Chủ động xuống giống sớm vụ đông xuân 2019-2020
(ABO) Ngày 11-10, tại Tiền Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch và giải pháp sản xuất đông xuân 2019-2020 các tỉnh, thành Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Quang cảnh hội nghị. |
Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng thủy văn và của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 ở mức sớm và nặng hơn so với trung bình nhiều năm, nhưng nhẹ hơn so với đợt xâm nhập mặn lịch sử 2015-2016.
Cụ thể, tại các vùng chuyên canh tác lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với khả năng cấp nước hiện có của các công trình thủy lợi, ở thời điểm cao nhất, xâm nhập mặn khả năng ảnh hưởng đến 5 tỉnh ven biển với tổng diện tích canh tác nông nghiệp khoảng 102.000 ha: Tiền Giang 12.200 ha, Bến Tre 11.900 ha, Trà Vinh 12.700 ha, Sóc Trăng 49.700 ha, Bạc Liêu 15.000 ha. Các diện tích khả năng bị ảnh hưởng trên phải có giải pháp tổng thể về thủy lợi, trồng trọt để giảm thiểu thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị. |
Cũng tại hội nghị, các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT đã báo cáo kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2019-2020 các tỉnh, thành Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; đưa ra dự đoán và giải pháp phòng, chống hạn, mặn, dịch hại, thiên tai trong vụ đông xuân 2019-2020.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, cần có giải pháp cụ thể để giảm thiểu tối đa thiệt hại trước tình hình hạn, mặn xâm nhập sớm.
Về thời điểm xuống giống vụ đông xuân 2019-2020, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định giải pháp quan trọng nhất là xuống giống sớm, đặc biệt là vùng ven biển.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng phát biểu tại hội nghị. |
Về cơ cấu giống, vùng ven biển ưu tiên xuống giống ngắn ngày, nhưng phải đảm bảo chất lượng. Đồng thời, các địa phương tập trung tích trữ nước, nạo vét kinh mương nội đồng, sử dụng tiết kiệm nước tưới.
Về chuyển đổi cây trồng, Chính phủ và Bộ NN&PTNT khuyến khích chuyển đổi ở những nơi sản xuất lúa kém hiệu quả. Song việc chuyển đổi này phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, đất đai, hạ tầng và thị trường…
M. THÀNH