Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc :
Yêu cầu xác minh việc Asanzo nhập hàng Trung Quốc dán mác Việt Nam
Bộ Công an và các bộ ngành liên quan được yêu cầu vào cuộc làm rõ các nghi vấn liên quan đến Công ty Asanzo.
Ngày 24/6, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan vào cuộc làm rõ các nghi vấn Công ty cổ phần Điện tử Asanzo bán hàng Trung Quốc nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính – Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam.
"Các Bộ, ngành cần làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật", Thủ tướng yêu cầu.
Bộ Tài chính và Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng như hải quan, quản lý thị trường... rà soát lại việc thực hiện quản lý nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính, Bộ Công Thương được yêu cầu khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 30/7.
Trước đó, theo điều tra của báo Tuổi Trẻ TP HCM, Công ty cổ phần điện tử Asanzo đã nhập hàng loạt thiết bị điện tử xuất xứ Trung Quốc như nồi cơm điện, lò nướng, tivi, máy lạnh, loa... về bóc tem "made in China" và dán nhãn Việt Nam để bán ra thị trường.
Trả lời báo chí chiều 23/6, ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Asanzo khẳng định không có chuyện bóc tem Trung Quốc rồi dán tem Việt Nam lên.
Ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Asanzo. Ảnh: Trung Sơn. |
"Cái gọi là bằng chứng nói chúng tôi bóc tem "Made in China" trên sản phẩm, thực chất chỉ là tem dán trên linh kiện, cụ thể là cái nắp đằng sau tivi. Việc này chúng tôi chưa thể đánh giá là thật hay hư, có thể là sơ suất của công nhân, hoặc sao đó, tôi phải tìm hiểu kỹ lại. Nhưng bảo chúng tôi dán nhãn "xuất xứ Việt Nam" vào linh kiện đó là không có. Chúng tôi chỉ dán tem này sau khi sản phẩm hoàn thiện và việc này là đúng chứ không sai quy định của pháp luật", ông Tam giải thích.
Điều tra của báo Tuổi trẻ TP HCM cũng cho thấy, Asanzo không sản xuất một mẩu linh kiện nào mà nhập toàn bộ từ Trung Quốc. Còn theo ông Phạm Văn Tam, Asanzo gom tất cả linh kiện của những nhà cung cấp để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Trong đó có những linh kiện nhập từ nước ngoài và cũng có những nhà cung cấp phụ trợ khác như phần nhựa, giấy, bao bì, loa, dây nguồn...
"Tivi Asanzo có 3 linh kiện được nhập từ Trung Quốc gồm: bo mạch, tấm panel và tấm kính (màn hình) chiếm khoảng 70% trên toàn sản phẩm. Còn tất cả chi tiết khác như là vỏ nhựa, remote điều khiển... do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất", ông Tam nói.
Về việc Asanzo quảng cáo "đỉnh cao công nghệ Nhật Bản", người đứng đầu tập đoàn này khẳng định không sản xuất tivi dựa theo dây chuyền của Nhật Bản, mà là lắp ráp theo quy trình của công ty Nhật Bản. "Không phải linh kiện đó phải từ Nhật Bản mới gọi là công nghệ Nhật Bản. Công nghệ ở đây là công nghệ kiểm soát, kiểm định những tác hại cho người tiêu dùng", ông Tam phân tích.
Chiều 21/6, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết đã tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao đối với doanh nghiệp Asanzo ngay sau thông tin về hàng điện tử gia dụng thuộc doanh nghiệp này.
Ngay sau thông tin này, một số siêu thị điện máy như Nguyễn Kim, Điện máy xanh... và trên kênh bán hàng online đã ngừng bán toàn bộ sản phẩm điện máy từ Asanzo. Tuy nhiên, ở một số cửa hàng bán lẻ, sản phẩm thương hiệu Asanzo vẫn được bày bán trên kệ bình thường trong thời gian chờ kết luận của cơ quan chức năng.
(Theo VnExpress.vn)
.