Bộ trưởng Bộ NN-PTNN: Không thể biết ngày mai giá nông sản như thế nào?
Cập nhật: 20:47, 06/11/2019 (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường lý luận: "Vàng còn lên giá, xăng dầu còn biến động nữa là giá cả nông sản!" khi đề cấp đến chuyện "được mùa mất giá".
Ông Nguyễn Xuân Cường: "Đường ra biển sao lại hỏi ông Bộ trưởng Bộ NN-PTNT?". Ảnh: VIẾT CHUNG
|
Sáng nay 6-11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường là người đầu tiên đăng đàn để trả lời các câu chất vấn của đại biểu Quốc hội. Đây là lần thứ 2 tư lệnh ngành nông nghiệp được yêu cầu lên “ghế nóng” nên trả lời rất tự tin, lưu loát.
Các đại biểu Quốc hội đã đặt ra nhiều câu hỏi với nhiều nội dung, nhưng trong đó, các vấn đề thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; tình trạng giá nông sản liên tục “được mùa rớt giá”; tàu đánh cá xa bờ phải nằm bờ; chính sách hỗ trợ còn bất cập… được nhiều đại biểu nêu ra, liên tục xoáy hỏi về trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT…
Đại biểu Ngô Thanh Danh (Đắk Nông) nêu tình trạng nông sản Việt Nam liên tục "được mùa rớt giá", ví dụ như tại Tây Nguyên, hiện nay tiêu mất cả mùa lẫn giá, còn cà phê thì mất giá kéo dài nhiều năm nay.
Trước đó, đại biểu Châu Chắc (An Giang) cũng nêu tình trạng giá lúa, giá nông sản rất bấp bênh.
Cũng đề cập tới nỗi lo giá nông sản thấp, nhiều rủi ro, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, có dám cam kết tình trạng "được mùa rớt giá" sẽ được giải quyết một cách căn cơ hay không?
Đáp lại những câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNN Nguyễn Xuân Cường cho rằng, để khắc phục, cần đẩy mạnh mô hình chuỗi liên kết mới giảm được tình trạng "được mùa mất giá".
Theo tư lệnh ngành nông nghiệp, hiện chúng ta có tới 10 triệu héc-ta đất canh tác, tạo ra 45 triệu tấn lương thực, về tổng quan là sức sản xuất rất lớn, nhưng bất cập nhất là khâu thương mại, chế biến nên tới đây nếu không làm được chế biến tốt thì không thể dập được câu chuyện nay được mùa mai mất giá, vì nền kinh tế thị trường thì khâu dự báo rất khó, chúng ta không thể biết được ngày mai, ngày kia giá sẽ như thế nào?
Vị bộ trưởng này lý luận: "Vàng còn lên giá, xăng dầu còn biến động nữa là giá cả nông sản".
Dẫn bằng chứng, hiện chỉ riêng Việt Nam đã sản xuất lượng hồ tiêu chiếm 60% của thế giới, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, “đương nhiên bị dư thừa”. Giải pháp là phải tập trung chế biến, nếu không làm tốt khâu này thì tình trạng thừa – thiếu vẫn sẽ tiếp tục xảy ra. Phải quy hoạch lại cây hồ tiêu, không thể để trồng bừa bãi, phá vỡ quy hoạch lên tới 150.000ha, trong khi theo quy hoạch chỉ có 50.000ha.
Bên cạnh quy hoạch, cũng cần kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư tổ chức chế biến sâu, liên kết chặt chẽ, không chỉ với hồ tiêu mà còn với các cây trồng khác. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm thị trường, thị trường cần cây gì thì trồng cây đó.
“Bán hàng mới là quan trọng, sản xuất không là số 1” – ông Nguyễn Xuân Cường nêu quan điểm.
Cho biết cảm thấy lo lắng, không hài lòng nên sử dụng quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) đã “vặn” lại quan điểm mà ông Nguyễn Xuân Cường nêu trước Quốc hội.
Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, khâu tổ chức sản xuất phải là khâu gốc để nông nghiệp phát triển bền vững. Dẫn lý lẽ, nếu sản xuất mà không tốt thì lấy đâu sản phẩm tốt để bán và bán cho ai, lấy gì để chế biến, đại biểu TPHCM đề nghị Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết “quan điểm của tôi là đúng hay sai?”.
Đáp lại tranh luận của bà Quyết Tâm, tư lệnh ngành nông nghiệp xin “đính chính” lại rằng, “thực ra ý tôi muốn nói, trong điều kiện tổ chức sản xuất hiện nay thì thị trường là khâu khó nhất, chiến tranh thương mại vừa qua, từng cân rau cân quả phải đấu tranh với nhau để bán hàng”.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT giải thích thêm: “Khâu chế biến của chúng ta đang rất kém, hầu hết là xuất thô”.
Ông Cường giãi bày: “Nói thế không phải để coi nhẹ khâu sản xuất. Đương nhiên đi bán hàng thiên hạ, bán hàng xuất khẩu ra nước ngoài, nếu không đảm bảo chất lượng thì ai người ta mua”.
Ông Nguyễn Xuân Cường chia sẻ thêm rằng, hàm ý của ông không phải là coi nhẹ khâu sản xuất: “Nhưng chúng ta cứ làm tốt đến mấy mà coi nhẹ khâu chế biến mà cứ đi bán thô như kiểu thanh long vừa rồi thì không bán được”.
Do đó, ông Nguyễn Xuân Cường mong đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm “thông cảm” cho lời mà ông Nguyễn Xuân Cường đã phát biểu.
Đường ra biển sao lại hỏi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn?
Tại nghị trường chất vấn và trả lời chất vấn, một đại biểu đã nêu thực trạng hiện nay nhiều khu resort, khu du lịch nghỉ dưỡng thi nhau bít đường ra biển của bà con ngư dân, trách nhiệm và hướng giải quyết của Bộ NN-PTNT ra sao?
Tuy nhiên, câu trả lời của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khiến cả nghị trường cười ồ khi ông vô tư đáp lại: “Đường ra biển sao lại đi hỏi ông Bộ trưởng Bộ NN-PTNT?”
Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn, phải nhắc thêm: Bộ NN-PTNT phải có tiếng nói, bởi vì ngư dân là những người đánh bắt trên biển.
Ông Nguyễn Xuân Cường trả lời, nếu nói theo khía cạnh đó thì sẽ ủng hộ việc đứng về phía bà con ngư dân.
(Theo sggp.org.vn)