.

Thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp

Cập nhật: 16:08, 26/08/2019 (GMT+7)

Dù kết quả phát triển doanh nghiệp (DN) ở tỉnh rất ấn tượng, nhưng số hộ kinh doanh (HKD) chuyển đổi lên DN còn ít. Hiện tỉnh đang quyết tâm triển khai nhiều giải pháp để khuyến khích HKD phát triển lên DN.

 

Tỉnh đang quyết tâm thúc đẩy HKD chuyển đổi lên DN.
Tỉnh đang quyết tâm thúc đẩy HKD chuyển đổi lên DN.

HKD CHƯA MẶN MÀ LÊN DN

Thời gian qua, song song với công tác vận động, tuyên truyền các HKD lớn chuyển lên DN, cơ quan quản lý nhà nước đã chủ động tìm giải pháp hỗ trợ như: Tạo sự thông thoáng dễ dàng trong thủ tục; rút ngắn thời gian, xem xét cấp lại giấy phép kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các giấy phép con...

Có thể nói, với sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, các HKD có tiềm năng phát triển lên DN ở tỉnh đã được sàng lọc cụ thể, tạo điều kiện tốt nhất.

Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy, số HKD chuyển đổi lên DN thời gian qua vẫn còn thấp. Dù Nhà nước tạo điều kiện, cơ quan chức năng cũng không làm khó bởi thủ tục, giấy phép, song phần đông HKD vẫn không mặn mà với việc chuyển đổi lên DN.

Tính từ năm 2016 đến cuối tháng 6-2019, toàn tỉnh có 2.166 DN đăng ký thành lập mới, trong đó có khoảng 2.050 DN thành lập mới và 116 HKD chuyển sang DN.

Nhiều HKD sau khi chuyển sang DN khẳng định, sau khi phát triển lên DN cơ hội làm ăn lớn hơn, áp lực tuân thủ pháp luật buộc DN phải minh bạch hơn, quản lý bài bản hơn. Một thuận lợi nữa là phần thuế phải nộp chỉ tính trên lợi nhuận, hoạt động kinh doanh có lãi mới phải nộp, lỗ thì không phải nộp, tạo sự công bằng cho người nộp thuế. Đặc biệt, hoạt động ở loại hình DN giúp DN tạo được niềm tin, uy tín với các đối tác mua hàng và cả nhà cung cấp, ký kết các hợp đồng thương mại lớn.
Có thể nói, việc hoạt động theo mô hình DN, HKD sẽ có cơ hội mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh, quảng bá hình ảnh, dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng từ các ngân hàng… Ngoài ra, khi trở thành DN, các HKD sẽ được tham gia các dịch vụ điện tử như khai nộp thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử. Các dịch vụ này giúp giảm thiểu nhiều rủi ro cho DN trong hoạt động kinh doanh.
 

Ông Nguyễn Thế Long, đại diện HKD Văn phòng phẩm Vĩnh Hưng (phường 1, TP. Mỹ Tho) cho biết, HKD của gia đình ông thành lập đến nay khoảng 30 năm, phân phối hơn 500 mặt hàng. Đối tác của cửa hàng là các công ty, cơ quan… trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Long, do không được hưởng các quyền lợi kinh doanh như các DN nên trong tình hình cạnh tranh hết sức khốc liệt như hiện nay, HKD đang chịu thiệt thòi.

Cụ thể, HKD có sử dụng hóa đơn như cửa hàng của ông vẫn phải thực hiện các thủ tục kê khai thuế theo quy định như DN, song lại không được tiếp cận, hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước. Bên cạnh đó, do không phải là DN nên một số hợp đồng lớn bị các công ty từ chối.

Cũng theo ông Long, thời gian qua, ông có mong muốn thành lập DN để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, hòa nhập vào xu hướng phát triển chung của tỉnh.

Tuy nhiên, bản thân ông vẫn chưa thấy được những lợi ích, thuận lợi khi chuyển đổi từ HKD lên DN. Đây là vấn đề cốt lõi mà bất kỳ HKD nào cũng muốn nhìn thấy rõ để có động lực chuyển đổi lên DN.

Còn theo ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Chủ HKD Tạp hóa Ngọc Ẩn (huyện Cái Bè), khi HKD lên DN phải có kế toán chuyên nghiệp, thủ kho, nhân viên chuyên trách theo từng ngành nghề. Song việc tuyển dụng nhân sự hiện nay không phải là điều dễ dàng. Do đó, đây cũng là nguyên nhân khiến HKD ngại lên DN, chưa kể khi lên DN, tài chính của HKD phải đáp ứng với lĩnh vực kinh doanh…

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, hiện nay, bên cạnh các yếu tố chính dẫn đến HKD ngại chuyển đổi lên DN, thì các nguyên nhân như: Môi trường kinh doanh đầu tư chưa thuận lợi; công tác tuyên truyền còn hạn chế; chưa có chương trình hỗ trợ chuyển đổi… cũng là những rào cản trong việc thúc đẩy HKD chuyển đổi lên DN.

PHÁT TRIỂN CẢ CHẤT VÀ LƯỢNG

Thực tế cho thấy, tiềm năng phát triển DN từ HKD của tỉnh là rất lớn với hơn 60 ngàn HKD, trong đó khoảng 34.500 hộ có phát sinh thuế, có những hộ quy mô rất lớn. Do đó, để phát triển HKD đủ điều kiện trở thành DN là định hướng, giải pháp rất quan trọng trong phát triển DN của tỉnh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với sự phát triển của kinh tế Việt Nam và thế giới, xu hướng mua sắm của người tiêu dùng đã có nhiều thay đổi, nhu cầu sử dụng hàng hóa cần có khả năng truy xuất nguồn gốc, sự ủng hộ của pháp luật và các cơ quan chức năng…

Đây là những điều kiện tạo nên lực kéo đủ mạnh để các HKD nâng cấp lên DN. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi hiện nay để HKD chuyển mình đó là tháo gỡ những tồn tại đang gặp phải.

Dưới góc độ HKD, ông Nguyễn Thế Long cho rằng, muốn HKD chuyển lên DN, trước hết cần chính sách hỗ trợ toàn diện cho DN về mặt lâu dài. Bởi hiện nay, ông có cảm giác các chính sách chỉ nằm ở mức hỗ trợ việc thành lập DN và khuyến khích khởi nghiệp, chưa đi vào chi tiết hỗ trợ HKD chuyển đổi lên DN như thế nào.

Do đó, HKD của ông mong muốn được hỗ trợ về việc đơn giản hóa các thủ tục về thuế, chính sách kế toán, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, đặc biệt là nên hạn chế tối thiểu việc thanh, kiểm tra.

Đồng thời, mở nhiều kênh hỗ trợ HKD chuyển đổi lên DN, giúp HKD giới thiệu đơn vị tư vấn thuế, cung cấp phần mềm kế toán… Nếu giải quyết các vấn đề này thì sẽ giúp việc thúc đẩy các HKD chuyển đổi lên DN nhanh hơn.

Để thúc đẩy các HKD phát triển lên DN, trong thời gian tới các sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành sẽ tiếp tục triển khai các nhóm giải pháp.

Trước hết, đối với nhóm giải pháp theo diện rộng, tỉnh sẽ triển khai đào tạo kỹ năng hỗ trợ DN cho các cơ quan, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành nhằm tạo đội ngũ hỗ trợ DN rộng khắp, tăng cường khả năng kết nối, hỗ trợ DN, đưa các chính sách hỗ trợ DN đến các HKD; đồng thời, tăng cường tuyên truyền các chính sách phát triển, hỗ trợ DN đến các HKD trên toàn tỉnh.

Riêng đối với nhóm giải pháp theo chiều sâu, ứng với mỗi gói hỗ trợ, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhân sự, quy trình, cách thức triển khai hỗ trợ tận nơi cho các HKD. Đồng thời, triển khai nhiều kênh thông tin, nhân sự để các HKD mạnh dạn giãi bày khó khăn, “điểm nghẽn” và rào cản nhằm tìm giải pháp hỗ trợ các HKD, DN trong thời gian tới.

Thực tế cho thấy, tăng trưởng về số lượng DN chỉ có ý nghĩa khi nó gắn liền với sự phát triển ổn định và mang tính bền vững...

Do đó, để thực hiện thành công Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy về lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển DN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, cũng như thúc đẩy HKD chuyển đổi lên DN hiệu quả cần một tư duy mới về DN.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng cho biết, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ quyết tâm thực hiện việc thúc đẩy HKD chuyển đổi lên DN. Việc thành lập mới DN không phải là vấn đề chính mà DN phát triển bền vững mới chính là yếu tố quan trọng…

M. THÀNH

.
.
.