Thứ Sáu, 27/09/2019, 18:00 (GMT+7)
.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không chủ quan với tình trạng sạt lở, hạn mặn

(ABO) Chiều 27-9 tại Tiền Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cùng các bộ, ngành Trung ương có buổi làm việc với lãnh đạo 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về công tác phòng, chống sạt lở và sản xuất vụ đông xuân 2019-2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), những năm gần đây, bùn cát từ thượng nguồn về ngày càng giảm, trong khi đó khai thác cát sỏi lòng sông phục vụ các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng; đường giao thông sát bờ sông, kênh, rạch ngày càng gia tăng…

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đang làm nước biển, sóng gió, thuỷ triều gia tăng, thay đổi lớn về dòng chảy thượng nguồn.

Những yếu tố trên đã và đang làm cho tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tại ĐBSCL ngày càng phức tạp.

Theo báo cáo của các địa phương, toàn ĐBSCL có tổng số 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834 km.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Trong đó, sạt lở bờ biển có 52 điểm với tổng chiều dài 268km; sạt lở bờ sông 512 điểm với tổng chiều dài khoảng 566km. Riêng tại Tiền Giang, tốc độ xói lở bờ biển giai đoạn 1990-2018 là trên 700ha, tốc độ xói lở mỗi năm từ 15-17m.

Trước diễn biến phức tạp của sạt lở, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo các biện pháp xử lý và phân giao nguồn lực cho các địa phương tổ chức triển khai; đồng thời, giao các Bộ, ngành phối hợp, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện.

Trong vòng 10 năm gần đây, Chính phủ đã bố trí tổng kinh phí 16.067 tỷ đồng để xây dựng công trình phòng chống sạt lở, trong đó 2 năm (2018, 2019) đã bố trí 4.039 tỷ đồng; đang rà soát tiếp tục hỗ trợ 4.412 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng phát biểu tại buổi làm việc.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cho biết đối với Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (gọi tắt là Dự án), từ khi nhận chuyển giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) Tiền Giang đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của Dự án.

Đến thời điểm này, tỉnh Tiền Giang cam kết sẽ cùng nhà đầu tư nỗ lực đến ngày 31-12-2020 thông tuyến, 30-4-2021 khánh thành đưa vào sử dụng tuyến cao tốc theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.

Bên cạnh đó, đồng chí Lê Văn Hưởng cũng cho biết tình trạng sạt lở trên địa bàn tỉnh xảy ra rất nghiêm trọng, do đó, tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho thực hiện thí điểm 1 dự án với chiều dài khoảng 5km tại khu vực đê biển Gò Công, huyện Gò Công Đông (vị trí Thủ tướng khảo sát thực tế vào sáng 27-9) để gây bồi, tạo bãi, tạo đai rừng chống xói lở.

Về nước sản xuất vụ đông xuân 2019-2020, năm 2016, hạn, mặn diễn ra gay gắt, song tỉnh đã có giải pháp ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại.

Đợt hạn mặn năm 2016 đã cho Tiền Giang nhiều kinh nghiệm, cụ thể là việc bơm chuyền 3 cấp để cung cấp nước sản xuất; vận động người dân bảo vệ vườn cây ăn trái trước ảnh hưởng của xâm nhập mặn; đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống hạn, mặn.

Đến nay, Tiền Giang đã có nhiều giải pháp ứng phó tình trạng hạn, mặn, trong đó hệ thống cống vùng Ngọt hóa Gò Công đã được tỉnh xử lý cơ bản đảm bảo ngăn mặn; Đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông cũng được tỉnh triển khai thực hiện rất hiệu quả...

Với hơn 76.000 ha cây ăn trái, đồng chí Lê Văn Hưởng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ địa phương kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến trái cây để góp phần tiêu thụ nông sản, nhất là trái khóm và mít Thái.

Trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể cam kết với Thủ tướng sẽ cùng Tiền Giang tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Riêng về cầu Mỹ Thuận 2 kết nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ với vốn đầu tư trên 5.000 tỷ đồng, dự kiến, tháng 11, 12-2019 sẽ khởi công 4 gói thầu đường dẫn vào cầu.

Hiện 4 gói thầu này đã đấu thầu xong và đang chờ giải phóng mặt bằng để tiến hành thi công. Dự kiến, cầu Mỹ Thuận 2 sẽ khởi công vào tháng 3-2020, do đó, Bộ GT-VT mong Tiền Giang và Vĩnh Long hỗ trợ giải phóng mặt bằng…

Riêng về tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài khoảng 26km, Thủ tướng đã có văn bản đồng ý bố trí nguồn vốn tăng thu ngân sách nhà nước năm 2019 là 932 tỷ đồng cho Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh và phức tạp. Trong 10 năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư đặc biệt đến phát triển ĐBSCL, nhất là bố trí nguồn lực để xử lý các điểm sạt lở bờ sông, bờ biển. Tuy nhiên, tình hình sạt sở trên diện rộng, phức tạp khiến nhân dân lo lắng.

Trước tình hình trên, Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân ý thức hơn về việc giảm thiểu thiệt hại do sạt lở bờ sông, bờ biển gây ra; khắc phục những phong tục như: Việc xây dựng nhà, đường giao thông sát bờ sông, biển; cần quy hoạch, tổ chức lại để chủ động hơn để đảm bảo tính mạng, tài sản cho người dân.

Trên tinh thần đó, cần đánh giá một cách tổng thể, căn cơ trên cơ sở quy hoạch ĐBSCL, quy hoạch này hiện giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện. Từ đó, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ xử lý sạt lở hiệu quả, chặt chẽ hơn; giảm thiểu khai thác cát ở các dòng sông, tăng cường các biện pháp dự báo tình hình…Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu các đề tài xử lý sạt lở bờ biển vùng ĐBSCL.

Về các dự án giao thông, Thủ tướng đánh giá tỉnh Tiền Giang đã rất nỗ lực, làm rất nhiều việc để có khối lượng thi công Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đến nay đạt khoảng 27%. Hiện công trường thi công tấp nập, công tác giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành, Chính phủ đã có quyết định giao nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho Dự án.

Thủ tướng đề nghị nhà đầu tư cùng tỉnh Tiền Giang đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án, đảm bảo chất lượng, tiến độ cam kết. Về tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Thủ tướng yêu cầu, trước hết, tiến hành đấu thầu cầu và khởi công cầu Mỹ Thuận 2 vào tháng 3-2020 và các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư cho tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, đảm bảo thông tuyến trong thời gian sớm nhất.

Về vấn đề sản xuất vụ đông xuân 2019-2020, Thủ tướng đồng ý với quan điểm của Bộ NN&PTNT cần phải chủ động trong bối cảnh hạn, mặn có thể lặp lại, khả năng hạn, mặn thấp hơn năm 2016 nhưng không thể chủ quan.

Trước hết, các tỉnh, thành cần tính toán diện tích lúa chuyển sang các loại cây trồng khác phù hợp, chuẩn bị kế hoạch cụ thể về khoa học - công nghệ để ứng phó với tình hình hiện nay nhất là về giống, đảm bảo vụ đông xuân thắng lợi, đặc biệt là đảm bảo nước uống cho người dân vùng ĐBSCL.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT cần có hội nghị chuyên đề cùng các địa phương và các ngành để đảm bảo cấp nước vụ đông xuân và nước uống cho người dân ĐBSCL…

D. SƠN - M. THÀNH - V. THẢO

.
.
.