiễm vi rút dịch tả heo châu Phi; đồng thời, không thể xác định được đàn heo bị nhiễm vi rút dịch tả heo châu Phi qua triệu chứng lâm sàng ở giai đoạn đầu (3 - 15 ngày).

Chính vì thế, người chăn nuôi cần thực hiện 2 phương án: Thứ nhất là không nhập đàn heo mới, thứ hai là tự sản xuất con giống tại cơ sở. Tuy nhiên, phương án tự sản xuất con giống cần quan tâm đến nguồn gốc tinh dịch của heo đực giống; bởi, nhiều tài liệu nghiên cứu trên thế giới và kết quả xét nghiệm tại Việt Nam cho biết, vi rút dịch tả heo châu Phi được phát hiện trong tinh dịch của heo mắc bệnh.

2. Đối với chuồng trại:

- Hộ chăn nuôi xây chuồng trại phải có tường, rào hoặc lưới che chắn; chỉ có duy nhất một con đường vào khu vực chăn nuôi. Trước trại, người nuôi cần trang bị một số vật dụng, dụng cụ sau:

+ Có hố sát trùng: Đảm bảo tất cả xe cộ, con người trước khi vào trại đều phải vào hố sát trùng. Chiều ngang của hố sát trùng phải đảm bảo đủ vòng quay của bánh xe.

+ Trang bị bảo hộ chống dịch, ủng, khẩu trang… cho người lạ đi vào trại. Chủ nuôi cần quan tâm người mua bán heo; bởi họ là người thường xuyên từ trại heo này đến trại heo khác để xem và bắt heo (kể cả những trại heo nhiễm vi rút dịch tả heo châu Phi).

- Định kỳ tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi:

+ Đối với hộ chăn nuôi trong xã có dịch tả heo châu Phi: Thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2 - 3 tuần tiếp theo.

+ Đối với hộ chăn nuôi không nằm trong xã có dịch tả heo châu Phi: Thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 - 2 lần/tuần liên tục trong 1 tháng.

- Tiêu độc khử trùng phải đảm bảo thực hiện theo 3 bước, 3 pha và 3 phun

+ 3 bước: Bước 1 là dọn sạch: Phát quang bụi rậm, khai thông cống rãnh, quét dọn và thu gom phân rác để đốt, chôn hoặc ủ nhiệt sinh học; bước 2 là làm sạch cơ sở, thiết bị và dụng cụ, sau khi dọn sạch được tẩy rửa bằng xà phòng, để khô, nhưng tốt nhất nên cho ánh nắng rọi vào trực tiếp; bước 3 là tiến hành khử trùng bằng thuốc sát trùng và việc này chỉ đạt hiệu quả cao khi đã được dọn sạch, làm sạch.
+ 3 pha: Pha đúng nồng độ theo khuyến cáo nhà sản xuất, pha với nước sạch và trong (không có tạp chất), pha từ ít tới nhiều.

+ 3 phun: Phun từ khu vực sạch đến khu vực dơ, phun từ trên cao xuống thấp, phun cùng chiều với hướng gió.

3. Đối với nguồn thức ăn, nguồn nước sử dụng trong chăn nuôi:

- Thức ăn chăn nuôi phải còn hạn dùng và được bảo quản tốt.

- Nguồn nước sử dụng trong chăn nuôi: Chỉ sử dụng nguồn nước máy, nước giếng và tuyệt đối không sử dụng nguồn nước mặt (sông, ao, kinh, rạch…) khi chưa xử lý thuốc sát trùng. Bởi thời điểm này, chúng ta không thể xác định được nguồn nước nào có nhiễm vi rút dịch tả heo châu Phi; trong khi đó, vi rút dịch tả heo châu Phi có sức đề kháng cao với điều kiện môi trường và có thể tồn tại trong phân, chuồng heo từ 11 - 30 ngày.

4. Chăm sóc, nuôi dưỡng và khai báo dịch:

- Để tăng sức đề kháng cho đàn heo và hạn chế những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, chủ nuôi cần quan tâm bổ sung vitamin, vi khoáng trong khẩu phần ăn cho heo, đặc biệt là tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin bắt buộc cho đàn heo như: Vắc xin lở mồm long móng, vắc xin dịch tả heo cổ điển, vắc xin tai xanh, vắc xin tụ huyết trùng…

- Khi phát hiện đàn heo có dấu hiệu bất thường (sốt, chết), người nuôi cần phải báo ngay cho cơ quan chuyên ngành thú y cấp huyện, cấp tỉnh hoặc điện thoại đường dây nóng: 3888111 nhằm định hướng bệnh dịch tả heo châu Phi qua test nhanh để tư vấn, hỗ trợ; bởi:

+ Bệnh lây lan chậm: Thực tế các ổ dịch tại Việt Nam cho thấy, sau khi bệnh xảy ra 1 tuần, mới phát hiện 1 con heo bệnh; tuần 2 phát hiện 2 con bệnh, tuần 3 phát hiện 3 - 4 con bệnh… Điều này cho thấy, nếu phát hiện trễ (cuối tuần 2 và đầu tuần 3) cũng đồng nghĩa là toàn đàn nhiễm vi rút dịch tả heo châu Phi, cuối cùng buộc phải tiêu hủy toàn đàn và sẽ rất khó khôi phục lại chăn nuôi heo sau này; bởi sự tồn tại dai dẳng của vi rút dịch tả heo châu Phi trong môi trường. Chính vì thế, khai báo sớm là một trong những giải pháp hiệu quả trong ứng phó nhanh với bệnh dịch tả heo châu Phi.

+ Tỷ lệ chết cao: Các ổ dịch tại Việt Nam cho thấy, các đàn heo khai báo và can thiệp chậm trễ đều chết 100%. Chính vì thế, khai báo sớm là một trong những giải pháp hiệu quả làm giảm thiệt hại cho người chăn nuôi đối với bệnh dịch tả heo châu Phi.

+ Vi rút dịch tả heo châu Phi tồn tại lâu trong môi trường: Vi rút dịch tả heo châu Phi có thể tồn tại trong phân, chuồng heo từ 11 - 30 ngày, thịt muối 182 ngày, thịt khô 300 ngày, thịt đông lạnh 1.000 ngày… tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút tồn tại, phát tán, lây lan dịch bệnh trên diện rộng. Chính vì thế, thực hiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh là một trong những giải pháp hiệu quả nhất trong phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi.

Tiến sĩ THÁI QUỐC HIẾU

.
.
.