Thứ Tư, 30/10/2019, 14:26 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Hướng đến chợ an toàn thực phẩm

Chợ an toàn thực phẩm là hướng đi mới và mang tính bền vững trong xu hướng mua sắm hiện đại và an toàn cho người tiêu dùng hiện nay.

Nhấn mạnh về vai trò của các chợ an toàn thực phẩm, Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Quốc Bình cho biết, chợ truyền thống đang chịu áp lực rất lớn đối với các mô hình chợ hiện đại nên cần có sự thay đổi tích cực, mạnh mẽ.

Chưa kể, các cửa hàng tiện lợi (Bách Hóa Xanh, Vinmart+…) xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn tỉnh, với lợi thế là các sản phẩm đều nằm trong các chuỗi sản xuất. Trong khi đó, rất ít hàng hóa được bày bán ở các chợ truyền  thống nằm trong các chuỗi sản xuất.

Do đó, trong hướng tới, ngoài việc truy xuất nguồn gốc, hàng hóa vào các chợ truyền thống cũng cần tính toán đến các chuỗi sản xuất cụ thể.

Chợ truyền thống đang chịu áp lực lớn đối với các mô hình chợ hiện đại.
Chợ truyền thống đang chịu áp lực lớn đối với các mô hình chợ hiện đại.

Theo số liệu thống kê và đánh giá của Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 173 chợ (chưa kể chợ tự phát, chợ tạm), với hơn 14.200 hộ tham gia kinh doanh.

Lực lượng tham gia kinh doanh tại chợ chủ yếu là hộ kinh doanh và người sản xuất nhỏ trực tiếp bán sản phẩm, với các mặt hàng gồm: Rau, củ; thịt gia súc, gia cầm; thủy sản, thực phẩm chế biến, dịch vụ ăn uống…

Nguồn cung ứng cho các chợ rất đa dạng. Các sản phẩm như rau, củ, trái cây… cung ứng cho các chợ chủ yếu do thương nhân kinh doanh tại chợ mua trực tiếp từ người sản xuất, nuôi trồng tại địa phương hoặc thông qua trung gian là các vựa lớn trên địa bàn tỉnh.

Các sản phẩm gia súc, gia cầm phần lớn được tiểu thương lấy từ các lò mổ trong và ngoài tỉnh; sản phẩm thực phẩm được bao gói sẵn, có bao bì được các tiểu thương lấy từ các nhà phân phối lớn trong và ngoài tỉnh.

Đánh giá của Sở Công thương cũng cho thấy, công tác quản lý chất lượng hàng hóa tại chợ hiện còn gặp rất nhiều khó khăn và bất cập do lượng hàng hóa về chợ nhiều, từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau, nhất là đối với mặt hàng rau củ, quả.

Các sản phẩm rau, củ, quả được chứng nhận an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP, rau hữu cơ chưa vào hệ thống chợ truyền thống vì giá thành thường cao hơn các loại rau, quả chưa được chứng nhận.

Đối với các sản phẩm gia súc, gia cầm như thịt heo, thịt bò, thịt gà, trứng gia cầm… trước khi bày bán ở các chợ, cơ quan Thú y địa phương kiểm tra và đóng dấu tại cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đã được đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, việc kiểm tra, xác nhận của cơ quan Thú y cũng chưa kiểm soát hết nguồn hàng vào chợ, vẫn còn nhiều loại thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch.

Đối với các sản phẩm được bao gói sẵn, thực phẩm dùng ngay đa phần các tiểu thương và người tiêu dùng kiểm tra bằng cảm quan bên ngoài sản phẩm như thời gian sử dụng, thành phần… mà nhà sản xuất công bố trên bao bì và thói quen mua sắm, chưa có các thiết bị chuyên dụng dùng để kiểm tra nhanh chất lượng hàng hóa…

Đề cập về công tác quản lý, quy hoạch nguồn cung thực phẩm, nông sản phục vụ tại các chợ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Võ Quốc Cường cho biết, hằng năm chi cục đều tiến hành thu khoảng 500 mẫu để kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng cấp trên 50 giấy xác nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm như gạo, cà phê…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 400 ha cây trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP và trên 700.000 con gà, heo với sản lượng trên 2.000 tấn.

Tuy nhiên, trên thực tế cũng cho thấy, không thể nào bắt buộc các cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm phải cung cấp hàng hóa vào các chợ truyền thống, mà tùy thuộc vào mối quan hệ giữa tiểu thương và nhà cung cấp.

Hằng năm, ngành Nông nghiệp đều tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ cho các cơ sở thực hiện VietGAP đối với các sản phẩm nông, thủy sản của tỉnh.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng đề xuất xây dựng các chợ an toàn thực phẩm đến năm 2020 ở các trung tâm lớn như TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công, TX. Cai Lậy… và các chợ phải có Ban Quản lý chợ nhằm kiểm tra, giám sát nguồn hàng hóa vào chợ…

Chia sẻ về mô hình chợ an toàn thực phẩm, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Gò Công Tây Nguyễn Xuân Nam cho biết, toàn huyện hiện có 24 chợ. Năm 2016, bằng nguồn vốn địa phương và vốn vay, huyện đã đầu tư chợ Thành Công theo mô hình chợ an toàn thực phẩm, với diện tích 3.600 m2, với 38 hộ kinh doanh. Bên cạnh những thuận lợi của mô hình chợ an toàn thực phẩm, chợ Thành Công cũng có một số khó khăn liên quan đến việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, vệ sinh thú y, truy xuất nguồn gốc…, nhất là các mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả…

A.P

.
.
.