Thứ Hai, 26/08/2019, 21:31 (GMT+7)
.

Nông nghiệp Tiền Giang: Những chuyển hướng tích cực

Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu, ngành Nông nghiệp Tiền Giang đã có những chuyển hướng tích cực.

1. Kết quả cụ thể sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được thể hiện qua từng ngành hàng như: Lúa - gạo, trái cây, rau, chăn nuôi, ngành hàng tôm…

Còn nếu nhìn nhận theo khía cạnh các giải pháp chung, ngành Nông nghiệp cũng đã đạt được nhiều kết quả liên quan đến công tác quy hoạch; xây dựng vùng chuyên canh và chuỗi ngành hàng; chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; mở rộng thị trường; triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ hay thu hút đầu tư, nguồn lực phát triển nông nghiệp…

Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã mang lại dấu hiệu tích cực, nhất là đối với trái cây xuất khẩu.
Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã mang lại dấu hiệu tích cực, nhất là đối với trái cây xuất khẩu.

Nếu nhìn vào việc đầu tư công nghệ, thiết bị trong lĩnh vực sơ chế, chế biến trái cây thì Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường trở thành một điểm sáng trong thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.

Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường nhấn mạnh, nắm bắt được nhu cầu của thị trường, từ năm 2017 công ty đã tập trung đầu tư thiết bị xử lý nhiệt hơi nước nóng và chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm 2018 phục vụ cho thị trường tiêu thụ khó tính là Hàn Quốc và vào giữa năm 2019 phục vụ cho thị trường Nhật Bản.

Theo ông Sang, mặc dù còn gặp không ít khó khăn, nhưng việc đầu tư thiết bị công nghệ mới đã giúp cho công ty đủ điều kiện xuất khẩu trái xoài tươi sang thị trường Hàn Quốc mang về tổng giá trị cao gấp 3, 4 lần so với hàng chế biến hoặc tiêu thụ nội địa.

Ngoài ra, công ty cũng không ngừng quan tâm đến công nghệ thích hợp nhằm kéo dài thời gian bảo quản trái cây xuất khẩu tạo lợi thế cạnh tranh như công nghệ nhúng nhiệt, công nghệ dập lạnh…

Mở rộng, tìm kiếm thị trường đã được ngành Nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện và đã mang lại kết quả cơ bản: Trái vú sữa Lò Rèn vào thị trường Hoa Kỳ; trái xoài cát Hòa Lộc được sử dụng trên các chuyến bay của Vietnam Airlines mở ra cơ hội lớn cho việc quảng bá trái cây đặc sản của Tiền Giang đến khách hàng trong và ngoài nước.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, các cơ sở sản xuất nông sản an toàn của tỉnh tiếp cận với thị trường TP. Đà Nẵng, TP. Hà Nội thông qua các chương trình hội chợ, hội thảo, liên kết với các doanh nghiệp của các tỉnh, thành và tiếp cận hệ thống phân phối như các chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng phân phối nông sản an toàn…

Còn nếu xem xét dựa trên khía cạnh liên kết sản xuất, nhất là đối với mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới, HTX Mỹ Tịnh An (huyện Chợ Gạo) trở thành một điển hình trong quá trình thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.

Bởi trên thực tế, HTX không những mang lại hiệu quả sản xuất - kinh doanh, mà còn tạo nên nhiều nét riêng biệt. Ông Võ Chí Thiện, Giám đốc HTX Mỹ Tịnh An cho biết, HTX là một trong số ít đơn vị đi tiên phong trong nghiên cứu sản xuất sản phẩm thanh long sạch cung cấp cho thị trường khó tính.

HTX đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nhà nông và bằng chứng là số hộ xin vào làm thành viên HTX ngày càng đông. Một trong những chiến lược sản xuất - kinh doanh là HTX đã ký hợp đồng với các thành viên mua thanh long với giá thấp nhất là 10.000 đồng/kg ở mọi thời điểm, cao hơn giá thị trường ít nhất 1.000 đồng/kg đối với sản phẩm đạt chuẩn và thành viên HTX được hưởng lợi nhuận so với thị trường bên ngoài từ 10% - 20%.

2. Theo đánh giá chung của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Hóa, kết quả cơ bản đạt được sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là sản lượng của ngành phát triển vững chắc trong điều kiện còn nhiều khó khăn đối với phát triển nông nghiệp, hạn hán bất lợi, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng phức tạp, kéo dài; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, kể cả chi phí đầu tư cho nông nghiệp ngày càng tăng cao.

Tuy nhiên, dù còn nhiều khó khăn đan xen nhưng tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp và thủy sản Tiền Giang qua các năm đều có tăng trưởng dương, các mục tiêu về sản lượng phần lớn đã đạt và gần đạt các mục tiêu đặt ra đến năm 2020, trở thành nền tảng ổn định để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2013 - 2018 của ngành Nông nghiệp đạt được là 3,6%, trong khi tăng trưởng bình quân nông nghiệp cả nước chỉ đạt 2,55%.

Tuy nhiên, nếu đánh giá đúng thực trạng, ngành Nông nghiệp cũng nhận định nội tại của ngành vẫn còn không ít khó khăn, tồn tại như: Khí hậu, thời tiết phức tạp, tần suất thiên tai, dịch bệnh ngày càng dài, diễn biến khó lường gây thiệt hại cho sản xuất và thu nhập của nông dân.

Trên thực tế, quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cũng diễn ra chậm, chủ yếu thực hiện trên lĩnh vực trồng trọt; lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản không tác động mạnh đối với các sản phẩm thực hiện tái cơ cấu là con chim cút, gà ri, con tôm.

Chưa kể, năng lực sản xuất của ngành Nông nghiệp vẫn còn mạnh về sản lượng nhưng chất lượng còn bất cập, thị trường tiêu thụ bấp bênh; chuyển đổi cơ cấu cây trồng tự phát ngoài vùng quy hoạch, nguy cơ rủi ro rất cao; hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh sản phẩm còn thấp; công nghệ chế biến nông sản quy mô nhỏ, phần lớn nông sản xuất thô, giá trị gia tăng thấp trong khi liên kết phát triển sản xuất chưa bền vững…

ANH PHƯƠNG - MINH THÀNH

.
.
Liên kết hữu ích
.