.

Dịch tả heo châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp

Cập nhật: 17:58, 03/07/2019 (GMT+7)
(ABO) Ngày 3-7, tại huyện Cai Lậy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo về công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh.
 
Theo báo cáo, đến 16 giờ 30 phút ngày 2-7-2019, tỉnh Tiền Giang đã ghi nhận heo mắc bệnh dịch tả châu Phi tại 336 hộ, với gần 15.800 con của 47 xã ở 4 huyện, thị: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy. Trong đó, 141 trường hợp dương tính với dịch tả heo châu Phi, 132 trường hợp test nhanh dương tính trong ấp có dịch không xét nghiệm dịch tả heo châu Phi và 63 trường hợp heo mắc bệnh trong ấp có dịch tả heo châu Phi (không test nhanh).
 
Ngành chức năng đã tiêu hủy 11.460 con heo của 287 hộ có heo mắc bệnh dịch tả châu Phi, với khối lượng trên 789,7 tấn. Ngoài ra, Trại heo 30-4 của Công ty Chăn nuôi Tiền Giang cũng đã xảy ra dịch tả heo châu Phi và buộc phải tiêu hủy trên 1.270 con, với trên 145,9 tấn. 
Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Nguyễn Văn Tú phát biểu về lý do huyện Cái Bè để dịch tả heo châu Phi lây lan nhanh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Nguyễn Văn Tú phát biểu về lý do huyện Cái Bè để dịch tả heo châu Phi lây lan nhanh.
Hộ chăn nuôi có heo bệnh dịch tả châu Phi có quy mô cao nhất 683 con ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè; số hộ chăn nuôi có quy mô từ 200 con heo trở lên có heo nhiễm bệnh dịch tả châu Phi buộc phải tiêu hủy chiếm tỷ lệ 4,26%/tổng số hộ có heo bệnh và chiếm 31,32%/tổng đàn heo tiêu hủy.
Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải biểu tại cuộc họp.
Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại cuộc họp.
Ngành chuyên môn cho biết, tình hình dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn diễn biến phức tạp; bởi hoạt động vận chuyển, giết mổ, mua bán heo và sản phẩm từ heo tạo ra nhiều đường lây nhiễm vi rút dịch tả heo châu Phi, đặc biệt là tiểu thương mua bán heo. Ngoài ra, việc sử dụng nguồn nước mặt để tắm heo, chưa quản lý tốt các điểm tắm heo dọc theo các tuyến đường, chưa xử lý triệt để các ổ dịch… cũng là những yếu tố nguy cơ cao.
 
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh: “Cả hệ thống chính trị đều đã vào cuộc để phòng, chống dịch tả heo châu Phi. Tất cả các giải pháp đều được áp dụng cho công tác phòng, chống nhưng dịch vẫn xảy ra. Đến thời điểm này, Tiền Giang đã bảo vệ thành công khu vực phía Đông, nơi có đàn heo lớn nhất tỉnh. Tuy nhiên, khu vực phía Tây thì chưa khống chế được dịch, dịch vẫn lây lan nhanh”. 
Đồng chí Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Đồng chí Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo cuộc họp.
Đồng chí Phạm Anh Tuấn yêu cầu ngành chức năng phải tiếp tục tuyên truyền về tác hại của dịch tả heo châu Phi. Những địa bàn nào chưa có dịch, ngành chức năng càng phải đẩy mạnh tuyên truyền cho người chăn nuôi biết về cách thức phòng, chống dịch tả heo châu Phi.
 
Tăng cường tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, tăng cường kiểm soát việc vận chuyển và mua bán heo, sản phẩm từ heo. Các huyện, thị phía Đông chưa xảy ra dịch, lãnh đạo các địa phương phải chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra kiểm soát việc vận chuyển, mua bán heo và sản phẩm thịt heo trên bờ cũng như trên các tuyến sông.
 
Ngoài ra, các huyện, thị phải ứng kinh phí để chi trả cho người lao động trong việc tiêu hủy heo. Riêng việc hỗ trợ tiền cho hộ chăn nuôi có heo bị nhiễm bệnh, tiêu hủy, nếu địa phương nào chậm thì sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đó…
SĨ NGUYÊN
.
.
.