.

Khẩn trương thu phí trở lại cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Trung Lương

Cập nhật: 20:52, 07/10/2019 (GMT+7)

Trong thời gian đi kiểm tra tình hình đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ và các công trình, dự án hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cuối tuần trước Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án này. Trong đó nhanh chóng làm rõ cơ sở pháp lý để xây dựng Đề án thu phí trở lại đường cao tốc TPHCM - Trung Lương để nâng cao hiệu quả quản lý, giảm gánh nặng cho ngân sách.

Tuyến đường cao tốc TPHCM-Trung Lương đã nhanh chóng xuống cấp sau gần một năm không thu phí. Ảnh: Vân Anh
Tuyến đường cao tốc TPHCM-Trung Lương đã nhanh chóng xuống cấp sau gần một năm không thu phí. Ảnh: Vân Anh

Tuyến đường cao tốc dài gần 40 km này đã tạm dừng thu phí mà chưa thông báo ngày thu phí trở lại. Việc dừng này kể từ đầu năm 2019, khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) tiếp nhận lại quyền thu phí từ Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh - đơn vị đã trúng thầu quyền thu phí trong thời gian 5 năm (2014-2018).

Do không thu phí, các xe container, xe tải trọng nặng đã bỏ tuyến đường Quốc lộ 1 song song để chuyển sang chạy trên cao tốc này, khiến cung đường quá tải và xuống cấp nhanh chóng. Tin từ Cục Quản lý đường bộ IV (đơn vị đang được giao quản lý tuyến đường này) cho biết, lưu lượng xe trên toàn tuyến đã tăng khoảng 31% so với trước, tính ra ước chừng 51.000 lượt xe/ngày đêm, quá năng lực lưu thông. Đó cũng là lý do mà tuyến đường cao tốc phải giảm tốc độ từ 120 km/h xuống còn 100 km/h (tối đa) và tốc độ tối thiêu từ 80 km/h xuống còn 60 km/h.

Đó cũng là lý do mà Hiệp hội các nhà đầu tư công trình đường bộ Việt Nam gọi đây là tuyến quốc lộ chứ không còn là cao tốc và yêu cầu thu phí trở lại để đảm bảo chất lượng cũng như việc duy tu, sửa chữa, nâng cấp công trình.

Việc tạm dừng thu phí tuyến đường có vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ được xem là lãng phí lớn. Khi nhà nước thu phí giai đoạn hai năm đầu (2012-2013) chỉ được 720 tỉ đồng. Khi đấu thầu quyền thu phí 5 năm đạt gấp 3 lần số nhà nước thu, sau khi trừ chi phí còn 2.000 tỉ đồng. So với mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng thì mới được khoảng 27,5% số tiền bỏ ra.

Do hiện nay, đề án thu phí của Tổng Cục Đường bộ đệ trình cách đây 3 tháng chưa làm rõ sự tách bạch giữa việc thu phí đường cao tốc do Nhà nước bỏ tiền đầu tư bằng vốn ngân sách với phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện nên e ngại việc thu phí trở lại sẽ vấp phải sự phản ứng từ dư luận.

Nhưng nếu không thu phí trở lại với mức giá minh bạch, hợp lý thì tuyến đường cao tốc này sẽ trở nên “lạc nhịp” kết nối với các dự án Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ đang được đầu tư.

(Theo thesaigontimes)

.
.
.