Thứ Hai, 21/10/2019, 10:22 (GMT+7)
.

Giá heo "nhảy múa", cẩn trọng tái đàn

Trong những ngày qua, giá heo hơi liên tục biến động theo chiều hướng tăng, thậm chí có 2 - 3 giá/ngày. Các chuyên gia và ngành chức năng nhận định: Đợt tăng giá lần này là thật, không phải ảo như những lần trước. Nguyên nhân là do cả nước đang xảy ra tình trạng dịch tả heo châu Phi, số lượng heo tiêu hủy lớn nên xảy ra tình trạng thiếu hụt thịt heo.

Khi tái đàn heo, người dân cần hết sức cẩn trọng.
Khi tái đàn heo, người dân cần hết sức cẩn trọng.

MỘT NGÀY 2 - 3 GIÁ

Những ngày qua, giá heo hơi tại tỉnh Tiền Giang liên tục “nhảy múa” và tăng từng ngày. Đầu tháng 10-2019, giá heo hơi được thương lái thu mua trên địa bàn chỉ khoảng 50.000 đồng/kg, thì đến ngày 10-10 đã “nhảy” lên 54.000 đồng/kg. Ngày 16-10, giá tăng thêm 5.000 - 6.000 đồng/kg, lên thành 59.000 - 60.000 đồng/kg. Đến ngày 18-10, giá heo hơi ở một số nơi được thương lái đẩy lên 62.000 - 64.000 đồng/kg (heo đẹp). 

Những ngày qua, thương lái Nguyễn Văn Bảy (thu mua heo tại xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè) “chạy đôn chạy đáo” tìm mua heo. Ông Bảy cho biết, giá heo tăng liên tục từng ngày, từng giờ, nên heo đến ngày xuất chuồng người nuôi không muốn bán vì sợ “hớ”, tiếp tục “neo” heo lại chờ giá lên thêm. Vì vậy, thương lái mua heo về bán cho người tiêu dùng rất khó khăn. Hiện mỗi ngày giá heo tăng 2 - 3 lần, đây là lý do khiến người nuôi chủ động “ém” heo tại chuồng, chờ mức giá cao hơn.

Còn thương lái Nguyễn Khắc Tuấn (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy) cho biết, đa số heo mà ông mua được thời gian qua là của công ty chăn nuôi lớn. Tuy nhiên, các công ty cũng đã giảm đàn nên số lượng mua không nhiều. Trước đây, mỗi ngày ông mua khoảng 500 - 600 con, còn bây giờ chỉ mua được 200 - 250 con. Hiện giá heo hơi của công ty thấp hơn bên ngoài 4.000 - 5.000 đồng/kg do những công ty này tham gia bình ổn thị trường.

Dù giá heo hơi đang “nhảy múa” theo chiều hướng tăng, nhưng theo nhiều người nhận định, xu hướng giá heo sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tới.

CẨN TRỌNG TÁI ĐÀN   

Đứng bên dãy chuồng heo trống hoác của gia đình, ông Nguyễn Tấn Nghiệp (xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy) băn khoăn: “Mặc dù đàn heo của gia đình đã bị tiêu hủy cách đây hơn 3 tháng, nhưng đến giờ tôi vẫn chưa dám tái đàn. Vợ chồng tôi đã bàn bạc chuyển hướng sang nuôi con vật khác, nhưng phải cải tạo lại chuồng trại và đầu tư con giống mới, trong khi gia đình đã cạn kiệt vốn vì đàn heo trước rồi”.

Còn ông Nguyễn Văn Minh (xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè) hiện còn lại được 5 con heo thịt khoảng 70 kg và 2 con heo nái, cho biết giá heo hơi đang ở mức cao kỷ lục nên người nuôi thu lãi lớn, khoảng 3 triệu đồng/con. Mặc dù vậy, gia đình ông không có ý định tăng đàn, mà chờ bệnh dịch tả heo châu Phi hết hoàn toàn mới tính.

“Việc tăng đàn ồ ạt rất dễ làm cho giá heo giảm xuống trong thời gian tới. Cùng với đó là nguy cơ lây lan của bệnh dịch tả heo châu Phi vẫn còn vì bệnh này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại” - ông Minh tâm sự.

Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y lưu ý: Dịch tả heo châu Phi đã gây thiệt hại lớn cho ngành nuôi heo của tỉnh. Hiện dịch vẫn đang trong giai đoạn lây lan nhưng đã giảm rất nhiều. Vì vậy, các hộ chăn nuôi hạn chế tái đàn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, chú trọng tiêu độc, sát trùng chuồng trại thường xuyên và liên tục, kể cả chuồng đang nuôi heo, cũng như chuồng đã hết heo để đảm bảo cho dịch không tiếp tục lây lan.

Theo yêu cầu của ngành chuyên môn, nếu người nuôi muốn tái đàn heo thì trước khi tái đàn phải xây dựng, sửa chữa, nâng cấp chuồng trại nhằm đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học; có hố tiêu độc, khử trùng ở lối ra, vào; có khu vực cách ly để vệ sinh, tiêu độc, khử trùng con người và phương tiện trước khi ra, vào trại; có hầm, túi ủ biogas đủ đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải của trại chăn nuôi, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường; phải để trống chuồng và thực hiện nghiêm ngặt việc vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại liên tục ít nhất trong 30 ngày trước khi thả nuôi.

Đồng thời, người nuôi phải đăng ký với chính quyền địa phương trước khi tái đàn gồm các thông tin cơ bản: Họ tên, địa chỉ, số điện thoại, nguồn gốc con giống, số lượng, lứa tuổi, trọng lượng bình quân/con heo, ngày dự kiến thả nuôi...

Bên cạnh đó, người nuôi cần chọn mua con giống rõ nguồn gốc ở các cơ sở có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch và kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả heo châu Phi đối với các trường hợp mua con giống ngoài tỉnh; bố trí nuôi cách ly ít nhất 2 tuần trước khi nhập đàn (đối với các trại hiện đang còn heo trong trại), chỉ sử dụng nước máy hoặc nước sông đã được xử lý bằng hóa chất khử trùng nước để cho gia súc ăn, uống, tắm và vệ sinh chuồng trại.

Mong muốn tái đàn là tâm lý chung của nhiều người nuôi heo thời điểm này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong bối cảnh trên địa bàn tỉnh dịch tả heo châu Phi vẫn còn xảy ra, việc tái đàn heo thời điểm này có hợp lý hay chưa?

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mẫn cho biết, khi đảm bảo công bố hết dịch, các hộ chăn nuôi heo có thể tái đàn, khôi phục chăn nuôi trở lại. Tuy nhiên, quá trình tái đàn cần phải lưu ý, cẩn trọng ở một số điểm như: Cơ sở chăn nuôi đó phải đảm bảo việc áp dụng nuôi theo quy trình an toàn sinh học, không tái đàn ồ ạt và nuôi thăm dò với số lượng nhỏ trước (khoảng 10% năng lực chăn nuôi), sau đó nếu thấy ổn thì mới tăng quy mô lớn hơn. Ngoài ra, các địa phương phải tiếp tục đảm bảo kiểm soát tốt dịch tả heo châu Phi, tổ chức lại chăn nuôi, hạn chế việc chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, ưu tiên phát triển các mô hình chăn nuôi quy mô lớn, đảm bảo an toàn sinh học; mở rộng các đối tượng nuôi thay thế…

SĨ NGUYÊN

.
.
.