Thứ Ba, 09/07/2019, 20:33 (GMT+7)
.

Xuất khẩu cá tra: Vì sao giảm giá vẫn… khó tiêu thụ?

Thị trường xuất khẩu cá tra gần đây gặp khó khăn, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và thị trường Mỹ giảm liên tục từ đầu năm 2019 đến nay.
 
Liên tục giảm giá
 
Thông tin từ Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho hay, sau 2 năm (2017 và 2018) giá cá tra duy trì ở mức cao, trong đó năm 2018 có thời điểm cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL “sốt”, giá cá lên đến 35.000 - 37.000 đồng/kg và người nuôi thắng đậm.
 
Tuy nhiên năm 2019, nhiều nơi tăng diện tích làm sản lượng cá tra tăng cao. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu gần đây gặp khó khăn, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và thị trường Mỹ giảm liên tục từ đầu năm 2019 đến nay.
 
Tại miền Tây, 6 tháng qua, giá cá tra nguyên liệu liên tục giảm mạnh, hiện ở mức 18.000 – 19.000 đồng mỗi kg, thấp hơn 14.000 – 18.000 đồng so với năm 2018.
 
Tại An Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ giá cá tra sụt giảm nhiều ngày qua và đang tiếp tục giảm.
 
Hiện tại, các nhà máy thu mua cá tra chỉ còn khoảng 19.000- 20.000 đồng/kg, thấp nhất trong khoảng 10 năm qua. Với giá này người nuôi thua lỗ từ 3.000 - 5.000 đồng/kg.
 
Đâu là nguyên nhân?
 
Theo ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, giá cá nguyên liệu hiện đã thấp hơn chi phí sản xuất 5.000 – 6.000 đồng mỗi kg nhưng người nuôi vẫn rất khó bán vì doanh nghiệp cắt giảm thu mua.
 
Lý giải nguyên nhân vì sao giá cá tra giảm mạnh như vẫn khó bán, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cho rằng, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn trong khi diện tích nuôi tăng mạnh, khiến dư thừa sản lượng.
 
Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ cũng gây ảnh hưởng, rào cản kỹ thuật ở một số nước gây khó cho cá tra… Do việc xuất khẩu ra thế giới khó khăn, còn trong nước nguồn nguyên liệu tăng đã dẫn đến giá cá rớt thê thảm.
 
Theo ông Quốc, giải pháp cấp bách lúc này là các địa phương nhanh chóng thống kê diện tích nuôi tăng bao nhiêu, sản lượng cá, nhất là cá tới lứa và quá lứa thu hoạch để có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ. Các bộ ngành chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp… đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ.
 
Cùng với đó, phải tìm cách khôi phục lại 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ càng sớm càng tốt. Mặt khác, nghiên cứu chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường mua cá trong dân nhằm hạn chế tình trạng cá quá lứa, giảm thiểu thiệt hại…
 
Người đứng đầu Hiệp hội cá tra Việt Nam cũng đề nghị các địa phương rà soát, thống kê lại chính xác hơn diện tích thả nuôi, sản lượng cá tăng bao nhiêu; nhất là cá tới lứa và quá lứa chưa thu hoạch để có các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ. Các bộ ngành cần tăng cường xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn cho ngành nuôi cá tra phát triển bền vững hơn.
 
Tín hiệu tích cực
 
Ở góc độ doanh nghiệp, chủ một doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu lớn ở Cần Thơ cho biết, thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Trung Quốc đều gặp khó khăn nên phải giảm tiêu thụ nguyên liệu đầu vào trong khi sản lượng cá đến lứa thu hoạch tăng mạnh nên ùn ứ nhiều hơn. Tuy nhiên, khả năng vài tháng tới, các doanh nghiệp tiêu thụ nhiều hơn, giá nhích lên vì nhu cầu của thị trường thế giới sẽ tăng lên, phục vụ dịp cuối năm.
 
Theo đó, việc Hiệp hội thủy sản Việt Nam (VASEP) thông báo Trung Quốc sẽ miễn thuế cho các sản phẩm cá tra Việt Nam xuất vào nước này sẽ có ảnh hưởng tích cực đến việc xuất khẩu cá tra từ Việt Nam sang Trung Quốc do giá cá tra sẽ trở nên cạnh tranh hơn so với các loại cá khác ở thị trường này.
 
Còn tại EU, hình ảnh của cá tra Việt Nam tại thị trường này đã dần được cải thiện sau đợt khủng hoảng. Việc giá bán cá tra giảm đã giúp kích thích nhu cầu tiêu dùng trở lại. Theo VASEP, lượng sản phẩm cá tra nhập khẩu vào thị trường này sẽ vẫn tăng trưởng tốt nhờ vào mức giá cạnh tranh bởi một số nguyên nhân.
 
Thứ nhất, các nhà nhập khẩu tại Mỹ đã nhập lượng hàng lớn sản phẩm cá tra vào cuối năm 2018 ở mức giá cao nên cần thời gian để bán hàng trong kho.
 
Thứ hai, việc giá cá tra liên tục giảm dẫn đến tâm lý chờ đợi của các nhà nhập khẩu và hạn chế nhập hàng tại thời điểm này.
 
Thứ ba, các bên đều chờ đợi kết quả mức thuế chống bán phá giá cuối cùng từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC). Tuy nhiên, các đơn vị xuất khẩu cá tra như Nam Việt đánh giá, thị trường này sẽ khôi phục trong một vài tháng tới khi hàng tồn kho giảm dần và thị trường trở về quỹ đạo bình thường sau khi POR14 được công bố.
 
(Theo enternews.vn)
 
.
.
.