Xuất gạo vào Philippines tăng, nhưng không mừng!
Gạo Việt Nam xuất sang thị trường Philippines đã tăng mạnh hơn do quốc gia này dỡ bỏ hạn ngạch đối với mặt hàng gạo kể từ đầu năm nay. Song, tuy tăng đột biến về lượng nhưng xét về giá trị thì người trực tiếp sản xuất lúa gạo trong nước lại không được hưởng lợi nhiều.
Trong bảy tháng đầu năm, xuất khẩu gạo Việt Nam vào Philippines đạt 1,46 triệu tấn, tăng đến 218,8% về khối lượng so với cùng kỳ. Trong ảnh là nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh |
Lượng tăng, giá giảm
Những năm trước, Philippines áp dụng cơ chế hạn ngạch trong việc nhập khẩu gạo. Theo đó, ngoài việc phân bổ hạn ngạch hàng năm khoảng 850.000 tấn cho khu vực tư nhân thì Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) cân đối cung/cầu trong nước sẽ thực hiện mở thầu mua gạo cấp chính phủ với các nước, chủ yếu là Việt Nam và Thái Lan.
Nhưng từ năm 2019, cụ thể vào ngày 15-2, Tổng thống Philippines đã ký ban hành Đạo luật số 11203 chuyển đổi cơ chế nhập khẩu gạo từ áp dụng hạn ngạch sang thuế hóa. Đạo luật này xóa bỏ quy định về hạn ngạch nhập khẩu đối với mặt hàng gạo và thay vào đó áp dụng thuế nhập khẩu 35% từ các quốc gia khối ASEAN. Đây là mức thuế thấp hơn rất nhiều so với mức thuế được Philippines áp dụng cho các quốc gia ngoài ASEAN, lên đến 180%.
Việc thay đổi chính sách như nêu trên đã giúp xuất khẩu gạo Việt Nam vào Philippines có sự tăng trưởng đột biến về lượng trong những tháng đầu năm 2019. Cụ thể, báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong bảy tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo Việt Nam vào Philippines đạt 1,46 triệu tấn, tăng đến 218,8% về khối lượng so với cùng kỳ năm ngoái.
Song, với kim ngạch đạt gần 590 triệu đô la Mỹ, tuy tăng 171,4% về giá trị nhưng nếu tính ra giá xuất khẩu bình quân thì đã giảm đến 14,9%, chỉ đạt 402,9 đô la Mỹ/tấn. Điều này cho thấy hiệu quả không như kỳ vọng, giá trị tính trên đơn vị sản phẩm đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng phần nào đến giá lúa gạo nội địa trong những tháng qua. Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc doanh nghiệp Vạn Lợi (Tiền Giang), giá xuất khẩu gạo giảm bắt buộc doanh nghiệp phải cân đối lại mức giá thu mua nguyên liệu, phải hạ giá thu mua lúa gạo ở trong nước xuống.
Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo, cho biết ngoài yếu tố thay đổi cách tính giá nhập khẩu, từ giá CIF giao tại kho của Philippines sang giá FOB tại cảng TPHCM, thì còn do giá gạo thế giới cũng đã giảm dẫn đến tác động kép. Trong bảy tháng đầu năm 2019, bình quân giá xuất khẩu gạo Việt Nam chỉ đạt 432,5 đô la Mỹ/tấn, giảm 14,7% so với cùng kỳ.
Một yếu tố khác, theo ông Bích, đó là do tác động từ mức thuế 35% được Philippines áp dụng đối với gạo nhập khẩu từ các nước ASEAN. “Thuế suất 35% cũng là yếu tố khiến giá gạo Việt Nam xuất sang đây giảm, nhưng nó không thể hiện trên giá vì mỗi nhà nhập khẩu Philippines phải tính, có lời họ mới nhập”, ông nói và cho rằng hiển nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước phải cân đối lại mức giá thu mua từ nông dân.
Xét riêng ở từng thị trường thì thị trường Philippines có sự tăng trưởng đột biến về khối lượng, do quốc gia này có sự thay đổi chính sách nhập khẩu gạo, đặc biệt là việc dỡ bỏ hoàn toàn hạn ngạch. |
Sắp tới, tiếp tục siết chất lượng
Mới đây, Bộ Nông nghiệp Philippines (DA) cho biết đang cân nhắc việc sử dụng các biện pháp phi thuế quan nhiều hơn, mà cụ thể là đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh và kiểm dịch thực vật nhằm điều chỉnh hoạt động nhập khẩu gạo.
Theo đó, Philippines có thể hạ mức giới hạn dư lượng tối đa (MRL) đối với hàm lượng thuốc trừ sâu của gạo nhập khẩu xuống gần bằng 0. Đồng thời, yêu cầu các lô hàng phải qua phân tích rủi ro dịch bệnh gây hại.
Động thái nêu trên, theo DA, là nỗ lực nhằm giúp nông dân đối phó với việc giá gạo trong nước giảm do gạo nhập khẩu giá rẻ tràn ngập thị trường, sau khi Đạo luật 11203 có hiệu lực.
Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre), nhận xét rằng Philippines là quốc gia vừa nhập khẩu vừa sản xuất lúa gạo, cho nên chủ trương của chính phủ nước này một mặt phải đảm bảo cho dân luôn có đủ gạo ăn nhưng mặt khác phải bảo vệ sản xuất trong nước. Theo ông Tuấn, khi trong giai đoạn thiếu hụt nguồn cung thì Philippines tạo điều kiện thuận lợi để nhập được nhiều gạo. Nhưng khi giá gạo xuống quá thấp, Philippines có những thay đổi chính sách để hạn chế nhập khẩu, bảo vệ sản xuất trong nước.
Tuy đánh giá Philippines thay đổi chính sách nhập khẩu gạo là để bảo vệ sản xuất trong nước, nhưng ông Tuấn cho rằng việc nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm là một xu thế tất yếu chứ không riêng quốc gia này. “Ví dụ, ngày xưa mình bán sang Trung Quốc rất dễ dàng, nhưng bây giờ đâu còn dễ nữa, mà cũng không phải chỉ riêng với ngành gạo thôi”, ông dẫn chứng.
Từ những thay đổi nêu trên, chuyên gia Nguyễn Đình Bích cho rằng các doanh nghiệp nhập khẩu gạo của Philippines chắc chắn không thể làm ăn như cách cũ, tức có gạo nào mua gạo đó, kiểu gì cũng chấp nhận. “Bây giờ, Philippines tăng cường kiểm soát thì sản phẩm Việt Nam nhất định phải thay đổi”, ông khuyến cáo và cho rằng bắt buộc sản xuất trong nước phải theo một yêu cầu nào đó về mặt chất lượng, chứ không phải có cái gì xuất cũng được.
Theo ông Lâm Anh Tuấn, doanh nghiệp Việt Nam đang tiếp tục xem chừng chính sách của Philippines về gạo nhập khẩu sắp tới thay đổi cụ thể như thế nào để ứng phó cho phù hợp. Trong việc ứng phó này, không nhất thiết Nhà nước phải can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính, mà chỉ nên đưa ra các khuyến cáo, khuyến nghị.
“Bởi lẽ, hơn ai hết, doanh nghiệp hiểu rất rõ thị trường họ muốn bán vô cần những yêu cầu, tiêu chuẩn, quy định gì”, ông giải thích và cho rằng tự doanh nghiệp biết phải đáp ứng những tiêu chuẩn nào, chứng chỉ gì, chất lượng ra sao.
GS.TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, trong một lần trao đổi với TBKTSG cũng đã đưa ra khuyến cáo: sản xuất phải có địa chỉ tiêu thụ, mà muốn vậy việc sản xuất phải đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn của người mua đặt ra.
(Theo thesaigontimes.vn)