Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cho cây ăn quả
(ABO) Ngày 21-9, tại Tiền Giang, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang phối hợp tổ chức Hội thảo chuyên đề: “Các giải pháp kinh tế, kỹ thuật để phát triển bền vững cây ăn quả và lúa thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long” (gọi tắt là Hội thảo).
Đến dự có đồng chí Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; lãnh đạo các sở, ngành trong và ngoài tỉnh; các nhà khoa học, nông dân, trang trại, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Xuân Định phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Định cho biết, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích trên 4 triệu ha, trong đó có trên 2,4 triệu ha đất canh tác nông nghiệp và gần 811 ngàn ha đất nuôi trồng thủy sản, với dân số 17,8 triệu người. Vùng ĐBSCL được xem là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, cung cấp hơn 50% sản lượng gạo (trong đó, đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu), hơn 70% lượng thủy sản và hơn 36% lượng trái cây cho cả nước.
Tuy nhiên, vùng ĐBSCL hiện đang gặp thách thức rất lớn do tác động biến đổi khí hậu, như: Xâm nhập mặn, thiếu phù sa, sạt lở đất đã gây thiệt hại lớn đến sản xuất lúa và cây ăn quả của vùng. Theo dự báo, vùng ĐBSCL là 1 trong 3 vùng đồng bằng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất về biến đổi khi hậu trên toàn thế giới. Vấn đề được mùa rớt giá, sản xuất kém bền vững có nhiều nguyên nhân, như: Quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; trình độ sản xuất, kinh doanh; trình độ ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao của nông dân còn hạn chế; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn lỏng lẻo…
Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại buổi Hội thảo. |
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cho cây ăn quả vùng ĐBSCL, như: Củng cố đê bao để nước mặn tránh xâm nhập vào vườn; dự trữ nước ngọt trong mương để tưới hoặc dự trữ nước ngọt trong túi ni lông dày đặt dưới gốc cây; giữ ẩm cho cây trồng bằng rơm rạ, lục bình, cỏ khô…
Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà khoa học đã trình bày hướng cải thiện chất lượng của trái thanh long trồng tại Tiền Giang bằng cách tiếp cận hệ thống tích hợp về chuỗi canh tác bền vững; các chế phẩm phân bón hữu cơ, sinh học cải tạo đất, canh tác hữu cơ và bảo quản nông sản…
Các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cho cây ăn quả vùng ĐBSCL. |
Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động của Hội chợ triển lãm Nông nghiệp - Thương mại khu vực Tây Nam bộ năm 2019.
VĂN THẢO
.