Thứ Hai, 04/11/2019, 11:16 (GMT+7)
.

Thay đổi cách nhìn về thị trường Trung Quốc

Trung Quốc - thị trường từng được xem là “dễ tính” đối với các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, nhưng nay đã có những điều chỉnh đáng kể. Siết chặt chất lượng là một trong những yêu cầu mang tính bắt buộc mà thị trường này đang đặt ra.

Nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đòi hỏi chất lượng ngày càng cao.
Nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đòi hỏi chất lượng ngày càng cao.

ĐỐI TÁC ĐÃ CHUYỂN HƯỚNG

Bên cạnh các thị trường khó tính khác, gần đây Trung Quốc cũng đã siết chặt về truy xuất nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm trái cây tươi xuất khẩu. Một trong những thông tin đáng quan tâm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đưa ra là theo yêu cầu của Trung Quốc, trong thời gian tới tất cả trái cây tươi nhập khẩu vào nước này bắt buộc phải có thông tin truy xuất nguồn gốc và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu phải cung cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trái cây tươi cho cơ quan có thẩm quyền của phía Trung Quốc.

Một trong những yêu cầu mang tính bắt buộc là sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và quy định về an toàn nguyên liệu thực phẩm (Nghị định 15/2018 của Chính phủ) và Quy định An toàn thực phẩm của Trung Quốc.

Đa dạng hóa thị trường

Để đáp ứng yêu cầu khách hàng, ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường cho biết, công ty được thành lập vào năm 2015 và đã liên tục phát triển, đến nay hằng tháng công ty xuất khẩu từ 3.000 - 4.000 tấn thanh long cho các thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan; đặc biệt gần đây là các thị trường khó tính như Hoa Kỳ và công ty cũng đang chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand…

Qua thời gian phát triển đến nay, các sản phẩm thanh long của công ty đã có vị trí tương xứng trên thị trường thế giới mang thương hiệu Cát Tường Tiền Giang, với trang trại đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Hằng năm, công ty đạt doanh thu từ 400 - 500 tỷ đồng.

Ngoài thanh long, định hướng phát triển của công ty là tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh và khu vực như: Xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, sầu riêng, bưởi da xanh… và tiến tới chế biến, hướng đến các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Hoa Kỳ.

Để đáp ứng nhu cầu của các thị trường tiêu thụ trên, hiện tại công ty đã đầu tư xong nhà máy xử lý nhiệt bằng hơi nước nóng. Bên cạnh đó, công ty cũng đã đầu tư xong nhà máy đóng gói theo tiêu chuẩn thị trường Hoa Kỳ, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường khó tính.
 

Về kiểm dịch thực vật, các lô hàng xuất khẩu không được nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật và phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu (vườn trồng phải có chứng nhận GAP, nhà đóng gói phải đạt tiêu chuẩn…); phía  Việt Nam phải đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói với Hải quan Trung Quốc; phải xin cấp giấy phép nhập khẩu và đăng ký thực hiện kiểm dịch thực vật với  cơ quan kiểm dịch.

Các doanh nghiệp, đơn vị nhập khẩu phải khai báo rõ ràng xuất xứ nguồn gốc vùng trồng - có nhãn mác; sản phẩm đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật bao gói, đảm bảo điều kiện vệ sinh, không nhiễm côn trùng hại.

Do đó, để đảm bảo xuất khẩu trái tươi thuận lợi, đáp ứng các quy định của nước nhập khẩu, Bộ NN-PTNT đã đề nghị các tỉnh, thành chỉ đạo Sở NN-PTNT gấp rút triển khai thống kê thông tin vùng trồng cây ăn trái, cơ sở đóng gói trái tươi theo quy định của Trung Quốc. Trước mắt, các địa phương cần tập trung thống kê các loại trái cây tươi: Thanh long, xoài, chôm chôm, mít, chuối, dưa hấu…

Diễn biến trên thị trường thời gian qua cũng cho thấy, tình hình xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc cũng gặp không ít khó khăn do vướng những quy định mới khi xuất hàng hóa vào thị trường này.

Lợi thế cho ngành Thủy sản

Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Trần Văn Công cho biết, Trung Quốc đang áp thuế 0% đối với sản phẩm thủy sản của Việt Nam, đây là một lợi thế của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực.

Hiện tại, có 665 cơ sở đủ điều kiện, được phép xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc; danh mục 128 mặt hàng Trung Quốc yêu cầu kiểm tra an toàn thực phẩm; 44 mặt hàng thủy sản sống kiểm soát an toàn dịch bệnh. Trung Quốc cũng vừa công bố cắt giảm thuế về 0% cho 33 mặt hàng thủy sản được miễn thuế vào Trung Quốc bao gồm: Tôm hùm, tôm sú, tôm biển, cá tuyết, nghêu, cá tra đông lạnh, cá ba sa, cá nục gai, cá ngừ đại dương.

Doanh nghiệp xuất khẩu phải có đủ điều kiện máy móc, trang thiết bị sản xuất, kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng cơ bản đối với sản phẩm, nhà xưởng, kho tàng và yêu cầu kỹ thuật có liên quan nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (hồ sơ kỹ thuật, nhật ký sản xuất...) và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (NAFIQAD) kiểm tra, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Viêt Nam và của Trung Quốc, cấp mã số đưa vào danh sách được phép xuất khẩu sang Trung Quốc…
 

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ rất lớn và còn nhiều dư địa để khai thác đối với hàng nông, thủy sản của Việt Nam.

Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) Trần Văn Công cho biết, Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch nhiều mặt hàng trái cây tươi: Thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, chuối, mít và măng cụt (4-2019). Trong đó, có 4 loại trái cây của Việt Nam chiếm từ 85% - 95% thị phần tại thị trường Trung Quốc.

Hiện tại, các cơ quan chức năng đang đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, ưu tiên: Sầu riêng, khoai lang tím; thạch đen (sương sáo); các loại trái khác đã gửi hồ sơ gồm: Chanh leo, bưởi, dừa, na… Theo yêu cầu của đối tác, Việt Nam cũng đã cấp mã vùng trồng, nuôi đáp ứng thị trường Trung Quốc; hiện đã cấp trên 1.200 mã số vùng trồng và 564 nhà đóng gói.

CHÚNG TA PHẢI CHUYỂN ĐỔI

Là tỉnh nông nghiệp, Tiền Giang có diện tích trồng cây ăn trái rất lớn, chưa kể các mặt hàng thủy sản, lúa - gạo, nên việc thay đổi về chính sách nhập khẩu của thị trường Trung Quốc dự báo cũng sẽ tác động lớn đến các loại nông sản của Tiền Giang. Số liệu thống kê của Sở Công thương cho thấy, trong năm 2018, xuất khẩu trái cây chính ngạch của Tiền Giang đạt 7.600 tấn, với giá trị kim ngạch đạt hơn 15 triệu USD, với mức tăng trưởng bình quân khoảng 8% mỗi năm.

Trên địa bàn tỉnh, hiện có 7 doanh nghiệp chế biến trái cây xuất khẩu, với công suất 12.000 tấn trái cây nguyên liệu/năm, chủ yếu xuất khẩu qua các thị trường: Hoa Kỳ, Australia, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc… Điểm đáng chú ý trong xuất khẩu rau quả của Tiền Giang trong thời gian gần đây là đã thay đổi đáng kể về cơ cấu thị trường xuất khẩu và sản phẩm.

Nếu như năm 2018, các sản phẩm rau quả đóng hộp của Tiền Giang được xuất sang các thị trường như: Hoa Kỳ, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia…, với giá trị xuất khẩu chỉ hơn 3 triệu USD đã tăng lên hơn 14 triệu USD trong 8 tháng năm 2019.

Điểm nhấn khác đối với hàng rau quả đóng hộp là Trung Quốc trở thành một trong những thị trường mới và nhanh chóng chiếm tỷ trọng rất cao, đạt gần 10 triệu USD. Trong khi đó, rau quả đông lạnh xuất khẩu của Tiền Giang cũng đã có mặt ở nhiều thị trường như: Nga, Nhật Bản, Hà Lan, Hoa Kỳ…

Tuy nhiên, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu rau quả đông lạnh của Tiền Giang. Theo đó, trong 8 tháng năm 2019, các doanh nghiệp trên địa bàn Tiền Giang đã xuất sang Trung Quốc gần 600 tấn rau quả các loại.

Ngoài xuất khẩu trái tươi, ngành Công thương cũng đang tiếp tục đẩy mạnh mời gọi đầu tư các dự án chế biến trái cây gắn với vùng trồng, hình thành chuỗi liên kết từ vùng trồng, bảo quản sau thu hoạch, chế biến và tiêu thụ. Để đáp ứng đòi hỏi của thị trường, hiện nay nhiều loại trái cây của Tiền Giang cũng đã được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP, có kiểm soát vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Tuy nhiên, để giải quyết bài toán đầu ra và tạo nguồn tiêu thụ ổn định cho các loại trái cây đặc sản của Tiền Giang cũng cần phải có chiến lược xúc tiến thương mại trên cả 2 thị trường trong nước và ngoài nước, kết hợp với chế biến tinh, chế biến sâu nhằm khai thác tối đa giá trị gia tăng mà ngành hàng trái cây mang lại.

Trên bình diện tổng thể, theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, những năm qua Trung Quốc luôn chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu rau quả của Việt Nam; từ 302 triệu USD năm 2013, chiếm khoảng 28% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả, đã tăng lên hơn 2,7 tỷ USD, chiếm hơn 73% trong năm 2018.

9 tháng năm 2019, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 1,9 tỷ USD. Bộ NN-PTNT cho rằng, Trung Quốc là thị trường lớn cần phát huy, khai thác. Bên cạnh đó là tiếp tục mở rộng thị trường nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu rau quả Việt Nam có giá trị cao và bền vững…

ANH PHƯƠNG

.
.
.