Thứ Tư, 21/08/2019, 20:49 (GMT+7)
.

Phải thay đổi tư duy sản xuất của nông dân

(ABO) Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án) vào chiều 21-8, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cho rằng, qua 5 năm thực hiện Đề án đã mang lại nhiều kết quả rất đáng khích lệ.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Đề án vẫn còn một số vấn đề chưa như mong muốn.

Do đó, thời gian tới, đồng chí Phạm Anh Tuấn yêu cầu ngành Nông nghiệp cần đánh giá việc tổ chức thực hiện Đề án để rút kinh nghiệm và điều chỉnh. Đồng thời, thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, từ người sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang làm kinh tế.

Tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 tập thể.
Trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 tập thể.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cần thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, phải gắn thị trường với nông dân; đẩy mạnh khâu chế biến nông sản sau thu hoạch; sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2013 - 2018, tình hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp gặp nhiều bất lợi về thời tiết, dịch bệnh trên gia súc, biến động giá cả… nhưng ngành Nông nghiệp vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,6%/năm.

Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tăng 1,47 lần so với trước khi tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Đặc biệt, đến cuối tháng 7-2019, toàn tỉnh có 72 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 50% số xã trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh cuối năm 2018 đạt 98,86%.

Tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho 4 tập thể.
Trao Bằng khen của UBND tỉnh cho 4 tập thể.

Cơ cấu nội ngành có sự chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng trồng trọt giảm từ 57,07% (năm 2015) xuống còn 56,49% (năm 2018); chăn nuôi tăng từ 16,04% lên 16,37%...

Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cũng còn nhiều tồn tại. Cụ thể, quá trình tái cơ cấu diễn ra chậm, chủ yếu thực hiện trên lĩnh vực trồng trọt; chuyển đổi cơ cấu cây trồng tự phát ngoài vùng quy hoạch nên nguy cơ rủi ro rất cao.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng khu vực nông nghiệp - nông thôn dù đã tập trung đầu tư, nhưng thực tế vẫn còn yếu; công nghệ chế biến nông sản quy mô nhỏ; liên kết phát triển sản xuất, tiêu thụ chưa bền vững…

Dịp này, có 2 tập thể (nhân dân và cán bộ xã Tam Bình, huyện Cai Lậy; Chi bộ ấp Tân Tỉnh A, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho) vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ do có thành tích trong thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 4 tập thể và 28 cá nhân có đóng góp trong thực hiện Đề án.

A.P - M. THÀNH

.
.
.