Chủ Nhật, 11/08/2019, 14:49 (GMT+7)
.

Ngân hàng ăn nên làm ra

Báo cáo tài chính mà các ngân hàng thương mại vừa lần lượt công bố cho thấy, không chỉ các ngân hàng lớn đạt lợi nhuận ngàn tỷ mà các ngân hàng vừa và nhỏ cũng có doanh thu rất khả quan trong nửa đầu năm 2019. 
 
a
Tăng thu dịch vụ góp phần tăng doanh thu cho các ngân hàng thương mại. Ảnh: HUY ANH
Lợi nhuận khủng
 
Thống kê từ các công ty chứng khoán cho thấy, tốp 10 ngân hàng thương mại cổ phần có lợi nhuận cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2019 đã lộ diện với doanh thu ngàn tỷ đồng. Theo đó, tổng lợi nhuận trước thuế của 10 ngân hàng này đạt ở mức khủng: hơn 45.500 tỷ đồng, tăng hơn 6.500 tỷ đồng (gần 17%) so với cùng kỳ.
 
Trong đó, dẫn đầu là Vietcombank với lợi nhuận hơn 11.300 tỷ đồng - bỏ xa các ngân hàng phía sau. Kế đến là Techcombank với lợi nhuận đạt gần 5.700 tỷ đồng. Tiếp theo là VietinBank - gần 5.400 tỷ đồng. Danh sách kế tiếp là MBBank với gần 4.900 tỷ đồng. Còn BIDV và VPBank mặc dù lợi nhuận giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn nằm trong tốp ngân hàng có lợi nhuận cao, khi lần lượt đạt hơn 4.700 tỷ đồng và gần 4.400 tỷ đồng. ACB đạt gần 3.700 tỷ đồng, HDBank hơn 2.200 tỷ đồng, VIB là hơn 1.800 tỷ đồng, Sacombank gần 1.460 tỷ đồng (tăng 46% so với cùng kỳ).
 
Không chỉ các ngân hàng lớn, nhiều ngân hàng vừa và nhỏ cũng đạt lợi nhuận khả quan trong nửa đầu năm 2019. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2019 của: Nam A Bank đạt 442 tỷ đồng, tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm 2018; VietBank đạt 250 tỷ đồng, tăng 24%; Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đạt  93 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn có một số ngân hàng có lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
 
Cụ thể, lãi trước thuế 6 tháng đầu năm của Saigonbank giảm 21% so với cùng kỳ năm 2018; PGBank chỉ đạt 94 tỷ đồng, giảm 5%. Còn trong quý 2-2019, Kienlongbank báo lãi trước thuế chỉ đạt 74 tỷ đồng, thấp hơn mức 78 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm 2018; Bac A Bank cũng có lợi nhuận giảm 15%, chỉ đạt 191 tỷ đồng. 
 
Tăng nguồn thu từ dịch vụ 
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các ngân hàng ăn nên làm ra trong 6 tháng đầu năm 2019. Bên cạnh thu nhập từ tăng trưởng tín dụng, doanh thu từ dịch vụ đã góp phần không ít vào lợi nhuận của các ngân hàng, đặc biệt là hoạt động thẻ và mảng bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance). Nhìn vào báo cáo của ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trong nhóm ngân hàng thương mại cho thấy, thu nhập phí của Techcombank tăng 19%, phần lớn nhờ vào mức tăng trưởng mạnh từ lĩnh vực bancassurance và tư vấn trái phiếu.
Xu hướng đẩy mạnh tăng thu từ dịch vụ của các ngân hàng cũng được các chuyên gia trong ngành đánh giá là chiến lược tốt trong bối cảnh nguồn vốn liên ngân hàng giá rẻ cũng không còn dồi dào (do một số biện pháp thắt chặt tiền tệ gần đây), lạm phát cũng đang có xu hướng tăng và lãi suất trái phiếu Chính phủ khó giảm sâu. Tăng thu từ dịch vụ giúp các ngân hàng hạn chế rủi ro trong hoạt động cho vay và cũng phù hợp với chủ trương tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo hướng giảm nguồn thu từ tín dụng.

Ngoài ra, chi phí dự phòng giảm 77%, đồng thời tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập duy trì ở mức 35%, góp phần đem lại lợi nhuận kỷ lục 6 tháng đầu năm và tỷ suất sinh lời trên tài sản đạt mức ấn tượng 2,7% cho ngân hàng này. Tương tự, doanh thu từ bancassurance của  ACB tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2018, với doanh số đạt khoảng 350 tỷ đồng, đứng thứ 4 về doanh số và thứ 2 về khả năng sinh lời đối với dịch vụ này trên toàn thị trường. Xu thế tăng thu dịch vụ cũng thấy ở nhiều ngân hàng khác như SCB, Sacombank…

Cụ thể, hoạt động kinh doanh nổi bật nhất của SCB trong 6 tháng đầu năm là khoản lãi 290 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh chứng khoán và 503 tỷ đồng lãi từ hoạt động dịch vụ, tăng trưởng 22% và 58% so với cùng kỳ năm 2018. Doanh thu từ dịch vụ của Sacombank trong 6 tháng đầu năm cũng phát triển mạnh mẽ với con số gần 1.400 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ…
 
Tại đại hội cổ đông năm 2019 vừa qua, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại nhìn nhận, việc tăng lợi nhuận từ phí dịch vụ nói chung và bancassurance nói riêng là chiến lược xuyên suốt của ngân hàng trong bối cảnh hoạt động tín dụng được kiểm soát.
(Theo Báo SGGP)
.
.
.