Thứ Ba, 18/06/2019, 22:03 (GMT+7)
.

Sẽ có thêm ít nhất 880 triệu USD cho ĐBSCL

Chiều ngày 18-6, tại TP Hồ Chí Minh, tại Hội nghị đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam thay mặt nhóm công tác ĐBSCL nói về các kế hoạch của đối tác phát triển đối với vùng đồng bằng này.

Các đại biểu dự Hội nghị - Ảnh: VGP
Các đại biểu dự Hội nghị - Ảnh: VGP

“Từ năm 2015 tới nay, chúng tôi đã huy động khoảng 1,6 tỷ USD cho các hoạt động tại ĐBSCL, phần lớn đều gắn với Nghị quyết số 120”, ông Ousmane Dione nói. “Trong quan hệ đối tác với chính quyền các cấp, chúng tôi đã sử dụng khoản tài chính này cho các chương trình thí điểm sáng tạo và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng cho người dân ở nông thôn và thành phố tại các tỉnh và trên toàn vùng. Chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan cấp tỉnh và Trung ương, cũng như các đối tác trong và ngoài nước khác để đưa ra những quan điểm mới, bằng chứng mới, kiến thức mới, kinh nghiệm và chuyên môn phù hợp với ĐBSCL”.

“Trong thời gian tới, chúng tôi đặt mục tiêu huy động thêm ít nhất 880 triệu USD để triển khai Nghị quyết số 120”, ông nói. Những nguồn lực này sẽ hỗ trợ các cấp chính quyền ở Trung ương và địa phương, cũng như các bên liên quan khác, nắm bắt các cơ hội từ biến đổi khí hậu, thay đổi nhân khẩu học, các thị trường mới nổi, tiến bộ công nghệ và địa chính trị khu vực. Sử dụng hiệu quả nguồn lực này vào việc thực hiện các quyết định và hành động trong tương lai, cần thể chế mạnh, triển khai hiệu quả, thông tin đầy đủ, đỗi mới và sự tham gia của tất cả các bên liên quan.

Cần có thể chế mạnh

Giám đốc quốc gia WB cho rằng, ĐBSCL chỉ có thể hưởng lợi khi có một thể chế mạnh, giúp phối hợp theo cả chiều dọc và ngang một cách có hiệu lực và hiệu quả. Một tổ chức điều phối vùng mạnh có thể tập hợp các lợi ích khác nhau để xác định định hướng phát triển chung cho ĐBSCL, xác định các ưu tiên đầu tư, giao trách nhiệm và chia sẻ lợi ích. Sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa 13 tỉnh ĐBSCL và thành phố Cần Thơ cũng giúp tăng cường quy hoạch tích hợp, thực thi ngân sách hiệu quả, huy động tài chính, vận động thay đổi chính sách, nâng cao khả năng cạnh tranh và thúc đẩy vị thế xuyên biên giới của Việt Nam.

Chỉ có thể xây dựng được Quy hoạch vùng hiệu quả khi có sự tham gia tích cực của tất cả các bộ, ngành, các tỉnh và các bên liên quan và có cơ sở bằng chứng, phân tích cụ thể. Không được lặp lại những quy hoạch thiếu nhất quán và chồng chéo, dẫn đến đầu tư không hiệu quả như trước đây. “Với tư cách là các đối tác phát triển, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ để bảo đảm Quy hoạch vùng tích hợp mang tính toàn diện và sáng tạo, thu hút sự tham gia của cả các bên liên quan, đưa vào những dữ liệu và mô hình mới nhất và cung cấp thông tin cho các quy hoạch của tỉnh”, ông Ousmane Dione nói. Thể chế, tổ chức thực hiện, thông tin, đổi mới và sự tham gia mạnh mẽ của các bên liên quan là những thành phần không thể thiếu cho sự phát triển trong tương lai của ĐBSCL.

Các biện pháp can thiệp có sự phối hợp cũng rất cần để khôi phục trầm tích ở ĐBSCL và giảm tốc độ sụt lún đất, hiện đang diễn ra với tỷ lệ với tỷ lệ khoảng từ 2-5 cm mỗi năm và giải quyết vấn đề xói lở bờ sông, bờ biển. Để làm được điều này cần áp dụng những biện pháp, công nghệ sáng tạo để quản lý và giám sát tốt hơn hoạt động khai thác nước ngầm, bao gồm giá nước và ngăn chặn khai thác cát trái phép.

“Để đẩy nhanh việc đưa Nghị quyết 120 từ chính sách thành thực tiễn, đã đến lúc kết thúc việc hoạt động như cũ và xây dựng thể chế mạnh mẽ, hỗ trợ thực hiện hiệu quả, thúc đẩy đổi mới, sử dụng thông tin hiện có và huy động sự tham gia của các bên liên quan”, ông Ousmane Dione nói.

Dựa trên kinh nghiệm của Australia trong quản lý lưu vực sông Murray Darling, nơi giống ĐBSCL, Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông Craig Chittick nhấn mạnh tầm quan trọng của một cơ chế điều phối vùng mạnh. “Chính phủ Australia vô cùng quan tâm đến ĐBSCL không chỉ bởi chúng tôi là một người bạn thân thiết với Việt Nam mà còn vì ĐBSCL là nơi đặc biệt quan trọng trong khu vực cũng như với thế giới”, ông nói.

Theo Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen, thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL cần phải có những đầu tư lớn. Ngân sách hạn hẹn của Chính phủ nên được sử dụng một cách chiến lược để thúc đẩy, tạo động lực và giảm rủi ro cho đầu tư từ khu vực tư nhân. Nghiên cứu gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNDP và GIZ cho thấy có thể huy động khoảng 32 tỷ USD từ khu vực tư nhân đến năm 2025, tập trung vào 4 lĩnh vực: Năng lượng tái tạo, nông nghiệp và thủy sản, chế biến thức ăn và cơ sở hạ tầng. ĐBSCL sở hữu tiềm năng lớn cho năng lượng tái tạo. Nghiên cứu cũng chỉ ra tổng sản lượng điện 13.600 MW có thể được triển khai vào năm 2025, tăng gần gấp đôi so với mục tiêu quốc gia (7.800 MW) được nêu trong tổng sơ đồ điện 7 sửa đổi.

Điều phối viên Chương trình đồng bằng, Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan Robbert Moree dẫn câu nói: “Chỉ khi chúng ta có thể thích nghi với sự thay đổi, chúng ta mới có thể tồn tại” và cho rằng, kinh nghiệm của Hà Lan là cần sự tham gia và hành động của chính quyền các cấp từ địa phương, khu vực đến quốc gia, từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, từ người dân, các tổ chức tài chính, tổ chức phi chính phủ về môi trường, biến đổi khí hậu. “Hà Lan cùng với các đối tác phát triển khác sẵn sàng cùng đồng hành với Chính phủ Việt Nam trên con đường phát triển này”.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.