Vững chân trên sân nhà
Sự kiện BigC đơn phương tạm ngưng đặt hàng may mặc của doanh nghiệp (DN) Việt là một trong những sự việc cho thấy, đã có hệ thống phân phối ngoại không tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt vào siêu thị.
Người tiêu dùng mua hàng tại hệ thống siêu thị Co.opmart |
Thị trường bán lẻ hiện đại Việt: Rất hấp dẫn
Phân tích tiềm năng bán lẻ ở nước ta, rất nhiều DN bán lẻ hàng đầu thế giới khẳng định, với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam là thị trường bán lẻ rất tiềm năng. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ hàng hóa đã đạt 11,9%. Năm 2018, ngành này cũng ở mức tăng trưởng 2 con số và đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục duy trì ít nhất đến năm 2030.
Nghiên cứu xu hướng bán lẻ tại thị trường Việt Nam của Neilsen cũng cho thấy, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh nên mức độ tập trung dân tại khu vực tỉnh, thành phố cao. Kèm theo đó, xu hướng ăn uống chi tiêu bên ngoài gia đình tại nước ta đang trên đà tăng trưởng. Cộng với nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, ý thức cảnh giác với hàng gian hàng giả, hàng kém chất lượng trong người dân càng cao, rất thuận lợi để phát triển kênh phân phối hiện đại. Trong khi đó, kênh bán lẻ hiện đại chỉ mới chiếm 30% thị trường ngành bán lẻ, 70% vẫn thuộc về kênh truyền thống. Đây chính là dư địa để phát triển mạnh kênh bán hàng hiện đại tại Việt Nam.
Trên thực tế, từ năm 2003, đặc biệt là từ năm 2015, Việt Nam đã chứng kiến sự đổ bộ của hàng loạt tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới. Đơn cử, năm 2008, Tập đoàn Lotte đã cho ra đời siêu thị Lotte đầu tiên tại quận 10 (TPHCM) và theo chiến lược đầu tư tại Việt Nam của tập đoàn này, đến năm 2020, sẽ thành lập và đưa vào hoạt động 60 siêu thị Lotte. Tương tự, tập đoàn bán lẻ lớn nhất của Nhật Bản là Aeonmall đặt chân vào thị trường Việt Nam năm 2009, đến năm 2014, DN này chính thức đưa vào hoạt động siêu thị Aeonmall đầu tiên tại quận Tân Phú (TPHCM). Đại diện tập đoàn này cũng khẳng định sẽ nâng tổng số siêu thị Aeonmall lên con số 20 vào năm 2020.
Cùng với các đại gia bán lẻ trên, trước đó đã có các tập đoàn bán lẻ lớn hiện diện với các siêu thị như Metro & Cash, BigC. Sau còn có thêm các thương hiệu bán lẻ khác với mô hình kinh doanh đa dạng hơn như Auchan, Familymart, B’smart, Seven Eleven… Về thương mại điện tử còn có Tiki, Alibaba, Amazon… Ngoài ra, các DN cũng không giấu tham vọng mở rộng hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, chiến lược truyền thông (đối với thương mại điện tử) tại thị trường Việt Nam. Thậm chí, Tập đoàn Seven Eleven còn đặt tham vọng tăng số lượng cửa hàng tiện lợi lên 1.000 vào năm 2020.
Ủng hộ cho hệ thống bán lẻ nội
Sự hiện diện nhanh và dày đặc của các DN bán lẻ lớn trên thế giới đã gia tăng sức ép cạnh tranh lên các DN bán lẻ nội địa. Mặt khác, cũng tạo động lực thúc đẩy phát triển mạnh hơn cho các hệ thống bán lẻ nội. Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Thường trực Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết chỉ tính riêng Saigon Co.op, trong những năm gần đây đã tăng mạnh số điểm bán hàng; đến nay đạt hơn 750 điểm bán. Nối tiếp sau đó là Vinmart, Satra, Vissan, Bách hóa Xanh… cũng đang không ngừng gia tăng số lượng cửa hàng, siêu thị.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Đức, gần đây nhất, đơn vị này đã chính thức tiếp nhận chuyển giao hệ thống siêu thị Auchan thuộc Tập đoàn Auchan của Pháp. Hiện Saigon Co.op đang lên kế hoạch tiến hành sửa chữa các siêu thị này và sớm đưa vào hoạt động dưới các thương hiệu của Saigon Co.op như Co.opmart, Finelife, Co.opXtra. Đây cũng là lần đầu tiên thị trường Việt Nam chứng kiến thương vụ M&A mà DN nội lại là đơn vị nhận chuyển nhượng lại toàn bộ hệ thống siêu thị của DN châu Âu - vốn mạnh hơn về năng lực quản lý, vốn, kinh nghiệm phát triển thị trường… Trước đó, Saigon Co.op cũng đã từng tham gia vào thương vụ mua lại hệ thống siêu thị BigC, nhưng do thủ tục hành chính khó khăn nên đã bỏ lỡ thương vụ này.
Đại diện Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, DN Việt nói chung vốn có lợi thế thông thuộc tập quán, thói quen tiêu dùng, sử dụng hàng hóa của người tiêu dùng trong nước. Do vậy, việc tiếp nhận nguồn hàng, chế biến sản phẩm, bố trí hệ thống quầy kệ, xây dựng chính sách khuyến mãi, giá cả phù hợp hơn với người tiêu dùng. Ngoài ra, một số DN bán lẻ nội đang triển khai thêm phương thức kinh doanh mới, mang đến sự trải nghiệm tiện dụng hơn cho người tiêu dùng. Đơn cử là Saigon Co.op, từ giữa năm 2018, nhà bán lẻ này cũng đã triển khai ứng dụng mua sắm từ xa Scan & Go và hiện đang thí điểm tại 13 điểm bán tại TPHCM. Hay như Vinmart cho ra siêu thị ảo VinMart (Virtual Store)…
Theo nhìn nhận chung của các chuyên gia kinh tế, trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của thị trường tiêu dùng cũng như ngành bán lẻ Việt Nam. Vấn đề còn lại, các cơ quan chức năng cần thiết phải có chính sách hỗ trợ hợp lý hơn cho DN bán lẻ Việt. Có như vậy mới tạo nền tảng vững chắc cho thương hiệu Việt được lan tỏa rộng và phát triển mạnh ngay trên chính sân nhà của mình. Đây cũng là giải pháp hiệu quả nhất để không cho phép hệ thống phân phối ngoại được hành xử tùy tiện, vô lối, gây thiệt hại kinh tế cho DN Việt cũng như niềm tin của người tiêu dùng.
(Theo sggp.org.vn)
.